Đợt cắt giảm lãi suất này không chỉ mở đường cho những giải pháp hóa giải các cú sốc gần đây trong lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu… mà còn từng bước thúc đẩy các tiến trình phục hồi kinh tế của Lục địa già.
Lạm phát - chỉ số giá tiêu dùng tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 8-2024 đã giảm xuống còn 2,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố cho thấy, lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 8-2024 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua nhờ chi phí năng lượng giảm mạnh. Giá năng lượng đã giảm 3% trong tháng 8, sau khi tăng 1,2% vào tháng 7, trong khi giá thực phẩm tăng 2,4% so với mức 2,3% ghi nhận trước đó.
Nhờ thế, lạm phát - chỉ số giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 8-2024 đã giảm xuống còn 2,2% so với cùng kỳ năm 2023, sau khi đạt 2,6% vào tháng 7. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 7-2021 và gần chạm với mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Lạm phát lõi, không tính giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá, cũng giảm nhẹ xuống 2,8% từ mức 2,9% của tháng 7, mặc dù vẫn cao hơn mục tiêu dài hạn của ECB. Lạm phát dịch vụ tăng nhẹ lên 4,2%, được giới phân tích nhận định là do ảnh hưởng của sự kiện Olympic Paris 2024 diễn ra tại Pháp, thúc đẩy giá nhà ở và phương tiện vận tải hành khách.
Diễn biến tích cực có được nhờ cải thiện ở các nền kinh tế trụ cột quan trọng.
Tại Đức, nền kinh tế số 1 khu vực, lạm phát giảm mạnh trong tháng 8, thấp hơn 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái - mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua, và thậm chí thấp hơn mục tiêu lạm phát chung của cả khu vực (2%). Kết quả này vượt kỳ vọng của nhiều nhà kinh tế.
Cùng với lạm phát giảm, giá cả tiêu dùng tại Đức thậm chí giảm thêm 0,1% so với tháng trước, trong khi tiền lương thực tế đang tăng quý thứ 5 liên tiếp. Nói cách khác, áp lực lên túi tiền của người tiêu dùng Đức đã giảm đáng kể.
Theo các chuyên gia kinh tế, dữ liệu mới đã phác họa một bối cảnh vĩ mô gần như hoàn hảo cho phép ECB tiến tới cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vào ngày 12-9 tới tại Frankfurt (Đức).
Nếu trở thành hiện thực, đây sẽ là thay đổi lớn đối với nền kinh tế khu vực. Bởi vì, trong suốt một thời gian dài trước đó, ngân hàng này phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát theo cách giống như nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới.
Lạm phát khu vực đã vượt quá 10% vào tháng 10-2022 sau khi giá năng lượng phi mã do ảnh hưởng từ chính sách giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga nhằm phản đối cuộc xung đột Nga - Ukraine. Để ứng phó với tình trạng lạm phát leo thang, từ tháng 7-2022, ECB đã phải tăng lãi suất 10 lần liên tiếp, với tổng mức điều chỉnh lãi suất là 4,5%.
Trước đó, lạm phát phi mã với đỉnh cao 10,6% ghi nhận vào tháng 10-2022 đã đè nặng lên tăng trưởng. Nền kinh tế Lục địa già trở nên trì trệ do tiêu dùng giảm, giá năng lượng tăng vọt, trong khi lãi suất cao trói chặt các ngành công nghiệp. T
rong bối cảnh đó, một khi lãi suất giảm, sản xuất công nghiệp của châu Âu sẽ được cởi trói. Diễn biến này kết hợp với sự khởi sắc trong lĩnh vực dịch vụ do giá cả cải thiện mở lối để nền kinh tế khu vực bắt vào đà tăng trưởng.
Ngân hàng Erste (Áo) hiện duy trì dự báo lạm phát Eurozone sẽ giảm xuống 2,4% vào cuối năm 2024, trước khi hướng tới ngưỡng 2,1% vào cuối năm 2025. Tương ứng với đó, các nhà kinh tế tại Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) kỳ vọng, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của eurozone sẽ đạt 0,8% vào năm 2024 tính theo trung bình hằng năm, trước khi phục hồi đáng kể hơn để đạt mức 1,6% vào năm 2025.
Tuy nhiên, các quan điểm phân tích tỏ ra thận trọng về những rủi ro tiềm ẩn, như bất ổn chính trị ngắn hạn ở Pháp và Mỹ, tăng trưởng đang gặp khó khăn ở Trung Quốc, cũng như dư âm của những tác động tiêu cực đến từ chu kỳ tăng lãi suất chậm trễ…
Sau thời gian dài loay hoay với tình huống đầy khó khăn do tăng trưởng suy giảm, còn lạm phát vẫn ở mức cao dẫn đến những kịch bản khó đoán định, nền kinh tế châu Âu hơn bao giờ hết lạc quan về các chỉ số tích cực mới được ghi nhận.
Đây sẽ là tiền đề quan trọng để các nhà hoạch định chính sách của khối đưa ra những điều chỉnh mới để nền kinh tế quan trọng này trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định.
Hoàng Linh - Báo Hà Nội Mới