Những ngày tháng mòn mỏi chờ giao hàng mà chưa thấy sẽ chỉ còn là trường hợp hiếm có tại Anh sau khi hệ thống đường hầm ngầm tại nước này hoàn thành cho phép vận chuyển tới 600 triệu thùng hàng/năm tới riêng khu vực Thủ đô London.
Đường hầm chở hàng vận hành như thế nào?
Đây là kế hoạch do công ty có tên Magway, đặt trụ sở tại Anh thực hiện, nhằm thay thế hình thức giao hàng bằng xe tải trên mặt đất truyền thống. Họ đã lên kế hoạch xây dựng các đường hầm hẹp cùng đường ray có thể chạy ngầm dưới lòng đất ngay sát cạnh đường cao tốc, bên dưới các thành phố ở Anh để vận tải hàng hóa.
Theo Magway, đường hầm của họ sẽ bao gồm hạ tầng là hệ thống đường ống với chiều rộng chưa đầy 1m cho phép các kiện đựng hàng hoá có động cơ đệm từ di chuyển bên trên.
Thiết kế đường hầm giao hàng của Magway
Hệ thống đường ống sẽ được lắp đặt kết nối các trung tâm phân phối với các cửa hàng bán lẻ và người tiêu dùng. Để dễ hiểu, có thể hình dung thiết kế đường hầm này tương tự như thiết kế những đường ống ngầm vốn được các công ty điện, ga và nước sử dụng.
Magwat xây dựng hệ thống vận tải này dựa trên công nghệ động cơ đệm từ đồng bộ tuyến tính, tương tự như công nghệ được sử dụng trên các tàu lượn siêu tốc. Ông Rupert Cruise, một kỹ sư từng thiết kế hệ thống động cơ tuyến tính cho Hyperloop và tàu sân bay Hải quân Mỹ chính là người đồng sáng lập công ty này.
Tuyến vận tải hàng đầu tiên sẽ chạy từ hạt Hatfield, phía Bắc London đến Park Royal, ngoại ô Tây London (khoảng 32km). Quãng đường này thường tiêu tốn khoảng 45 phút nếu di chuyển bằng ô tô trong điều kiện giao thông tốt. Trong khi đó, nếu di chuyển bằng Magway, thời gian giao vận chỉ mất 40 phút. 50 km/h là tốc độ di chuyển của hệ thống này và các hộp chứa hàng di chuyển cách nhau khoảng nửa giây.
Giám đốc Thương mại và là người đồng sáng lập Magway, ông Phill Davies cho biết, công ty của ông có thể đưa tuyến vận chuyển Hatfield – Park Royal vào vận hành trong vòng 3 năm tới. Sau đó, một tuyến mở rộng khác dài khoảng 50 dặm từ Milton Keynes đến London có khả năng vận tải hơn 600 triệu thùng/năm – thông cáo báo chí trực tuyến của Magway cho biết.
Công ty này cũng đang thảo luận với sân bay Heathrow cùng một số công ty khác về việc sử dụng công nghệ này trong hoạt động giao hàng miễn thuế tới các cửa hàng bán lẻ hoặc chuyển hành lý khắp các nhà ga.
Tổng chi phí dự án sẽ cao hơn số tiền mà Magway kêu gọi ban đầu. Theo ước tính của công ty, toàn bộ số tiền chi cho đường hầm, đường sắt, khoang chở hàng sẽ có giá tới 1,5 triệu bảng Anh/km chưa kể các chi phí ngoài về nghiên cứu, lắp đặt và pháp lý trị giá 3,5 triệu bảng Anh/km.
“Một hệ thống đường ống dài 850km tại London có thể tiêu tốn số tiền từ 5-7 tỷ bảng Anh và dự kiến hoàn tất trong 20-25 năm”, ông Davies cho biết thêm. Nhưng khi hoàn thiện, nó cho phép tới hơn 90% dân số của London có thể tiếp cận các trung tâm giao nhận trong vòng 15 phút đi bộ hoặc đạp xe từ nhà.
Xu hướng mới trong ngành vận tải
Kể từ khi được thành lập vào năm 2017, công ty này đã kêu gọi 1,5 triệu bảng Anh (tương đương 1,9 triệu USD) và ông Davies khẳng định công nghệ đã sẵn sàng để ứng dụng.
Magwat hy vọng sẽ gọi vốn thêm 750.000 bảng Anh để củng cố đội nghiên cứu và nộp thêm các mẫu thiết kế mới, chọn hình thức kêu gọi quỹ cộng đồng (crowdfunding) để kết nối tới những khách hàng muốn sử dụng lựa chọn giao hàng thân thiện môi trường và sức khoẻ.
Ngoài ra, việc Magwat sử dụng hình thức crowdfunding cũng là để cho chính phủ cùng các nhà đầu tư khác thấy, dự án này có được sự ủng hộ từ cộng đồng cũng như sự chú ý từ truyền thông, theo dõi của mạng xã hội đến mức nào. Công ty của Anh dự kiến, trong tương lai, chi phí thực hiện dự án sẽ huy động từ tư nhân nhưng cũng có thể được chính phủ hỗ trợ vốn.
Sự phát triển của Magwat diễn ra trong bối cảnh ngành vận tải và giao nhận liên tục thay đổi trong đó nhiều công ty chạy đua tăng tốc thời gian giao vận và sáng tạo nhiều phương thức bền vững, thân thiện môi trường để giao hàng.
Ô nhiễm được dự đoán sẽ là nguyên nhân gây ra 2,4 triệu ca bệnh mới tại Anh tính đến năm 2035, theo Bộ Các vấn đề Nông thôn, Thực phẩm, Môi trường của Anh. Trong đó, tắc đường gây tổn hại tới 10,3 tỷ USD trong năm 2018, theo dữ liệu từ công ty phân tích Inrix. Tại Mỹ, con số này lên tới 87 tỷ USD. Một số dự án điển hình khác như Amazon đang đầu tư xây dựng riêng một đội xe giao hàng, cho thuê máy bay… Hay công ty UPS đang nghiên cứu cách thức mới để giao hàng bằng máy bay không người lái hay xe tải tự lái tại Mỹ.
Ngoài ra, Amazon cũng đã nộp đơn đăng ký bằng sáng chế “hệ thống giao hàng chuyên biệt” có thể bao gồm một số yếu tố ở trên mặt đất hoặc ngầm dưới lòng đất” vào tháng 11/2016 trong đó có nhiều hình ảnh cho thấy các gói hàng được vận chuyển ngầm.
Bản thân London đã có một hệ thống “đường sắt vận chuyển thư” ngầm được xây dựng từ năm 1927 với khả năng vận tải hơn 4 triệu thư/ngày nhưng đã đóng cửa năm 2003.
Theo Trang Trần/Baogiaothong