Những phát biểu vừa qua của Phó Tổng thống JD Vance và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đang làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ sẽ rời xa châu Âu và thân thiết với Nga.

1 My Reo Rac So Hai O Chau Au Va Trao Trai Ngot Cho Nga

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich ở Đức, ngày 14/2. (Ảnh: AP)

Năm 2007, Tổng thống Nga Vladimir V. Putin gây sốc cho phương Tây ở Hội nghị an ninh Munich, khi ông nói về việc đảo ngược vai trò thống trị của Mỹ và sự cân bằng quyền lực mới ở châu Âu , phù hợp với lợi ích của Nga.

Nhà lãnh đạo Nga khi đó không đạt được điều ông muốn. Gần hai thập kỷ sau, cũng tại hội nghị đó, những phát biểu của các quan chức cấp cao thuộc nội các của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy một điều: Tổng thống Putin đã tìm thấy một chính quyền Mỹ có thể giúp ông hiện thực hóa giấc mơ của mình, báo New York Times bình luận trong bài viết đăng ngày 16/2.

Liên minh lục đục

Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth và Phó Tổng thống Mỹ JD Vance khiến các lãnh đạo và quan chức châu Âu dự Hội nghị an ninh Munich trong tuần qua cảm thấy bất an, lo lắng chính quyền Mỹ hiện nay có thể liên kết với Nga và từ bỏ châu Âu hoàn toàn.

Theo các nhà phân tích, thay đổi như vậy sẽ mang lại cho Tổng thống Putin chiến thắng mà trước đây ông cũng không thể tưởng tượng được, quan trọng hơn nhiều so với bất kỳ mục tiêu nào ở Ukraine.

"Kể từ khi Chiến tranh Lạnh nổ ra vào cuối những năm 1940, Điện Kremlin đã muốn đẩy nước Mỹ ra khỏi vai trò nền tảng của an ninh châu Âu. Ông Putin chắc chắn đủ khôn ngoan để nắm bắt bất kỳ cơ hội nào do chính quyền mới tạo ra", Andrew S. Weiss, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, nói với New York Times .

Sự hiện diện của quân đội Mỹ đóng vai trò nền tảng trong suốt 80 năm qua ở Tây Âu, kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Tuy nhiên, trong bài phát biểu tại Warsaw ngày 14/2, trước khi đến Hội nghị an ninh Munich, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth cảnh báo các nhà lãnh đạo châu Âu rằng họ không nên kỳ vọng Mỹ sẽ ở đó mãi.

Cũng tại đó, Phó Tổng thống Vance đưa ra thông điệp còn đáng sợ hơn đối với nhiều người châu Âu: Ông thấy kẻ thù không phải là Nga hay Trung Quốc, mà là chính châu Âu.

Phó Tổng thống Mỹ chỉ trích các quốc gia châu Âu vì đã sử dụng những cách mà ông gọi là phi dân chủ để kiềm chế các đảng cực hữu, trong đó có nhiều đảng có quan điểm ủng hộ Nga. Ông kêu gọi lục địa này thừa nhận mong muốn của cử tri, ngừng kiểm duyệt thông tin sai lệch theo những cách phi dân chủ và cho phép các đảng như vậy phát triển mạnh mẽ theo ý nguyện của người dân.

"Nếu các ngài chạy đua mà sợ chính cử tri của mình thì nước Mỹ không thể làm gì cho bạn được. Tương tự như vậy, bạn cũng không thể làm gì cho những người dân Mỹ đã bỏ phiếu cho tôi và Tổng thống Trump ", ông Vance nói.

Ông Vance đặc biệt chỉ trích Romania, nơi tòa án hiến pháp của nước này đã hủy bỏ cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 12 năm ngoái, khi một ứng viên có quan điểm ủng hộ Nga có cơ hội nhiều nhất để giành chiến thắng. Cuộc bầu cử được chuyển sang tháng 5 năm nay.

"Nếu nền dân chủ của bạn có thể bị phá hủy chỉ bằng vài trăm nghìn đô la quảng cáo của một nước khác, thì ngay từ đầu nền dân chủ đó đã không thực sự mạnh mẽ", ông Vance nói.

Cùng ngày đưa ra bài phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich, ông Vance đã gặp gỡ lãnh đạo phong trào cực hữu của Đức, vào thời điểm nước Đức đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử.

2 My Reo Rac So Hai O Chau Au Va Trao Trai Ngot Cho Nga

Các lãnh đạo và quan chức châu Âu nghe Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich ngày 14/2. (Ảnh: AP)

Thông điệp đe doạ

Sự chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu là điều có lợi cho Nga. Sự sụp đổ của liên minh xuyên Đại Tây Dương từ bên trong sẽ tạo nên một thế giới mà Mátxcơva có thể đóng vai trò lớn hơn, các nhà phân tích nhận định.

Nathalie Tocci, giám đốc Viện Quan hệ quốc tế tại Rome, cho rằng thông điệp từ bài phát biểu của ông Vance là mối đe dọa trực tiếp của Mỹ đối với Liên minh châu Âu (EU). Bà gọi đây là bước ngoặt lớn.

"Vấn đề thậm chí không phải là Ukraine . Vấn đề là (Mỹ) cố tình làm suy yếu, nếu không muốn nói là phá hủy châu Âu, trong đó Ukraine là một phần", bà nói.

Bà Tocci cho rằng những phát biểu của ông Vance là cuộc tấn công vào nền dân chủ châu Âu, bóp méo ngôn ngữ của chính nền dân chủ, reo rắc sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu mà Nga sẽ hưởng lợi.

Tổng thống Putin coi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine mang ý nghĩa rộng hơn, để chống lại phương Tây và các giá trị thức tỉnh mà ông mô tả là không tốt đẹp. Alexander Baunov, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie về Nga và Âu-Á, nhận định trong một bài phân tích gần đây rằng Tổng thống Putin tin rằng cuối cùng Mỹ và châu Âu sẽ phải khuất phục trước Nga.

Thách thức đối với châu Âu nổi lên khi Đức và Pháp, hai quốc gia lớn nhất của EU, đều đang trải qua khủng hoảng lãnh đạo, một phần do các phong trào chính trị có quan điểm tương đồng với ông Trump. Năm 2015, Đức và Pháp đã đóng vai trò đi đầu trong tiến trình đàm phán để chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine. Sau khi rời khỏi EU, ảnh hưởng của Vương quốc Anh đã suy yếu đáng kể ở châu lục này.

Chưa biết thỏa thuận của Tổng thống Trump với Tổng thống Putin sẽ đi xa đến đâu. Cũng có khả năng quan hệ tốt đẹp chớm nở giữa Washington và Mátxcơva có thể dễ dàng tan biến trong tiến trình đàm phán về Ukraine.

Nhưng trước đây từng có chuyện lãnh đạo các nước khác có thể lôi kéo ông Trump theo quan điểm có lợi cho họ, và cho đến nay Nga đang gặt hái được nhiều lợi ích từ chính quyền mới ở Washington.

Điện Kremlin đã giành được một loạt chiến thắng kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng.

Chưa đầy 1 tháng sau trở lại cầm quyền, ông Trump đình chỉ hoạt động của USAID - cơ quan viện trợ nước ngoài của Mỹ mà Mátxcơva chỉ trích từ lâu.

Ông đã làm trầm trọng thêm sự bất hòa trong quan hệ với châu Âu, đe dọa các đồng minh thân cận nhất của Washington bằng một cuộc chiến thương mại. Ông trao quyền và nâng cao vị thế cho tỷ phú Elon Musk, người đã lan truyền nhiều thông tin có lợi cho Nga trên mạng xã hội X và công khai ủng hộ phong trào cực hữu ở Đức.

Giờ đây, ông Trump sẽ quyết định cách giải quyết cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, và các lãnh đạo châu Âu có thể không được tham gia. Điều này mang những hàm ý có thể vượt ra khỏi biên giới Ukraine để tác động đến cân bằng an ninh rộng lớn hơn ở châu Âu.

Theo tienphong.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC