Một phụ nữ Anh gốc Hoa chia sẻ với BBC rằng bà đã chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm của mình cho những kẻ lừa đảo mặc cảnh phục gọi điện video cho bà từ một nơi trông giống đồn cảnh sát.
Đến giờ bà Helen Young vẫn còn ám ảnh về khoảng thời gian hai tuần mà bà bị dẫn dụ để tin rằng mình có tên trong danh sách truy nã gắt gao nhất của chính quyền Trung Quốc.
Mạo danh cảnh sát Trung Quốc, những kẻ lừa đảo đã thao túng bà Helen tin rằng bà đang bị điều tra do liên quan tới một vụ lừa đảo khổng lồ ở Trung Quốc.
Chụp lại hình ảnh,Bà Helen Young bị những kẻ mạo danh cảnh sát lừa
Bà Helen được cho xem một núi bằng chứng ngụy tạo có vẻ ám chỉ bà dính líu vào một hành vi phạm pháp mà bà không hề hay biết.
Khi những kẻ mạo danh cảnh sát đe dọa sẽ dẫn độ bà về một phòng giam ở Trung Quốc, bà Helen đã gửi cho chúng số tiền tiết kiệm cả đời trị giá 29.000 bảng Anh (khoảng 942 triệu VND) làm “tiền bảo lãnh”, trong một nỗ lực nhằm được ở lại Anh.
“Giờ tôi cảm thấy hơi ngu ngốc,” bà nói.
“Nhưng lúc đó tôi không hề biết rằng chuyện đó không có thật. Mọi thứ quá thuyết phục.”
Dù câu chuyện của bà Helen nghe có vẻ bất thường, hàng loạt vụ việc tương tự đã xảy ra với cộng đồng người Hoa ở hải ngoại.
Đại sứ quán Trung Quốc khắp thế giới đã đưa ra nhiều cảnh báo công khai về những trò lừa đảo mạo danh cảnh sát.
Sau một số vụ việc tại Mỹ, FBI cũng đã đưa ra cảnh báo về kiểu lừa đảo này.
Chụp lại hình ảnh,FBI và đại sứ quán Trung Quốc khắp thế giới đã đưa ra cảnh báo về trò lừa đảo mạo danh cảnh sát
Có thông tin một phụ nữ lớn tuổi ở Los Angeles đã chuyển khoản 3 triệu USD (hơn 2 tỷ VND) do tin rằng số tiền này sẽ giúp bà thoát khỏi việc bị dẫn độ.
Những trò lừa đảo này thường bắt đầu với việc nạn nhân nhận được một cuộc gọi tương đối vô hại.
Trong trường hợp của bà Helen, bà đã nhận được một cuộc gọi từ một kẻ tự xưng là hải quan Trung Quốc và thông báo việc đã giữ lại một kiện hàng phạm pháp được gửi bằng tên của bà.
Bà Helen đã không hề gửi bất cứ thứ gì, thế rồi bà được bảo rằng cần phải nộp một bản trình báo cho cảnh sát nếu bà nghĩ mình đã bị đánh cắp danh tính.
Dù bán tín bán nghi, bà Helen lại không dập máy.
“Những người Trung Quốc sinh ra và lớn lên tại Trung Quốc như tôi được dạy phải biết vâng lời,” bà chia sẻ.
“Vậy nên khi chính quyền hoặc ba mẹ yêu cầu tôi làm gì, hiếm khi tôi cãi lại.”
Bà Helen sau đó được bàn giao cho một người đàn ông tự xưng là cảnh sát thành phố Thâm Quyến, gọi là “sĩ quan Phương”.
Khi bà Helen yêu cầu xem giấy tờ, người đàn ông này đề nghị hai người chuyển qua gọi video.
Trong cuộc gọi, bà Helen nhìn thấy một người đàn ông mặc cảnh phục với khuôn mặt khớp với thẻ cảnh sát mà ông ta quay lướt qua.
Sĩ quan Phương sau đó đã cầm điện thoại lên để quay xung quanh. Khung cảnh trông giống một đồn cảnh sát đang vận hành bình thường, với nhiều sĩ quan mặc cảnh phục và một cái bàn với biểu trưng cảnh sát cỡ lớn.
“Giây phút ấy là khi tôi chẳng còn mảy may nghi ngờ gì nữa. Nên tôi đã nói tôi xin lỗi, tôi buộc phải cẩn trọng vì bây giờ có rất nhiều kẻ phạm tội,” bà Helen kể lại.
Khi đang nói chuyện, bà Helen nghe thấy một thông báo trên loa yêu cầu sĩ quan Phương nhận một cuộc điện thoại có liên quan tới bà Helen.
Sĩ quan Phương đặt cuộc gọi với bà vào chế độ chờ. Khi quay lại, người này không còn quan tâm gì tới kiện hàng phạm pháp nữa.
Ông ta nói rằng mình vừa được thông báo việc bà Helen bị tình nghi có dính líu tới một vụ án lừa đảo tài chính lớn.
“Tôi nói rằng điều đó thật vô lý. Anh ta liền nói: Không ai tự nhận mình có tội cả. Nhưng bằng chứng nói lên tất cả.”
Bà Helen được cho xem một bản tài liệu trông như sao kê ngân hàng đứng tên bà về một khoản tiền lớn.
Tiếp đó, sĩ quan Phương nói rằng nếu bà Helen vô tội, bà phải giúp cảnh sát bắt giữ kẻ gian thật sự.
Người đàn ông này đã bắt bà Helen kí vào một thỏa thuận bảo mật, cam kết sẽ không tiết lộ với ai về cuộc điều tra.
Bà Helen bị cảnh cáo rằng nếu tiết lộ, bà sẽ phải nhận thêm sáu tháng tù giam.
“Anh ta nói rằng tôi sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng nếu nói với bất kỳ ai việc mình bị cảnh sát Trung Quốc thẩm vấn.”
Những kẻ lừa đảo cũng bắt bà Helen tải về một ứng dụng giúp họ nghe được những gì bà làm vào cả ngày lẫn đêm.
Trong vài ngày sau đó, bà Helen cố gắng cư xử bình thường tại nơi làm việc.
Buổi tối, bà dành thời gian để viết một bản tường trình cá nhân, theo lệnh của những kẻ lừa đảo, về mọi khía cạnh cuộc sống của bà.
Sau đó, sĩ quan Phương đã liên lạc lại, thông báo rằng đã có một vài nghi phạm bị bắt giữ.
Người đàn ông này đã cho bà Helen xem những tờ khai buộc tội bà từ một số nghi phạm nói trên.
Bà Helen cũng nhận được một video quay cảnh một tù nhân nam thú tội với cảnh sát và khai rằng bà chính là chủ mưu trong phi vụ lừa đảo.
Đoạn video quay cảnh một tù nhân nam thú tội với cảnh sát và khai rằng bà Helen Young chính là chủ mưu trong phi vụ lừa đảo.
Chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng video này.
Do nghi phạm đeo khẩu trang lớn nên không thể biết liệu âm thanh có khớp với chuyển động môi của người này hay không.
Rất dễ để có thể chèn thêm một đoạn âm thanh giả mạo trong đó đề cập tới tên bà Helen hay một nạn nhân khác.
Nhưng đối với bà Helen, người đã bị thuyết phục rằng mình đang làm việc với cảnh sát thật, video này rất có hiệu quả.
“Sau khi nghe tên mình, tôi lập tức nôn mửa,” bà kể lại.
“Nó khiến tôi tin rằng mình đang gặp rắc rối to.”
Bà Helen không hề nghi ngờ gì khi nghe sĩ quan Phương thông báo việc bà sẽ bị dẫn độ về Trung Quốc – mặc cho việc bà là công dân Anh.
“Anh ta nói với tôi: Bà có 24 tiếng để gói ghém đồ đạc. Cảnh sát đang tới để đưa bà ra sân bay.”
Bà Helen được thông báo rằng bà có thể hoãn cuộc dẫn độ nếu nộp tiền bảo lãnh.
Sau khi gửi bản sao kê ngân hàng để những kẻ lừa đảo xem xét, bà được yêu cầu chuyển khoản 29.000 bảng Anh (khoảng 942 triệu VND).
“Tôi cảm thấy rất tệ. Tôi đã hứa sẽ cho con gái tôi số tiền này để nó mua căn hộ đầu tiên,” bà Helen cho biết.
Nhưng vài hôm sau, những cảnh sát giả này đã quay lại. Bà Helen bị yêu cầu chuyển thêm 250.000 bảng Anh (hơn 8 tỷ VND) hoặc sẽ bị dẫn độ.
“Tôi phải vật lộn để được sống,” bà nói.
“Nếu tôi quay về Trung Quốc, tôi sẽ không bao giờ có thể trở lại [Anh].”
Sau khi bà Helen hỏi vay tiền từ một người bạn, người này đã báo cho con gái bà Helen.
Bà Helen suy sụp và tiết lộ mọi chuyện.
Nhưng trước đó, bà đã đặt điện thoại di động vào một ngăn kéo trong bếp, dẫn con gái sang phòng ngủ và trùm lên đầu hai người một tấm chăn để đảm bảo những kẻ lừa đảo không thể nghe được gì.
Con gái bà kiên nhẫn lắng nghe và giải thích rằng đây là một trò lừa đảo.
Ngân hàng cuối cùng đã hoàn tiền cho bà Helen, nhưng hiểm cảnh của bà có thể đã dẫn đến một cái kết bi kịch hơn.
“Trong hai tuần, tôi không ngủ được mấy. Sao mà ngủ được khi có người đang theo dõi điện thoại của mình cơ chứ,” bà nói.
Do thiếu ngủ, bà đã tông xe hai lần. Chiếc xe đã hư hỏng hoàn toàn trong lần tai nạn thứ hai.
“Dù không ai chết, nhưng mà chuyện chết người hoàn toàn có thể xảy ra. Loại tội phạm lừa đảo này có thể khiến người ta mất mạng.”
Những nạn nhân khác của các vụ lừa đảo mạo danh cảnh sát thậm chí còn bị đẩy tới những mức cực đoan hơn.
Trong một vài trường hợp lạ lùng, một số du học sinh Trung Quốc, do không thể đáp ứng yêu cầu tài chính từ những kẻ mạo danh cảnh sát, đã bị thuyết phục giả vờ bị bắt cóc để đòi tiền chuộc từ chính gia đình.
Điều tra viên Joe Doueihi thuộc sở cảnh sát bang New South Wales (Úc) đã dẫn đầu một chiến dịch truyền thông để cảnh báo về thứ gọi là bắt cóc ảo hoặc bắt cóc trên mạng, sau một loạt các vụ việc ở Úc.
“Nạn nhân bị ép phải quay video cảnh họ ở trong tư thế yếu đuối để trông như đã bị bắt cóc.
“Bị trói chặt với tương cà chua vương khắp người để trông giống như họ đang bị chảy máu và [đồng thời] kêu cứu người thân,” ông Doueihi nói.
Cảnh sát Úc đã đưa ra hàng loạt cảnh báo sau những vụ việc "bắt cóc ảo"
Các sinh viên này sau đó được yêu cầu tự cô lập trong khi những kẻ lừa đảo gửi hình ảnh nói trên tới gia đình họ ở Trung Quốc để đòi tiền chuộc.
Những nạn nhân này thậm chí có thể bị thao túng để giúp những kẻ lừa đảo lừa thêm nhiều người khác.
“Những kẻ lừa đảo sẽ khiến nạn nhân tưởng rằng họ đang làm việc cho chính phủ Trung Quốc.
“Chúng sẽ gửi giấy chứng nhận và cho họ tuyên thệ vào lực lượng cảnh sát Trung Quốc,” ông Joe Doueihi cho hay.
Theo ông Doueihi, những nạn nhân đã gửi tiền cho những kẻ lừa đảo sẽ được giao nhiệm vụ giám sát hoặc hù dọa các sinh viên Trung Quốc khác ở Úc.
BBC tìm thấy các bộ chỉnh sửa bằng AI có thể giúp những kẻ lừa đảo mạo danh cảnh sát. Các bộ ứng dụng này được rao bán trên mạng.
Các chuyên gia cho rằng đa số những vụ lừa đảo này do các tổ chức tội phạm Trung Quốc vận hành từ các khu phức hợp ở Myanmar, Campuchia và Lào.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin đã có hàng chục ngàn nghi phạm bị bắt về Trung Quốc trong năm 2023.
Ngày càng có nhiều người biết về loại hình lừa đảo này.
Chúng tôi đã nói chuyện với một sinh viên ở Nhật Bản.
Sau khi nhận ra mình là mục tiêu của những kẻ lừa đảo, sinh viên này đã ghi âm lại cuộc hội thoại của mình.
Dù yêu cầu giấu tên, sinh viên này đã chia sẻ đoạn ghi âm với BBC.
Trong đoạn ghi âm, những kẻ lừa đảo nói với sinh viên này rằng nếu anh ta tiết lộ cho bất kỳ ai về cuộc hội thoại giữa họ thì “cuộc điều tra” sẽ bị đình trệ.
Anh ta đã từ chối chuyển tiền và những kẻ lừa đảo cũng ngừng đeo bám.
Anh ta biết rằng mình đã gặp may.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bị nhắm tới. Hãy cẩn thận nếu nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ.”
Nguồn: BBC