Hàng rào kẽm gai và hàng rào "răng rồng" tại công viên "phản cơ động" nằm gần biên giới Lithuania - Belarus - Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG LITHUANIA
Theo kênh Euronews, chính quyền Lithuania (hay Litva) vừa khai trương công viên “phản cơ động (counter-mobility)”, nơi đặt hàng rào phòng thủ nằm ở phía đông nước này, giáp biên giới với Belarus.
Công viên “phản cơ động” nằm trong kế hoạch xây dựng “tuyến phòng thủ Baltic” chung giữa Lithuania với hai quốc gia vùng Baltic khác là Latvia và Estonia.
Khu công viên này gồm các rào chắn đường, nhiều chướng ngại vật được đặt rải rác khắp nơi và hệ thống phòng thủ “răng rồng” - chướng ngại vật chống xe tăng làm bằng bê tông và có hình khối tam giác. Chiều cao của mỗi chiếc “răng rồng” từ 90-120cm.
“Nếu chúng tôi muốn tự vệ hiệu quả thì phải thiết lập hệ thống phòng thủ này”, thành viên của Seimas vì Liên minh Nội địa và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lithuania Laurynas Kasčiūnas cho biết.
Quân đội Lithuania cũng đặt các chướng ngại vật có thể triển khai nhanh trong trường hợp bị tấn công ở khu vực Pabradė, gần biên giới Belarus.
Trước đó hôm 22-8, Bộ Quốc phòng Lithuania thông báo nước này đã bắt đầu xây dựng một căn cứ quân sự giữa Kaliningrad của Nga và Belarus.
Khi hoàn thành, cơ sở này sẽ là nơi đồn trú của một nhóm quân Đức, cách biên giới Belarus khoảng 20km, gần vùng đất tách biệt Kaliningrad của Nga.
Trước đó hồi tháng 1-2022, ba bộ trưởng Quốc phòng Lithuania, Latvia và Estonia đã thống nhất xây dựng một tuyến phòng ngự chung nằm ở biên giới phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Song song với các hoạt động xây dựng tuyến phòng thủ của Lithuania, quân đội Latvia cũng bắt đầu triển khai giai đoạn đầu tiên của kế hoạch “tuyến phòng thủ Baltic” ở khu vực Latgale, cực đông Latvia, giáp Belarus và Nga.
Cạnh đó, Ba Lan cũng đang chuẩn bị tiến hành củng cố biên giới phía đông nước này theo sáng kiến “Lá chắn phía đông”.
Lo trở thành mục tiêu của Matxcơva
Tháng 6 vừa qua, các nhà lãnh đạo ba nước vùng Baltic và Ba Lan đã ký một bức thư kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ dự án phòng thủ chung trị giá khoảng 2,5 tỉ euro của bốn nước, chống lại các mối đe dọa quân sự từ phía Nga.
Litva, Latvia và Estonia từng là một phần của Liên Xô cũ nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ vào những năm 1990, cả ba quốc gia vùng Baltic lần lượt gia nhập EU và NATO.
Thời gian qua, lãnh đạo các nước vùng Baltic liên tục bày tỏ lo lắng về khả năng nước họ trở thành mục tiêu tiếp theo nếu Matxcơva đánh bại Kiev.
UYÊN PHƯƠNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online