USAID bị cáo buộc gây lãng phí ngân sách nghiêm trọng với nhiều khoản chi tranh cãi, bao gồm cả nghi vấn liên quan đến khủng bố và cản trở hoạt động giám sát.

1 My Cong Khai Cac Khoan Chi Lang Phi Va Sai Pham Nghiem Trong Cua Usaid

Thông báo xuất hiện trên trang web của USAID vào ngày 5-2 tại San Anselmo, California, cho thấy tất cả nhân viên được USAID trực tiếp tuyển dụng trên toàn cầu sẽ bị cho nghỉ việc có lương - Ảnh: AFP

Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) mới đây đã bị một thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa cáo buộc thực hiện "hành vi phá hoại có chủ đích đối với hoạt động giám sát của Quốc hội" trong những năm gần đây, sử dụng ngân sách từ tiền thuế của người dân để tài trợ cho các tổ chức bị cáo buộc tính phí quá cao cho Mỹ và có khả năng chuyển tiền cho khủng bố.

Những khoản tiền gây tranh cãi

Cụ thể, theo báo New York Post, thượng nghị sĩ Joni Ernst đến từ bang Iowa đã liệt kê hàng loạt ví dụ trên mạng xã hội để chứng minh rằng "USAID là một trong những cơ quan lãng phí ngân sách nghiêm trọng nhất ở Washington".

Theo đó, các khoản chi tiêu gây tranh cãi theo bà Ernst bao gồm số tiền 2 triệu USD cho các lớp học làm gốm ở Morocco, khoảng 2 triệu USD tài trợ cho các chuyến đi đến Lebanon, hơn 1 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Trung Quốc), 20 triệu USD để sản xuất chương trình Sesame Street tại Iraq và 9 triệu USD viện trợ nhân đạo bị cho là đã rơi vào tay các tổ chức khủng bố bạo lực.

Trước đó, Nhà Trắng cũng đã chỉ ra những khoản tiền "lãng phí và lạm dụng" của USAID thời gian qua, nhất là khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét cải tổ mạnh mẽ cơ quan này, thậm chí cân nhắc sáp nhập USAID vào Bộ Ngoại giao.

Chính quyền Mỹ đã chỉ ra các khoản chi tiêu gây lãng phí của USAID như 2 triệu USD tài trợ cho hoạt động LGBTQ và phẫu thuật chuyển giới ở Guatemala, 6 triệu USD phát triển du lịch ở Ai Cập, 32.000 USD cho một cuốn truyện tranh về người chuyển giới ở Peru, cùng các khoản tiền tài trợ cho biện pháp tránh thai "cá nhân hóa" ở các nước đang phát triển và nhiều khoản tiền khác.

Các cáo buộc nghiêm trọng khác

2 My Cong Khai Cac Khoan Chi Lang Phi Va Sai Pham Nghiem Trong Cua Usaid

Chân dung nữ nghị sĩ Joni Ernst đến từ bang Iowa - Ảnh: REUTERS

Ngoài vấn đề lãng phí ngân sách, USAID còn bị cáo buộc có liên quan đến các hoạt động mờ ám trong việc quản lý tài chính.

Trong lá thư gửi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hôm 5-2, bà Ernst đã đề cập đến trường hợp của Chemonics, một nhà thầu của USAID. Theo đó, Chemonics đã tính phí quá cao cho chính phủ liên bang "lên đến 270 triệu USD tính đến năm tài khóa 2019" và thậm chí còn bị nghi ngờ "có thể đã hối lộ cho các nhóm khủng bố".

Chemonics từng có mối quan hệ mật thiết với một trong những sáng kiến của USAID trị giá tới 9,5 triệu USD nhằm củng cố chuỗi cung ứng y tế toàn cầu.

Tuy nhiên, chương trình này đến cuối cùng đã dẫn đến hàng chục vụ bắt giữ và truy tố, do các sản phẩm mà USAID tài trợ bị tuồn ra thị trường chợ đen để bán lại.

Đáng chú ý, tháng 12 năm ngoái, Chemonics đã đồng ý trả số tiền 3,1 triệu USD để dàn xếp với chính phủ sau khi bị cáo buộc "gian lận" trong các khoản thanh toán.

Tuy nhiên, nữ thượng nghị sĩ của bang Iowa đã nhấn mạnh sự việc của Chemonics chỉ là phần nhỏ trong bức tranh lớn hơn về quản lý tài chính yếu kém của USAID, đồng thời chỉ trích cơ quan này vì liên tục cản trở yêu cầu giám sát.

"Hết lần này tới lần khác, cơ quan này liên tục từ chối cung cấp tài liệu để phục vụ cho công tác điều tra của tôi về các khoản chi tiêu lãng phí của họ”, bà Ernst than phiền với ông Rubio. "USAID đã thể hiện rõ ràng hành vi cản trở của mình".

Ngoài ra, bà còn tố cáo USAID cố tình gây khó khăn cho quá trình giám sát của Quốc hội, điển hình là yêu cầu nhóm của bà phải kiểm tra dữ liệu tài trợ cho Ukraine trong một phòng an ninh cao cấp dành cho tài liệu mật, dù các tài liệu này thực tế không hề được phân loại mật.

Thượng nghị sĩ Ernst nhấn mạnh người dân Mỹ có quyền biết rõ tiền thuế của họ đang được sử dụng như thế nào. Bà kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về các khoản viện trợ của USAID để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

ĐÀO HÀ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC