Là CEO của Tesla và SpaceX, Musk không chỉ nổi tiếng với khối tài sản khổng lồ mà còn với khả năng tác động đến các vấn đề chính trị toàn cầu. Gần đây, có thông tin rằng ông thường xuyên liên lạc với TT Nga Putin và mối quan hệ này đã gây ra những lo ngại lớn, nhất là khi Nga đang có xung đột quân sự.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc Musk tham gia vào các trung tâm quyền lực chính trị có thể dẫn đến những vấn đề phức tạp. Ngoài ra, Musk cũng bị cho là đang tham gia vào chiến dịch tranh cử tại Mỹ, thậm chí có thể giữ một vai trò nào đó trong chính phủ của D.Trump nếu Trump thắng cử lần nữa.
Điều này làm dấy lên nhiều câu hỏi về việc liệu một tỷ phú công nghệ có nên có ảnh hưởng lớn như vậy trong các vấn đề quốc gia hay không, đặc biệt khi ông đang sở hữu các công ty có tác động trực tiếp đến quốc phòng và công nghệ.
Elon Musk ngày càng có quan điểm chính trị cực đoan hơn trong những năm gần đây và dường như không ngần ngại khi hợp tác với các nhà lãnh đạo độc tài.
Theo tờ "Wall Street Journal" (WSJ), từ cuối năm 2022, Musk đã thường xuyên liên lạc với TT Nga V.Putin. Đồng thời, ông cũng có mối quan hệ với nhiều nhân vật quyền lực ở Trung Quốc để tiếp thị sản phẩm xe điện Tesla của mình. Bài báo của WSJ cho biết thông tin này được tiết lộ từ các quan chức Mỹ, Nga và châu Âu.
Một chi tiết gây chú ý là Putin được cho là đã đề nghị Musk tạm ngừng cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh Starlink tại Đài Loan, nhằm giúp đỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, WSJ không nêu rõ Musk có đáp ứng yêu cầu của Putin hay không.
Elon Musk đã có ảnh hưởng lớn đến cuộc chiến ở Ukraine thông qua Starlink.
Ban đầu, ông đã cung cấp dịch vụ vệ tinh Starlink miễn phí cho Ukraine, giúp cải thiện khả năng liên lạc của quân đội Ukraine. Tuy nhiên, sau đó, Musk đã thay đổi cách sử dụng dịch vụ này, có lúc vô hiệu hóa một phần dịch vụ cho Ukraine, trong khi cho phép quân đội Nga tiếp cận nó. Hành động này đã dẫn đến những cáo buộc rằng Musk đang dần hướng đến việc ủng hộ các lợi ích của Moscow.
Vào tháng 10/2022, ông đã kêu gọi những người theo dõi của mình (khi đó đã vượt mốc 200 triệu trên nền tảng X) ủng hộ một quá trình hòa bình cho Ukraine.
Tuy nhiên, kế hoạch của ông dựa trên một số đề xuất có lợi cho Nga, bao gồm việc Nga tiếp tục chiếm đóng Crimea và yêu cầu Ukraine trung lập, không gia nhập NATO. Những động thái này của Musk đã gây tranh cãi, đặc biệt khi ông dường như đặt ra các điều kiện không có lợi cho Ukraine trong quá trình đạt được hòa bình.
Elon Musk được cho là đã hỗ trợ cựu Tổng thống Donald Trump với khoảng 119 triệu USD, và có khả năng nhận được một vị trí có ảnh hưởng nếu Trump thắng cử vào ngày 5/11.
Cụ thể, vị trí được nhắc đến là trưởng một ủy ban tăng cường hiệu suất. Sự hiện diện của Musk trong các trung tâm quyền lực chính trị và kinh tế đang gây tranh cãi. Với sự thành công của SpaceX, Musk trở nên cần thiết cho NASA và có quyền tiếp cận các dữ liệu bảo mật cao.
Hơn nữa, hệ thống vệ tinh Starlink của ông không chỉ phục vụ cho các bệnh viện ở Dải Gaza, mà còn hỗ trợ cho quân đội ở Sudan, nông dân ở Brazil và trong các cuộc xung đột ở Yemen. Điều này khiến Musk sở hữu một công cụ mạnh mẽ có khả năng ảnh hưởng đến nhiều quốc gia.
Ngoài ra có khả năng Elon Musk có thể tác động trực tiếp lên chính phủ Mỹ nếu ông làm việc cùng Trump trong Nhà Trắng.
Giả sử Musk yêu cầu giảm thuế cho các công ty sản xuất xe điện hoặc nghiên cứu không gian, điều này có thể tạo ra ảnh hưởng đáng kể. Một số chuyên gia bày tỏ lo ngại về mối quan hệ chặt chẽ giữa các công ty của Musk với quân đội Mỹ và tình báo, cũng như các mối liên hệ với Nga. Philipp Adorf, một chuyên gia về Mỹ tại Đại học Bonn, cho rằng việc Musk có thể tiếp cận các thông tin quan trọng trong lĩnh vực quân sự và không gian là một mối quan ngại đáng kể.
Theo tờ Blick/Thụy sĩ