Sau 15 tiếng tranh luận và bỏ phiếu về hàng chục sửa đổi, Thượng viện Mỹ rơi vào bế tắc trong việc thông qua gói cứu trợ COVID-19 với 50 phiếu ủng hộ và 50 phiếu chống. Tình thế buộc Phó tổng thống Kamala Harris bỏ phiếu.

42 1 La Phieu Cua Ba Harris Day Goi Cuu Tro 1900 Ti Qua Ai Thuong Vien My

Tổng thống Biden gặp các lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện để bàn về gói cứu trợ 1.900 tỉ USD ngày 5-2 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, với việc bà Harris là một thành viên của Đảng Dân chủ, không khó khăn để gói cứu trợ được thông qua chóng vánh sau khi bà ra tay. Điều này mở đường cho việc bỏ phiếu ở Hạ viện trước khi đến bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden.

Đây là lần đầu tiên Phó tổng thống Harris sử dụng tới đặc quyền "phá vỡ bế tắc" trong một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện. Quyền này được quy định rõ ràng trong Hiến pháp Mỹ, trong đó phó tổng thống giữ vai trò là chủ tịch Thượng viện, song chỉ được bỏ phiếu khi số phiếu thuận và phiếu chống ngang bằng nhau.

Do phe Dân chủ đang kiểm soát tại Hạ viện nên khả năng cao gói cứu trợ sẽ được thông qua dễ dàng, bất chấp sự phản đối của phe Cộng hòa. Nguồn tin của Reuters cho biết phiên bỏ phiếu "mang tính thủ tục" tại Hạ viện sẽ diễn ra trưa 5-2 (giờ Mỹ).

Nếu được thông qua tại Hạ viện, coi như gói kích thích kinh tế và cứu trợ COVID-19 do ông Biden đề xuất đã vượt ải Quốc hội mà không cần bất kỳ sự ủng hộ của nghị sĩ Cộng hòa nào.

Hôm 14-1, Tổng thống Biden đã công bố đề xuất cứu trợ trị giá 1.900 tỉ USD, trong đó có 1.000 tỉ USD hỗ trợ trực tiếp các gia đình, 440 tỉ USD hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cộng đồng chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Theo kế hoạch này, mỗi người dân Mỹ dự kiến nhận được 1.400 USD theo gói cứu trợ. Cộng thêm 600 USD được phát trong gói cứu trợ dưới thời Tổng thống Donald Trump, mỗi người sẽ nhận được tổng cộng 2.000 USD.

Tuy nhiên, gói cứu trợ đã vấp phải sự phản đối từ các thành viên Đảng Cộng hòa do lo sợ nợ công Mỹ vượt mức kiểm soát. Một nhóm thượng nghị sĩ Cộng hòa đã đến Nhà Trắng họp với Tổng thống Biden để tìm giải pháp. Cuộc gặp được Nhà Trắng mô tả "hiệu quả" nhưng không hé lộ thêm chi tiết.

Chỉ tính riêng trong năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua các dự luật khẩn cấp với tổng trị giá khoảng 4.000 tỉ USD để đối phó đại dịch COVID-19. Tổng thống Biden đã có lần than phiền rằng gói 1.900 tỉ USD lần này không đủ để "bơm máu" cho nền kinh tế Mỹ sau 1 năm suy thoái nặng.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC