Nhiều cơ sở hỏa táng hoạt động 24/7 do số ca tử vong do Covid-19 tăng vọt (Ảnh: Reuters).
Một cơ sở hỏa táng tập thể ở New Delhi, Ấn Độ (Ảnh: Reuters).
Nitish Kumar, một người dân New Delhi, buộc phải để thi thể người mẹ đã qua đời vì Covid-19 tại nhà trong suốt 2 ngày trong khi anh tuyệt vọng tìm kiếm một nơi nhận hỏa táng.
Giống Kumar, nhiều người dân ở thủ đô của Ấn Độ đang phải đối mặt với tình trạng tương tự khi các cơ sở hỏa táng đã quá tải dù hoạt động hết công suất 24/7 trong nhiều ngày. Những hàng dài thi thể xếp lần lượt chờ đợi được hỏa táng trong bối cảnh Ấn Độ đang trải qua đợt bùng dịch nghiêm trọng.
Ngày 22/4, Ấn Độ đã ghi nhận kỷ lục thế giới đáng buồn, với gần 315.000 ca Covid-19 mới chỉ trong 24 giờ. Quốc gia Nam Á đã ghi nhận trên 16 triệu ca bệnh và 186.000 người chết. Các bệnh viện quá tải dừng nhận bệnh nhân, các cơ sở hỏa táng “vỡ trận” và nhiều người dân đang hứng chịu nỗi đau xé lòng khi chứng kiến nhiều người thân qua đời.
Thân nhân mặc đồ bảo hộ tiễn đưa nạn nhân Covid-19 lần cuối ở New Delhi, Ấn Độ (Ảnh: Reuters).
Ngày 22/4, khi nỗ lực tìm kiếm cơ sở hỏa táng không có kết quả, Kumar buộc phải hỏa thiêu mẹ mình tại một cơ sở hỏa táng tập thể, tạm thời, được dựng lên tại một bãi đậu xe liền kề với một lò hỏa táng ở Seemapuri, phía đông bắc Delhi.
“Tôi đi khắp mọi nơi để tìm nơi hỏa táng mẹ nhưng mọi cơ sở đều từ chối vì một lý do nào đó, ví dụ như họ nói rằng họ hết gỗ”, Kumar nói, nheo đôi mắt cay xè vì khói bốc lên từ khu vực hỏa thiêu.
Jitender Singh Shunty, người điều hành tổ chức y tế phi lợi nhuận Shaheed Bhagat Singh Sewa Dal, cho biết trong chiều 22/4, đã có 60 thi thể được hỏa thiêu tại cơ sở tạm và 15 thi thể khác vẫn phải tiếp tục chờ đợi.
“Không một ai ở Delhi từng chứng kiến cảnh tượng này. Trẻ con mới 5 tuổi, thiếu niên 15 tuổi hay thanh niên 25 tuổi bị hỏa táng. Cặp đôi mới cưới cũng bị hỏa táng. Thật khủng khiếp khi chứng kiến cảnh này”, Shunty, với đôi mắt ướt nhòe vì xúc động, chia sẻ.
Shunty cho biết, trong đợt bùng phát dịch hồi năm ngoái, số lượng thi thể anh hỗ trợ hỏa táng mỗi ngày nhiều nhất là 18, trong khi ngày trung bình là khoảng 8-10 thi thể. Tuy nhiên, khi đợt dịch thứ 2 bùng nổ, chỉ riêng trong ngày 20/3 đã có tới 78 thi thể được mang đến hỏa thiêu ở cơ sở này.
Tại nhiều nơi ở Delhi, xe cứu thương xếp hàng dài trước các cơ sở hỏa táng, trong khi các thi thể phải buộc nằm trên đường chờ tới lượt.
Ấn Độ hiện đang là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ (Ảnh: Reuters).
Rajiv Agrawal, công nhân tại một cơ sở hỏa thiêu, nói với Independent rằng nhiều thi thể phải chờ ít nhất nửa ngày để được hỏa táng. Số lượng thi thể được đưa đến cơ sở gia tăng chóng mặt mỗi ngày.
Tại một cơ sở hỏa thiêu ở bang Gujarat, tây Ấn Độ, gỗ cháy liên tục trong nhiều ngày đến mức phần khung kim loại dùng để đựng gỗ và thi thể đã bị nóng chảy vì không có thời gian để nguội lại. Nhiều lò hỏa thiêu ở Surat, Rajkot, Jamnagar và Ahmedabad đã nhận số lượng thi thể nhiều gấp 3-4 lần ngày thường.
Tại một số cơ sở hỏa táng, phần khung kim loại ở khu vực hỏa thiêu thậm chí bị nóng chảy vì bị đốt nóng trong thời gian dài liên tục (Ảnh: Reuters).
Prashant Kabrawala, một người có nhiệm vụ quản lý một lò hỏa táng có tên là Ashwinikumar, thừa nhận rằng: “Tôi đã thường xuyên đến lò hỏa táng kể từ năm 1987 và quản lý hoạt động hàng ngày kể từ năm 2005, nhưng tôi chưa bao giờ thấy nhiều thi thể được mang tới hỏa táng như vậy chỉ trong 1 ngày. Nó vượt qua cả thời điểm dịch hạch bùng phát năm 1994 hay lũ lụt năm 2006”.
“Cho tới cuối tháng trước, chúng tôi hỏa thiêu 20 thi thể mỗi ngày. Nhưng kể từ đầu tháng 4, chúng tôi phải nhận tới 80 thi thể”, một quan chức cấp cao tại cơ sở hỏa táng Ramnath Ghela, cho biết.
Bức ảnh đầy ám ảnh chụp từ trên cao một cơ sở hỏa thiêu ngoài trời ở Ấn Độ (Ảnh: Reuters).
(Ảnh: Reuters).
(Ảnh: Reuters).