Australia đặc biệt chào đón khách du lịch Trung Quốc vì họ thường lưu trú lâu hơn và chi tiêu mạnh tay hơn. 

Tòa nhà Quốc hội tại thủ đô Canberra là một trong những công trình kiến trúc hiện đại nổi tiếng bậc nhất và là niềm tự hào của người dân Australia. Tuy nhiên, du khách Trung Quốc không cảm thấy biểu tượng quốc gia này ấn tượng lắm, theo New York Times.

“Trụ sở chính quyền cấp tỉnh ở Trung Quốc còn hoành tráng hơn thế này. Tôi nói đúng không?”, Jimmy Zhao, hướng dẫn viên người Thượng Hải, hỏi đoàn 55 du khách, chủ yếu đến từ Trung Quốc đại lục, trên hành trình tham quan kéo dài 4 ngày miền Đông Australia.

Nghe vậy, cả đoàn cười khúc khích, đồng ý với đánh giá của anh chàng hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, điều khiến họ ngạc nhiên là không giống ở Trung Quốc, trụ sở cơ quan lập pháp tối cao của Australia mở cửa cho công chúng tham quan. Khi hướng dẫn viên Zhao chỉ cho cả đoàn phòng vệ sinh mà một cựu thủ tướng Australia từng dùng, có du khách “nhanh như cắt” lao ngay vào để trải nghiệm phòng vệ sinh dành cho nguyên thủ.

“Ngày hôm nay, tất cả chúng ta đều là nghị sĩ”, một du khách Trung Quốc phấn khích hét lên.

Căng thẳng ngoại giao giữa Canberra và Bắc Kinh đang lên mức đỉnh điểm sau khi Australia thu hồi thị thực cư trú của tỷ phú bất động sản Hoàng Hướng Mặc, người đã quyên hàng triệu đô cho hai đảng chính trị đối lập ở Australia, theo AFP.

42 1 Lan Song Du Khach Trung Quoc Tran Vao Australia

Ông Hoàng cũng bị điều tra vì nghi ngờ liên quan tới Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung Quốc, cơ quan của đảng Cộng sản Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh khắp thế giới. Mối quan hệ giữa hai nước bắt đầu xấu đi từ năm 2017 khi Australia cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào các vấn đề nội bộ nước này.

Bất chấp thực tế đó, số lượng du khách Trung Quốc đến Australia vẫn tăng chóng mặt. Tính đến cuối tháng 9/2018, nước này đón 1,3 triệu du khách Trung Quốc trong vòng một năm, nhiều hơn dân số Adelaide, thành phố lớn thứ 5 của Australia. Du khách Trung Quốc chi tiêu rất mạnh tay, “bơm” vào nền kinh tế Australia 8,1 tỷ USD, tương đương hơn 1/4 tổng doanh thu từ du khách quốc tế, theo thống kê của chính phủ.

“Du lịch tạo ra thu nhập, tài sản, việc làm và hoạt động kinh tế trong khắp nền kinh tế”, Reuters dẫn lời Ryan Felsman, chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc CommSec, đánh giá. Chuyên gia này nhấn mạnh rằng doanh thu của ngành du lịch tương đương 10% kim ngạch xuất khẩu của Australia.

Không ít du khách Trung Quốc đến Australia vì có người thân đang học tập hoặc làm việc ở đất nước này. Số khác thích không khí trong lành, thời tiết ấm áp và môi trường tự nhiên hoang dã của Australia. Có người đơn giản chỉ ước ao được một lần trong đời tham quan Nhà hát Opera Sydney, biểu tượng của Australia.

Hướng dẫn viên Zhao cho biết 10 năm trước chỉ những người cực kỳ giàu có hoặc quan chức chính phủ mới đủ khả năng đến Australia du lịch. Nhưng ngày này, đa số du khách là những người thuộc tầng lớp trung lưu mới nổi của Trung Quốc.

42 2 Lan Song Du Khach Trung Quoc Tran Vao Australia

Một nhóm du khách Trung Quốc chụp ảnh tại cầu Harbour gần Nhà hát Opera Sydney hồi tháng 1. Ảnh: NYT.

Dọc hành trình tham quan, đoàn du khách dừng lại ở nhiều điểm để thưởng thức các món ăn ngon và tiếp xúc với người dân địa phương. Tuy nhiên, không phải lúc nào trải nghiệm cũng suôn sẻ, đôi khi, khác biệt văn hóa dẫn đến những cái nhíu mày.

Ngay từ điểm dừng chân đầu tiên theo lịch trình, tòa nhà quốc hội ở thủ đô, khác biệt văn hóa đã phô bày. Trong khi hướng dẫn viên trình bày một số thông tin cơ bản về hệ thống chính trị của Australia tại phòng trưng bày lịch sử Hạ viện, đám trẻ con nô đùa ầm ĩ xung quanh, còn các nữ du khách Trung Quốc đội những chiếc mũ rộng vành màu mè thì thi nhau chụp ảnh tự sướng.

“4 năm trước, Chủ tịch Tập được mời đến đây phát biểu”, Zhao nói. “Sự kiện đó mang tính lịch sử và chứng minh rằng Trung Quốc hiện nay phát triển hơn và được trân trọng hơn”.

Trong vài phút giới thiệu, Zhao hai lần bị bảo vệ yêu cầu phải nhắc nhở các du khách nói nhỏ, nhưng chẳng ai quan tâm. Họ chỉ xì xào bàn tán liệu bảo vệ có “bất lịch sự” như vậy với các du khách phương Tây hay không.

Khác biệt văn hóa không chỉ khiến dân địa phương khó chịu mà các du khách đến từ đất nước tỷ dân cũng phật ý. Người Trung Quốc thường uống nước nóng, nhưng dân Australia, đặc biệt vào mùa hè, lại thích đồ uống có đá.

Khi đoàn dừng chân ở thành phố Gold Coast, thuộc bang Queensland, một du khách 77 tuổi phàn nàn cả ngày nay bà chưa uống được viên thuốc vì không tìm được nước nóng ở bất cứ đâu. Một phụ nữ khác than vãn về dịch vụ ở quán cafe vì phục vụ không cho bà nước nóng để úp mì ăn liền.

“Tôi không nuốt nổi đồ ăn Tây, vì vậy, tôi tự mang đồ ăn theo”, nữ du khách nhăn mặt. “Tại sao không thể bán cho tôi một ít nước nóng được nhỉ?”

Tuy nhiên, nói chung, các doanh nghiệp Australia tỏ ra thức thời đón làn sóng du khách Trung Quốc. Họ trưng biển hiệu, in thực đơn và phát tờ rơi quảng cáo bằng tiếng Trung. Tại nông trại Paradise Country, chỉ cách thành phố Brisbane 45 phút về hướng nam, du khách tha hồ cho kangaroo ăn và cưng nựng chúng, ôm gấu koala, hay trải nghiệm buổi biểu diễn kỹ thuật chăn cừu, đương nhiên, với sự trợ giúp nhiệt tình của đội ngũ phiên dịch ngồi xen kẽ cùng khán giả. Đến cả “phó nháy” trong nông trại cũng có thể giao tiếp bằng tiếng Trung ở mức căn bản.

Trên hành trình, đôi khi đoàn cũng gặp những người dân bản địa tỏ ra dè chừng dân Trung Quốc bằng những khẩu hiệu thể hiện sự kỳ thị trên áo. “Chẳng ai muốn nói chuyện với bọn họ”, ông Runjuan Lu, 54 tuổi, phủi tay. “Cuộc sống chúng tôi bây giờ đang rất ổn. Chúng tôi có lương hưu nhé. Nếu không có đảng Cộng sản, làm gì có ngày hôm nay”.

 

Nguồn: An Hồng

VnExpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC