Theo Reuters, chiến hạm tên lửa dẫn đường USS McCampbell từ căn cứ Mỹ tại Nhật Bản và tàu chiến hải quân Hoàng gia Anh HMS Argyll đã tiến hành tập trận truyền thông tin và các bài tập khác từ thứ Sáu tuần trước tới thứ Tư tuần này để “giải quyết mối ưu tiên chung về an ninh”, hải quân Mỹ nói trong một thông cáo báo chí.
“Không có ghi chép trong lịch sử gần đây về việc hai nước hoạt động hải quân cùng nhau, đặc biệt là ở vùng biển Đông”, phát ngôn viên của Mỹ nói.
Việc tập trận chung này xảy ra sau khi Mỹ kêu gọi các đồng minh cùng với Mỹ tăng cường hiện diện ở biển Đông để bảo vệ quyền “tự do hàng hải” đang bị đe dọa bởi tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Hồi tháng 8/2018, Anh cũng cử một tàu chiến khác, chiếc HMS Albion nặng 22.000 tấn, tiến sát vào quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Đó là lần đầu tiên Anh quốc thách thức trực tiếp tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Bắc Kinh lên án hành động của London là “khiêu khích”.
Hồi tháng này, chiến hạm McCampbell của Mỹ cũng tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa, hoạt động mà Hải quân Mỹ tuyên bố là để “thách thức các đòi hỏi hàng hải quá đáng.”
Trung Quốc nói họ có chủ quyền trên gần hết diện tích biển Đông, vùng biển mà khoảng 3 nghìn tỷ USD hàng hóa được vận tải mỗi năm. Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền một phần tại vùng biển này.
Trung Quốc yêu sách phần lớn biển Đông thuộc chủ quyền của họ. (Ảnh qua China Daily Mail)
Theo Reuters, các bức ảnh vệ tinh được công bố cuối năm 2018 cho thấy Trung Quốc đã lắp nhiều hệ thống tên lửa đất đối không và tên lửa chống hạm trên các căn cứ quân sự xây trên các đảo nhân tạo. Không quân Trung Quốc cũng cho đáp máy bay ném bom lên đảo nhưng phản bác lại các chỉ trích, nói rằng họ không quân sự hóa biển Đông mà chỉ chuẩn bị để tự vệ và cứu trợ tai nạn.
Nguồn: Trọng Đức
Tiền Phong