Tổng thống Putin chủ trì cuộc họp về các vấn đề kinh tế thông qua liên kết video tại dinh thự nhà nước Novo-Ogaryovo bên ngoài Moscow, Nga vào ngày 11/4/2023. Ảnh Sputnik/Kyivindependent
Thông tin này nhấn mạnh tác động của các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với Nga và những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng liên quan đến cuộc chiến đã kéo dài gần 3 năm của nước này ở Ukraine, Financial Times cho biết.
Nguồn tin tiết lộ rằng, Moscow đang cố gắng khôi phục vị thế và khả năng tiếp cận thương mại toàn cầu bằng cách đặt mình vào trung tâm của khối thương mại Á-Âu để có thể cạnh tranh với ảnh hưởng kinh tế của Mỹ, EU và Trung Quốc.
Theo Financial Times, sáng kiến được đưa ra nhằm mục đích kết nối Nga với Nam Bán cầu thông qua việc tiếp cận chung nguyên liệu thô, liên kết tài chính và giao thông, cũng như chính sách kinh tế thống nhất.
Nga được cho là coi sáng kiến này là chiến lược dài hạn và sẽ tiếp tục bất kể kết quả đàm phán về cuộc chiến ở Ukraine diễn ra như thế nào.
Tuy nhiên, sáng kiến cũng thừa nhận những trở ngại đáng kể. Áp lực từ phương Tây đã cản trở nỗ lực của Moscow nhằm hội nhập các quốc gia trong khu vực lân cận. Các nước Trung Á đã tìm cách liên kết với các thị trường toàn cầu bỏ qua Nga trong bối cảnh các chính phủ phương Tây sử dụng kết hợp cả đe dọa và khuyến khích để đảm bảo các đối tác tuân thủ lệnh trừng phạt.
Theo Financial Times, một số đồng minh của Nga đã lợi dụng tình hình này để loại bỏ các doanh nghiệp Nga hoặc yêu cầu thêm hoa hồng để bù đắp rủi ro vi phạm lệnh trừng phạt.
Trong khi Belarus được xem là vẫn thân Nga, thì Kazakhstan đã tự tách mình ra bằng cách từ chối công nhận các yêu sách lãnh thổ của Moscow ở Ukraine và tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự toàn diện ở Ukraine, EU đã áp dụng 15 gói trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga. Mỹ, Anh và Thụy Sĩ cũng áp dụng các biện pháp tương tự để hạn chế khả năng duy trì chiến tranh của Nga.