Ngày 25/6, Bộ Ngoại giao Mỹ xếp Trung Quốc xuống mức tồi tệ nhất (Tier 3) về tình trạng buôn người. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc ở cùng nhóm với các nước như Triều Tiên, Syria và Iran.
Trung Quốc từng giữ mức cao hơn (Tier 2) trong vòng ba năm qua. Một quốc gia sẽ bị hạ bậc nếu hai năm liên tiếp không cải thiện tình trạng buôn người. Tuy nhiên, năm ngoái Bộ Ngoại giao của chính quyền Obama đã không đặt Bắc Kinh ở mức tồi tệ nhất.
Năm nay, chính quyền mới của Tổng thống Trump không nhân nhượng điều này.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Rex Tillerson giải thích Trung Quốc bị đánh giá ở mức thấp nhất “vì họ đã không tiến hành các bước nghiêm túc nhằm chấm dứt sự đồng lõa của họ vào hoạt động buôn người”.
Phụ nữ và trẻ em bị buôn bán tới Trung Quốc để làm nô lê tình dục, kết hôn, hoặc cưỡng bức lao động; họ chủ yếu đến từ Việt Nam, Myanmar, Mông Cổ, Nga, Triều Tiên, Romania, Ghana, theo báo cáo năm 2009 của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Nạn buôn người đặc biệt nghiêm trọng hơn khi liên quan tới hoạt động mổ cướp nội tạng.
(Ảnh: Jiuyuan)
Cách đây 10 năm, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã bày tỏ mối quan ngại về tình trạng gia tăng nạn buôn người lấy nội tạng ở châu Á, theo Reuters. Ông Bruce Reed, đại diện khu vực của IOM, cho biết nạn buôn người để lấy nội tạng ngày càng gia tăng ở Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á, như Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar và Philippines.
Dư luận Việt Nam hết sức bàng hoàng trước các vụ người dân địa phương bị bắt cóc và/hoặc bị mổ lấy nội tạng.
Công an huyện Si Ma Cai (Lào Cai) từng ra cảnh báo về tình trạng bắt cóc lấy nội tạng ở khu vực biên giới với Trung Quốc trong một văn bản vào tháng 7 năm ngoái.
Văn bản viết:
“Ngày 27/7/2016, Công an huyện Si Ma Cai nhận được công văn số 1177/CAT-PV11 Công an tỉnh Lào Cai thông báo: Tại địa bàn giáp ranh Việt Nam – Trung Quốc, tỉnh Hà Giang trong 6 tháng đầu năm đã xảy ra 16 vụ/ 16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng (gan, thận, tim, mắt…).”
Công an Lào Cai sau đó đã thu hồi văn bản này với lý do “sơ suất trong khâu soạn thảo”, theo báo Đất Việt. Dù thực hư về văn bản này ra sao, mối đe dọa từ Trung Quốc về mổ cướp nội tạng là có thật.
Trung Quốc có số ca ghép tạng bùng nổ bất thường từ năm 2000 và nhanh chóng trở thành quốc gia ghép tạng lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ, theo báo cáo ‘Thu hoạch đẫm máu’ (Bloody Harvest) của luật sư nhân quyền David Matas và cựu Ngoại trưởng Canada David Kilgour.
Điển khác biệt là, Mỹ là một trong những nước có tỷ lệ tự nguyện hiến tặng nội tạng cao nhất thế giới, trong khi Trung Quốc có số người hiến tạng vô cùng hiếm hoi vì quan niệm người chết cũng cần bảo toàn thi thể.
Năm 2005, Trung Quốc thừa nhận họ sử dụng nội tạng của các phạm nhân bị xử tử. Nhưng số lượng tử tù ở Trung Quốc theo ước tính của Tổ chức Ân xá kém xa số lượng các ca ghép tạng của nước này, theo báo cáo Thu hoạch đẫm máu.
Tuy nhiên, dù là nội tạng của tử tù hay nguồn hiến tặng tự nguyện, Trung Quốc cũng không thể dùng để lý giải cho sự gia tăng bất thường của ngành ghép tạng của nước này.
Anh Lương Thế Huynh cố gắng tìm con trai Lương Thế Vương bị bắt cóc năm 2015.
Trung Quốc lấy nội tạng từ đâu?
Các cuộc điều tra quốc tế trong hơn 10 năm qua khẳng định chính quyền Trung Quốc mổ lấy nội tạng của các tù nhân lương tâm, tức những người bị bắt giữ không phải vì có hành vi bạo lực mà chỉ vì họ có niềm tin không được chính quyền ủng hộ.
Đại đa số các nạn nhân là người tập Pháp Luân Công, môn khí công gồm 5 bài tập và các nguyên tắc sống theo Chân – Thiện – Nhẫn. Trái ngược với các quốc gia trên thế giới, Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công khi thấy lượng người tập môn này quá lớn, ước tính 70-100 triệu người vào năm 1999, lần lượt theo ước tính của nhà nước và các học viên Pháp Luân Công.
Theo lệnh của cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, những người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc luôn đứng trước nguy cơ bị bắt giữ, tuyên truyền bôi nhọ, tra tấn, cưỡng bức lao động và trở thành kho nội tạng sống cho ngành ghép tạng.
Các nhóm nạn nhân khác bị chính quyền Trung Quốc mổ lấy nội tạng bao gồm những người theo đạo Cơ Đốc, người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng, theo báo cáo điều tra được công bố năm 2016 của luật sư nhân quyền David Matas, cựu Ngoại trưởng Canada David Kilgour và nhà báo Ethan Gutmann.
Báo cáo này cho biết hàng năm Trung Quốc tiến hành khoảng 60.000-100.000 ca cấy ghép tạng, vượt xa con số 10.000 ca mà chính quyền nước này công bố.
Bé Ngô Ngọc Phút (8 tuổi) bị bắt cóc năm 2015. Khi được tìm thấy, thi thể của bé không còn nội tạng. (Ảnh: Báo Đất Việt)
Số lượng các cơ sở cấy ghép nội tạng tăng siêu tốc kể từ sau cuộc đàn áp Pháp Luân Công: Từ 150 cơ sở vào năm 1999 lên đến 600 cơ sở vào năm 2006, theo Hiệp hội các bác sỹ chống mổ cướp nội tạng (DAFOH). Báo cáo năm 2016 của các nhà điều tra cho biết số nơi cấy ghép đang hoạt động là hơn 700 cơ sở trên khắp Trung Quốc.
Vấn nạn này trở thành mối đe dọa đối với người dân nhiều nước, thôi thúc cộng đồng thế giới lên án và hành động.
Năm ngoái, Hạ viện Mỹ và Nghị viện châu Âu đã ra nghị quyết lên án hoạt động mổ cướp nội tạng của chính quyền Trung Quốc.
Nhà vật lý người Mỹ Albert Einstein từng nói: “Thế giới là một nơi nguy hiểm, không phải vì những kẻ tà ác, mà vì những người không làm gì về tội ác đó”.
Động thái xếp hạng Trung Quốc là nước có tình trạng buôn bán người tồi tệ nhất cho thấy chính quyền Trump đang thể hiện sự quan tâm sâu sắc hơn đến vấn đề nhân quyền tại nước này.
Nguồn: Thu Phương
Đại Kỷ Nguyên