Các nhà lãnh đạo EU mới đây khẳng định sẽ sử dụng vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do bất kỳ hãng nào cung cấp, nếu các sản phẩm này đáp ứng được các cuộc kiểm tra của EU.

42 1 Lien Minh Chau Au San Sang Su Dung Nhieu Loai Vacxin Dat Chuan

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo về cách thức đối phó của Liên minh châu Âu đối với dịch COVID-19, tại Thủ đô Brussels (Bỉ), ngày 15-4-2020_Ảnh: Reuters

 

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) mới đây khẳng định sẽ sử dụng vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do bất kỳ hãng nào cung cấp, nếu các sản phẩm này đáp ứng được các cuộc kiểm tra của EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh vắcxin do Nga và Trung Quốc sản xuất có thể được cấp phép sử dụng tại EU nếu họ cung cấp đầy đủ các dữ liệu.

Trong khi đó, người phát ngôn của EC nêu rõ một trong những tiêu chí cho các hợp đồng mua vắcxin của EU là các nhà sản xuất phải có khả năng sản xuất ngay bên trong khối.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định mọi vắcxin ngừa COVID-19 được hoan nghênh tại EU, do khối này đang gặp khó khăn với công tác phân phối.

Cùng chung quan điểm này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định tất cả các loại vắcxin được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và cơ quan y tế quốc gia phê duyệt đều sẽ được chào đón tại Pháp. Ông nhấn mạnh việc cấp phép vắcxin nên dựa trên yếu tố khoa học thay vì chính trị.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias tuyên bố nước này sẵn sàng sử dụng vắcxin Sputnik V của Nga chừng nào sản phẩm này được EMA phê duyệt.

42 2 Lien Minh Chau Au San Sang Su Dung Nhieu Loai Vacxin Dat Chuan

Vắcxin ngừa COVID-19 Sputnik V được sản xuất tại nhà máy dược phẩm ở vùng Karaganda, Kazakhstan, ngày 24/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

EU đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt vắcxin trong bối cảnh các hãng dược phẩm phân phối chậm hơn so với dự kiến. Cho đến nay, EU đã ký thỏa thuận với 6 nhà cung cấp vắcxin, song EU mới chỉ phê duyệt các vắcxin của Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Moderna.

Hungary là thành viên duy nhất của EU cấp phép sử dụng vắcxin của Sinopharm (Trung Quốc) và vắcxin do Nga sản xuất. Trong khi đó, Serbia, một trong những đối tác tại Balkan của EU đã phê duyệt các vắcxin của Trung Quốc và Nga. Nước này đã nhận được 1 triệu liều vắcxin của Sinopharm vào giữa tháng Một này.

Cùng ngày, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã bày tỏ ủng hộ đối với việc đặt mua vắcxin ngừa COVID-19 thông qua EC, cho rằng các nước nhỏ hơn trong khối sẽ gặp khó khăn trong việc tự đàm phán đặt mua.

Trong tuyên bố, Thủ tướng Mitsotakis cho rằng Hy Lạp sẽ khó đặt mua được số vắcxin cần thiết, nếu như không có cơ chế đặt mua chung và phân phối dựa theo quy mô dân số.

Theo ông, các nước nhỏ như Bồ Đào Nha, Estonia, cho tới các quốc gia lớn hơn như Italy đều sẽ đối mặt với vấn đề tương tự. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ hài lòng về công tác ứng phó với dịch bệnh tại Hy Lạp, khi nước này có số ca nhiễm và tử vong ít hơn nhiều quốc gia khác trong EU, bất chấp xu hướng dịch bệnh gia tăng trong thời gian gần đây và hệ thống y tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng nợ.

Theo thống kê của trang Our World in Data, hiện EU mới chỉ tiêm được mũi đầu tiên cho khoảng 3% dân số, con số này khá thấp so với Mỹ (9%) và Anh (14%).

Đặng Ánh (TTXVN)

Nguồn: vietnamplus.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC