Nga dự tính ngắt kết nối mạng toàn cầu để thử nghiệm tường lửa chống tấn công mạng.

Chính phủ Nga đang xem xét ngắt kết nối với mạng Internet toàn cầu trong khoảng thời gian ngắn, nhằm thử nghiệm các hệ thống chống tấn công mạng của nước này.

42 1 Nga Ngat Mang Voi Toan Cau Thu Suc Phuong Tay

Nga tham vọng xây dựng một cơ sở hạ tầng Internet độc lập. Ảnh minh họa: Reuters

Cuộc thử nghiệm đặt ra yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng Nga (ISP) phải cài đặt "các biện pháp kĩ thuật" nhằm điều hướng toàn bộ lưu lượng Internet của Nga đến các điểm trung chuyển được phê chuẩn hoặc các điểm được quản lý bởi Roskomnazor - cơ quan giám sát các hoạt động viễn thông của Nga.

Roskomnazor sẽ giám sát lưu lượng mạng Internet để ngăn chặn các nội dung bị cấm và đảm bảo rằng các dữ liệu được truyền tải giữa những người dùng Internet ở Nga sẽ chỉ nằm ở tại nước Nga, chứ không bị điều hướng không cần thiết đến các máy chủ ở nước ngoài, nơi chúng có thể bị can thiệp.

Các biện pháp được nêu trong dự thảo luật trên của Nga bao gồm việc xây dựng phiên bản riêng của hệ thống tên miền (DNS) hay còn gọi là sổ địa chỉ của Internet. Nhờ đó, nó có thể hoạt động nếu liên kết đến các máy chủ có vị trí quốc tế bị cắt.

Nhà chức trách thậm chí còn xây dựng một bản sao lưu dự phòng của Hệ thống Phân giải Tên miền (DNS) lưu ở trong nước và đã thử nghiệm hai lần vào năm 2014 và 2018.

Hiện tại có 12 tổ chức giám sát các server chính cho DNS song không server nào đặt tại Nga.

Song, việc nhiều bản sao sổ địa chỉ Internet đã tồn tại bên trong lãnh thổ Nga cho thấy những hệ thống mạng của họ có thể tiếp tục hoạt động ngay cả khi bị các nước cấm vận Internet.

Mục đích của cuộc thử nghiệm là nhằm thu thập các dữ liệu thống kê để sửa đổi và hoàn thiện một dự thảo luật có tên gọi Chương trình Quốc gia về Kinh tế Số được Quốc hội Nga giới thiệu hồi tháng 12/2018. Song mục tiêu cuối cùng của nhà chức trách Nga là thiết lập một hệ thống lọc lưu lượng web tương tự như Tường lửa Lớn (Great Firewall) của Trung Quốc, đồng thời có một hệ thống mạng nội bộ intranet hoạt động trên quy mô toàn quốc trong trường hợp nước này buộc phải ngắt kết nối với Internet toàn cầu.

Hiện lịch trình cụ thể của cuộc thử nghiệm này chưa được tiết lộ, song được cho là sẽ diễn ra trước ngày 1/4 năm nay - hạn chót để đưa ra các đề xuất, chỉnh sửa đối với luật này.

Bản thảo đầu tiên của dự thảo luật này quy định rằng các nhà cung cấp dịch vụ Internet của Nga phải đảm bảo tính độc lập của không gian mạng Nga (Runet), nhằm đề phòng trường hợp các nước bên ngoài gây áp lực nhằm ngắt kết nối quốc gia này khỏi phần còn lại của mạng Internet.

Bên cạnh đó, chương trình thử nghiệm dự định sẽ liên quan đến khả năng các ISP chứng minh rằng họ có thể chuyển hướng dữ liệu đến các điểm định tuyến do chính phủ kiểm soát.

Chính phủ Nga hiện đang triển khai chương trình rót vốn đầu tư cho các ISP sửa đổi cơ sở hạ tầng của họ để đáp ứng nhu cầu bảo vệ an ninh mạng cấp thiết.

Nga đang tập trung cho lĩnh vực này trong bối cảnh chịu sức ép từ các quốc gia phương Tây cáo buộc Nga tiến hành những vụ tấn công mạng cũng như can thiệp trực tuyến.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Anh công khai cáo buộc Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU) đã thực hiện cuộc tấn công mạng liều lĩnh và gây bất ổn trên toàn thế giới.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt cho rằng Điện Kremlin bí mật đứng sau các cuộc tấn công mạng bất hợp pháp nhằm vào các tổ chức và doanh nghiệp.

Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia Anh (NCSC) "vô cùng tự tin" rằng GRU "gần như chắc chắn" đứng sau các vụ tấn công trong năm 2017, cũng như các vụ khác bao gồm vụ tấn công hệ thống mạng của đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 tại Mỹ.

Thậm chí, Bộ Quốc phòng Anh còn mạnh mẽ tuyên bố, quân đội Anh đã tổ chức các cuộc tập trận, trong đó có một cuộc tấn công mạng để có thể cắt đứt nguồn cung cấp điện ở Điện Kremlin.

Hồi tháng 10/2018, phát biểu với tờ Sunday Times, các nguồn tin an ninh cấp cao trong Chính phủ Anh cho biết nước này luôn lo ngại sẽ không có đủ vũ khí trong trường hợp đối đầu quân sự với Nga, ngoại trừ việc sử dụng tên lửa có đầu đạn hạt nhân.

Theo đó, giới chức nước này cho rằng một cuộc tấn công mạng lớn là lựa chọn duy nhất có thể thay thế vũ khí hạt nhân để đối phó với "sự gây hấn của Nga".

Trong trường hợp các lực lượng Nga bất thường tấn công quân đội Anh hoặc đe dọa các tàu sân bay mới của Anh thì tấn công mạng cũng là một lựa chọn thích hợp.

Quế Chi

 

Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC