Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Canada ngày 15/3 đã đồng loạt công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, liên quan đến việc nước này sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea và Moscow bắt giữ các thủy thủ của Ukraine trên Biển Đen hồi tháng 11/2018.

42 1 Nga Phan Ung The Nao Sau Khi Bi My Eu Canada Danh Hoi Dong

Nga phản ứng thế nào sau khi bị Mỹ, EU, Canada ‘đánh hội đồng’?

Ngày 15/3, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, liên quan đến việc nước này sáp nhập trở lại bán đảo Crimea và Moscow bắt giữ các thủy thủ của Ukraine trên Biển Đen hồi tháng 11/2018.

Mục tiêu của các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào một cựu Phó Thủ tướng Nga, hiện là Chủ tịch Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Nga, một số quan chức tầm trung, các doanh nghiệp hàng không và một công ty đóng tàu.

Từ ngày 15/3, có thêm 129 doanh nghiệp/tổ chức, cá nhân nữa của Nga bị Canada áp dụng các biện pháp hạn chế tài chính. Như vậy, bản danh sách của Bộ Các vấn đề quốc tế (GAC) về các thực thể, cá nhân nằm trong diện bị Ottawa trừng phạt hiện lên tới con số 429.

Cùng ngày, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng mở rộng danh sách trừng phạt, áp đặt nhiều biện pháp hạn chế chống Nga vì tình hình ở Ukraine.

Danh sách trừng phạt bao gồm 6 người, có cả Phó Giám đốc Cơ quan Biên phòng, thuộc biên chế Cơ quan An ninh Liên Bang Nga, Gennady Medvedev, cùng 8 công ty khác. Trong khi đó, Reuters đưa tin, ngày 15/3, Liên minh châu Âu (EU) đã trừng phạt thêm 8 công dân Nga với cáo buộc ngăn các tàu Ukraine cập cảng ở Biển Azov, trong đó có các quan chức cấp cao của cơ quan an ninh và các chỉ huy quân đội. Hội đồng Liên minh châu Âu, cơ quan đại diện cho chính quyền các nước EU, cho rằng Nga "đã sử dụng vũ lực mà không có lý do chính đáng". Theo các biện pháp trừng phạt mới nhất này, các quan chức nằm trong diện trừng phạt sẽ chịu lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản. Quyết định này đã nâng tổng số người bị đưa vào danh sách đen của EU liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine lên 170 người và 44 thực thể. Hồi tháng 11 năm ngoái, hải quân Nga bắt giữ 24 thủy thủ Ukraine cùng các tàu ở Eo biển Kerch, khu vực nối giữa Biển Đen và Biển Azov.

Bất chấp các biện pháp trừng phạt của EU và Mỹ nhằm vào Nga liên quan tới Ukraine, Moscow cam kết không bao giờ trả lại Bán đảo Crimea cho Kiev và hiện vẫn xảy ra giao tranh rải rác ở khu vực miền Đông Ukraine, nơi mà theo số liệu của Liên Hợp Quốc có hơn 10.000 người thiệt mạng kể từ năm 2014.

 42 2 Nga Phan Ung The Nao Sau Khi Bi My Eu Canada Danh Hoi Dong

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Zakhazova.

Sau khi Hoa Kỳ, Canada, EU mở rộng các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia (Hạ viện) ông Leonid Slutsky tuyên bố, việc Mỹ, Canada, EU mở rộng các biện pháp trừng phạt mới qua đó chứng minh cho cả thế giới thấy cách hành xử trái ngược với những quy tắc của luật pháp quốc tế. Phát biểu trước báo giới, ông Leonid Slutsky nói: "Không sao cả, nước Nga sẽ đứng vững. Chúng tôi thấy không có gì phải lo sợ, thậm chí đã trở nên vô cảm với những điều như vậy.

Trong khi đó, Hoa Kỳ đang chứng minh cho thế giới thấy cách hành xử phá vỡ những quy chuẩn, nguyên tắc và truyền thống của luật pháp quốc tế.

Điều này thật sự rất đáng tiếc". Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga "hứa" sẽ đáp trả đối với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, EU và Canada đối với Nga vì tình hình ở Ukraine và sự cố ở eo biển Kerch. Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng không có gì mới hoặc bất ngờ trong hành động của các quốc gia trên. Các nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng mục tiêu chính của các biện pháp trừng phạt là gây áp lực lên Moscow.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, các lệnh trừng phạt của phương Tây không dẫn đến kết quả mong muốn cho Hoa Kỳ và Canada. "Họ đã sai lầm khi tin rằng nếu gây áp lực, Nga sẽ bắt đầu làm theo thái độ của họ. Sẽ không có chuyện đó", Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.

Trí ĐứcNguồn: infonet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC