Tạp chí Đức Der Spiegel mô tả rằng, thiếu gạo, trứng và xà phòng, sụt giảm mạnh trong ngành du lịch là những khó khăn nổi bật của đất nước Cuba trong cơn khủng hoảng do sự sụp đổ của Venezuela và chính sách trừng phạt của chính quyền Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh mở rộng cấm vận thương mại năm 1962 của Mỹ đối với Cuba, gia hạn thêm một năm nữa.

Mỹ gia hạn trừng phạt Cuba Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh gia hạn thêm một năm lệnh cấm vận thương mại được áp dụng từ năm 1962 đối với Cuba, theo văn bản của sắc lệnh do Nhà Trắng ban hành hôm 13/9. Lệnh cấm vận trước đó sẽ hết hạn vào ngày 14 tháng 9 năm 2019.

"Nay tôi ra quyết định gia hạn thực thi các quyền lực này đối với Cuba trong một năm, vì lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ" - tài liệu viết.

Hơn nửa thế kỷ trước, Hoa Kỳ đã cấm các đối tác thương mại của mình đàm phán với Cuba và thậm chí ban hành Đạo luật Helms – Burton để tăng cường chính sách này. Quốc hội Hoa Kỳ tiếp tục duy trì hiệu lực của chính sách này với tư cách là biện pháp có thể buộc chính phủ Cuba tôn trọng nhân quyền. Cuối năm 2014 [dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barak Obama], Hoa Kỳ và Cuba tuyên bố bắt đầu tiến trình dần dần bình thường hóa quan hệ.

Năm 2015, Tổng thống khi đó là Barack Obama đã kêu gọi Quốc hội đình chỉ phong tỏa thương mại Cuba và tuyên bố trong thông điệp thường niên rằng "chính sách này từ lâu đã hết hiệu lực", đó là sự thừa nhận một cách ẩn dụ về sự thất bại của chiến lược này.

Vào tháng 7 năm 2015, hai nước đã khôi phục quan hệ ngoại giao. Sau đó, các bên đã ký một số thỏa thuận song phương, mặc dù lệnh cấm vận thương mại đối với Cuba do Quốc hội Mỹ áp đặt chưa được dỡ bỏ. Tuy nhiên, vào tháng 6 năm 2017, chỉ sau nửa năm lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy bỏ chính sách "sai lầm" của người tiền nhiệm là bình thường hóa quan hệ với Havana [cùng với không ít thỏa thuận và chính sách khác của ông Obama]. Nhà Trắng lưu ý rằng, Hoa Kỳ duy trì lệnh cấm vận áp đặt đối với Cuba và phản đối các lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác để dỡ bỏ lệnh cấm vận này.

Bộ Ngoại giao Cuba cũng lên án việc trục xuất một nhóm lớn các nhà ngoại giao từ đại sứ quán ở Washington, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho công việc của chính phái đoàn ngoại giao Cuba và quyết định hủy bỏ các chuyến thăm của các phái đoàn chính thức từ Hoa Kỳ đến hòn đảo Tự do.

Cuba gặp nhiều khó khăn do lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh Quan hệ giữa hai nước càng xấu thêm liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela. Chính quyền Mỹ thường xuyên cáo buộc Cuba ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro và can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước, do đó, Washington càng siết chặt thêm vòng trừng phạt với La Habana.

42 1 My Gia Han Trung Phat Kinh Te Cuba Co Gap Kho

Mỹ đã gia hạn trừng phạt thêm một năm đối với Cuba

Được biết, lệnh gia hạn trừng phạt được Mỹ tung ra trong bối cảnh nền kinh tế Cuba đang hết sức khó khăn, đời sống nhân dân thiếu thốn.

Cùng với đó, kể từ đầu tháng 7, Brazil đã cấm bán xì gà Cuba trên thị trường do cáo buộc là trong món “đặc sản Cuba” chứa quá nhiều axit. Chính quyền La Habana coi quyết định này là một đòn tấn công kế tiếp trong cuộc chiến kinh tế và tuyên bố rằng, đối tượng có lỗi ở đây là “những đầy tớ ngoan ngoãn của ê-kip Trump”, tức là chính quyền của Tổng thống Jair Bolsonaro.

Tờ báo Đức nhận xét, đối với Cuba, lệnh cấm bán xì gà ở Brazil chỉ là một trong nhiều tin xấu dồn dập thời gian gần đây. Trong ngành du lịch của đất nước, doanh thu năm nay đã sụt giảm tới 8,5%. Nhu yếu phẩm tiêu dùng hàng ngày đang mỗi lúc một ít ỏi hơn.

Thịt gà, gạo, trứng, đậu, giò xúc-xích, xà phòng, chất tẩy rửa và kem đánh răng định mức phân phối theo khẩu phần. Kể từ tháng 4 trở đi, báo Granma là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba cũng đã giảm số trang đi một nửa, chứ không còn xuất bản 16 trang như trước, bởi gặp vấn đề với sự khan hiếm giấy in. Trong những tuần lễ gần đây, cư dân Cuba đăng nhiều ảnh trên Internet, cho thấy cảnh người xếp hàng rồng rắn trước các cửa hiệu.

Der Spiegel nhấn mạnh, đất nước vùng Caribe vẫn đang hứng chịu khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng từ suốt những năm 90 đến nay. Trong số nguyên nhân của tình trạng đáng buồn kéo dài nhiều thập kỷ này, có một phần lỗi sai của mô hình kinh tế kế hoạch hóa của đất nước không hiệu quả, nhưng phần lớn là do chính sách cấm vận của Mỹ.

Huy Bình

Nguồn: datviet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC