Triều Tiên vừa tiến hành một vụ thử quan trọng tại một bãi phóng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo là sẽ bị dỡ bỏ từ hồi đầu năm nay. Chưa hết, hai bên tiếp tục leo thang cuộc chiến ngôn từ khi ông Trump gọi ông Kim Jong Un là “người tên lửa”, còn một quan chức Triều Tiên gọi nhà lãnh đạo Mỹ là “ông già lơ đễnh và thất thường”. Tuyên bố của Bình Nhưỡng về việc dành cho Mỹ “món quà Giáng sinh” không mong muốn có thể được thực hiện trong một vài tuần tới và giới phân tích lo ngại rằng đó có thể là một vụ phóng tên lửa liên lục địa hoặc vụ thử hạt nhân. Nếu điều này xảy ra, quan hệ Mỹ-Triều không những trở lại trạng thái xung đột như trước đây mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Bản tin truyền hình về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hòi tháng 10. Ảnh: Reuters.
Nỗ lực đối thoại “đứt gánh giữa đường”
Tổng thống Trump đã nỗ lực rất nhiều để xúc tiến các cuộc đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Nhưng ba cuộc gặp “mặt đối mặt” thời gian qua giữa hai nhà lãnh đạo dường như không mấy hiệu quả trong việc giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài từ thời Chiến tranh Lạnh. Chưa dừng lại ở đó, Triều Tiên cáo buộc ông Trump cố tình “gây dựng quan hệ tốt đẹp” với ông Kim Jong Un để giúp ông thành công trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2020 tới đây mà không phải “trả giá đắt”. Ông Kim Jong Un muốn Mỹ đưa ra nhiều nhượng bộ trước thời điểm cuối năm nay.
Về phía Mỹ, không có dấu hiệu nào cho thấy nước này đang chuẩn bị một kiểu ngoại giao mang tính chất truyền hình để giữ ông Kim Jong Un trong khuôn khổ nhất định. Nếu Triều Tiên sử dụng lại chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” kinh điển, ông Trump có thể khôn ngoan khi không nhượng bộ trước sự lặp lại chu kỳ đe dọa để thu hút sự chú ý của Bình Nhưỡng.
Nhưng làm như vậy cũng có nghĩa là chấp nhận rủi ro lớn. Bất kỳ bước đi nào nhằm tiến gần hơn đến thế đối đầu giữa hai bên của vĩ tuyến 38 cũng đều nguy hiểm. Ông Trump sẽ khó gánh được hậu quả nếu Triều Tiên quay lại với các vụ phóng tên lửa tầm xa và thử hạt nhân mà một số chuyên gia cho rằng đã nằm sẵn trên bệ phóng. Và về mặt chính trị, sự thách đấu mới với một quốc gia còn nhiều bí ẩn sẽ cho thấy cách tiếp cận của ông với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ là chính sách ngoại giao theo kiểu phô trương hình ảnh và không mang tính thực tế.
“Quà Giáng sinh” không mong muốn từ Triều Tiên
Giới chuyên gia cho rằng, xét theo thông lệ của Triều Tiên suốt nhiều thập kỷ qua, món quà không mong muốn có thể là một vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân hay một hành động khiêu khích tại biên giới liên Triều.
Một vụ thử hạt nhân sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, làm chấm dứt ngay lập tức “quan hệ thân thiện” mà hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã cố gắng gây dựng trong thời gian qua, thu hút sự chú ý của giới truyền thông và cộng đồng quốc tế. Trung Quốc buộc phải ra mặt chỉ trích Triều Tiên. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể can thiệp. Tại Quốc hội Mỹ, các nghị sỹ đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ phản ứng gay gắt. Những nghị sỹ có quan điểm cứng rắn với Bình Nhưỡng như Lindsey Graham, Tom Cotton hay Marco Rubio sẽ một lần nữa chọn lựa hành động quân sự . Vụ việc dễ vượt khỏi tầm kiểm soát, đi quá xa so với mục tiêu ban đầu của Triều Tiên là gây sức ép buộc Tổng thống Trump quay trở lại bàn đàm phán. Vì thế khả năng này rất khó xảy ra.
Khả năng thứ hai là hành động khiêu khích tại biên giới liên Triều. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được đánh giá là người muốn áp dụng chính sách “Ánh Dương kiểu mới” đối với Triều Tiên. Thời gian qua, ông đã tích cực thúc đẩy các hoạt động hòa giải, làm cầu nối để hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều ngồi vào bàn đàm phán, xoa dịu sự bất bình của công chúng Hàn Quốc đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Do đó, hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên nếu diễn ra sẽ khiến mọi nỗ lực hàn gắn đổ bể và nếu không có sự phối hợp từ Seoul, Bình Nhưỡng khó có thể tạo ra được bước đột phá trong quan hệ với Washington. Hơn nữa, hiện tại, Triều Tiên dường như không còn để tâm nhiều vào quan hệ với Hàn Quốc, thay vì đó dành hết sự tập trung vào Mỹ. Vì vậy, chiêu bài khiêu khích Seoul sẽ không giúp ích được nhiều cho nước này.
Giới quan sát cho rằng, một vụ thử tên lửa tầm xa chẳng hạn như ICBM sẽ khả thi hơn. Triều Tiên không có thỏa thuận chính thức với Mỹ trong tiến trình hòa bình, vì thế nước này sẽ không vi phạm bất cứ điều khoản gì. Bên cạnh đó, hành động này sẽ được coi là ít rủi ro hơn, không khiến công chúng lo sợ nhiều như một vụ thử hạt nhân và quan trọng hơn, đánh trúng điểm yếu của ông Trump.
“Đòn đau” với ông Trump
Korean Times dẫn nhận định của một số nhà phân tích cho biết, một vụ thử tên lửa CBM mới sẽ là “cú giáng thực sự” vào năng lực ngoại giao và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Tổng thống Trump. Ông chủ Nhà Trắng đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì theo đuổi chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ. Ông cũng phải chịu sự lên án gay găt từ bên trong và ngoài nước Mỹ bởi chính sách gây căng thẳng trong quan hệ với các đồng minh, chẳng hạn như buộc các đồng minh tăng cường đóng góp cho quốc phòng.
“Tổng thống Trump đã làm rạn nứt nhiều tổ chức quốc tế, từ bỏ các đồng minh từ Syria đến Bán đảo Triều Tiên”, Ivan Krastev, Chủ tịch Trung tâm Chiến lược Tự do tại Sofia (Bulgaria) nhận xét trong một bài bình luận. Theo nhà phân tích này, khi ông Trump ngày càng làm mất niềm tin của cộng đồng quốc tế với tư cách là một nhà lãnh đạo toàn cầu, thì ông càng ít có cơ hội đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên. Sự sụp đổ của các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sẽ phá hủy đáng kể di sản ngoại giao của ông trước chiến dịch tranh cử Tổng thống.
Tại thời điểm này, điều mà ông Trump mong muốn là tiếp tục đà đối thoại với ông Kim Jong Un, hoặc ít nhất là duy trì “tình trạng hiện có” với Triều Tiên để tận dụng điểm cộng từ “những thành tựu ngoại giao” trong chiến dịch tranh cử. Giáo sư Kim Dong-yub tại Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc trường Đại học Kyungnam cho biết: “Sau khi Triều Tiên từ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon, Mỹ vẫn không từ bỏ các lệnh trừng phạt. Nếu chính phủ Mỹ nhượng bộ trong bất cứ thỏa thuận tương lai nào, chắc chắn họ sẽ vấp phải sự chỉ trích trong nước. Ông Trump tốt nhất là duy trì tình trạng như hiện nay mà không cần thêm bất cứ một thỏa thuận nào”.
Một số nhà quan sát lại cho rằng ông Kim Jong Un có thể muốn gây sức ép với ông Trump trước cuộc bầu cử Mỹ những vẫn chưa sẵn sàng với một vụ thử tên lửa ICBM trong tương lai gần.
“Triều Tiên có thể thúc đẩy nới lỏng các biện pháp trừng phạt trước cuộc bầu cử Mỹ. Nhưng không có nhiều khả năng nước này sẽ tiến hành một vụ thử ICBM. Nếu điều đó diễn ra không chỉ quan hệ Mỹ-Triều bị ảnh hưởng mà quan hệ giữa Triều Tiên với Trung Quốc cũng bị tổn hại”, Cho Seong-ryoul, cố vấn cấp cao tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc nhận xét./.
Nguồn: VOV.VN