Tổng thống Donald Trump khi đến thăm Viện nghiên cứu Vaccine Quốc gia Mỹ tại Maryland ngày 3/3. Ảnh: AFP
Kênh CNN (Mỹ) cho biết nhiều phòng thí nghiệm, bệnh viện, công ty dược của nước này đã trở thành nạn nhân bị tấn công mạng. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) đối mặt với tình trạng bị tấn công mạng hàng ngày.
Một quan chức giấu tên tiết lộ với CNN rằng chỉ có 2 quốc gia trên thế giới có thể tấn công mạng nhằm vào HHS với quy mô như vậy, đó là Nga và Trung Quốc. Nhiều quan chức an ninh Mỹ sau đó nhận định thủ phạm tấn công mạng bắt nguồn từ Trung Quốc.
Ngày 23/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với Fox News rằng mối đe dọa lớn nhất là đảm bảo nguồn lực để bảo vệ Mỹ trước các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc.
Bộ Tư Pháp Mỹ cho biết đặc biệt quan ngại về tin tặc Trung Quốc tấn công mạng nhằm vào các bệnh viện, phòng thí nghiệm Mỹ nhằm đánh cắp nghiên cứu liên quan đến COVID-19.
Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ phụ trách an ninh quốc gia – ông John Demers trong buổi thảo luận trực tuyến ngày 24/4 nhận định: “Chúng tôi nhận thấy tình trạng gia tăng đột nhập mạng tại các trung tâm, trường đại học, cơ sở y tế đang nghiên cứu về COVID-19. Ngày nay, không có gì giá trị hơn nghiên cứu y sinh liên quan tới vắc-xin cho virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Nó không chỉ có giá trị thương mại mà bất cứ quốc gia, công ty hay phòng thí nghiệm nào có thể phát triển và sản xuất vắc-xin đầu tiên sẽ gặt hái thành công về địa chính trị”.
Theo CNN, tấn công mạng từ Trung Quốc nhằm vào Mỹ đã tăng mạnh trong những tháng kể từ khi COVID-19 bùng phát. Tháng 3 vừa qua, công ty an ninh mạng FireEye đã nêu tên nhóm tin tặc APT41 (Trung Quốc).
Ông Bill Evanina, Giám đốc Trung tâm phản gián và an ninh quốc gia của Mỹ, cũng cảnh báo rằng nghiên cứu chiến lược về vắc-xin COVID-19 có thể bị nước ngoài trộm và sao chép.
Kênh CNN đã đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington phát biểu ý kiến về nghi vấn của Mỹ nhưng chưa nhận được phản hồi.
Cũng trong ngày 23/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết kể từ khi COVID-19 bùng phát, nhiều nhân viên của tổ chức này trở thành nạn nhân bị tấn công mạng. Trong tuần đó, khoảng 450 mật khẩu và địa chỉ thư điện tử của WHO bị rò rỉ trên mạng.
Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp báo ngày 17/4 ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết Mỹ đang xem xét điều tra cáo buộc SARS-CoV-2 bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Gần đây, nhà lãnh đạo Mỹ còn nói rằng Trung Quốc có thể phải đối mặt với hậu quả nếu thực sự kiểm chứng được nước này “chịu trách nhiệm về đại dịch”.
Ngày 21/4, WHO nói rằng nhiều khả năng SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật thay vì xuất phát từ phòng thí nghiệm hoặc nơi nào đó. Trước đó, vào ngày 11/3, Tổng giám đốc WHO đã tuyên bố dịch bệnh COVID-19 là 'đại dịch'.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 9 giờ 30 phút ngày 26/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn cầu là 2.921.201 trường hợp, trong đó có 203.289 người tử vong.
Hà Linh/Báo Tin tức