Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho rằng Trung Quốc sẽ là đối thủ cạnh tranh của Mỹ trong suốt thế kỷ 21 và lịch sử thời đại này sẽ xoay quanh mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

1 Ngoai Truong Rubio Khong The De Trung Quoc Manh Hon My

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio - Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio vừa có cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Scott Jennings trên kênh radio SiriusXM vào ngày 10-2.

"Trung Quốc là một quốc gia giàu có, hùng mạnh và họ sẽ trở nên như vậy. Điều này sẽ không thay đổi. Họ có hơn 1 tỉ dân, là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Chúng ta sẽ phải cạnh tranh với họ trong suốt thế kỷ 21 và hơn thế nữa. Tôi nghĩ rằng lịch sử thế kỷ này sẽ xoay quanh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc", Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio trả lời khi được đề nghị nói về việc Mỹ đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực và trên toàn cầu.

Ông Rubio nhấn mạnh không thể để cạnh tranh này gây bất lợi cho Washington, đồng thời Mỹ sẽ không cho phép xuất hiện sự mất cân bằng nguy hiểm, khi mà Trung Quốc trở nên mạnh hơn Mỹ hoặc khi Washington trở nên phụ thuộc vào Bắc Kinh.

"Mối nguy đó hiện đã tồn tại khi chúng ta trở nên phụ thuộc vào họ trong chuỗi cung ứng, sản xuất và kinh tế. Tại khu vực này, Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng", ông nói.

Ông Rubio nhấn mạnh trong vai trò lãnh đạo Bộ Ngoại giao và là một công dân Mỹ, ông có trách nhiệm làm điều có lợi cho nước Mỹ và đó cũng là điều mà Tổng thống Donald Trump hướng tới.

"Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể bị đẩy ra khỏi Tây Bán cầu. Không thể để một ngày nào đó thức dậy và nhận ra Trung Quốc có ảnh hưởng nhiều hơn chúng ta với các nước láng giềng, hay có sự hiện diện lớn hơn ở các nước gần với Mỹ", ông nói.

Trong chuyến công du đến Panama vào đầu tháng này, ông Rubio cảnh báo tổng thống nước này, ông Jose Raul Mulino, rằng Washington sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết nếu Panama không thực hiện các bước để chấm dứt những gì mà ông Trump cho là ảnh hưởng của Trung Quốc với kênh đào Panama.

Trước sức ép từ Mỹ, ngày 6-2, tổng thống Panama thông báo nước này đã chính thức rút khỏi Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc, dù Bắc Kinh trước đó kêu gọi Panama không nên bị khuất phục bởi đe dọa của Mỹ.

Tuần trước thương chiến Mỹ - Trung đã bị thổi bùng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế bổ sung 10% với hàng hóa Trung Quốc, nhằm buộc Bắc Kinh hành động để giải quyết vấn đề liên quan đến xuất khẩu fentanyl sang Mỹ và Mexico.

Bắc Kinh ngay lập tức tung đòn đáp trả, tuyên bố áp thuế từ 10-15% với năng lượng và thiết bị nông nghiệp của Mỹ.

Bình luận với tờ Financial Times hôm 9-2, chuyên gia Zhang Yanshen từ Trung tâm Trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, nhận định "đây có thể chỉ là khởi đầu trong giai đoạn này của cuộc chiến thương mại và tình hình có thể trở nên rất tồi tệ".

Vẫn chưa rõ ý định của ông Trump với Trung Quốc

Một số nhà phân tích kỳ vọng hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ tổ chức đàm phán để ngăn xung đột thương mại lan rộng.

Ông Trump ban đầu cho biết dự kiến sẽ thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng sau khi Trung Quốc trả đũa, tổng thống Mỹ cho biết ông "không vội" và thuế quan là "đòn mở màn" và sẽ có các biện pháp đáng kể trong thời gian tới.

Ông Andy Rothman, giám đốc điều hành của nhóm tư vấn Sinology, nhận định với Đài CNN rằng Bắc Kinh đã phản ứng khá kiềm chế trước các mức thuế của ông Trump, trong khi ông Trump dường như đang sử dụng thuế quan như một công cụ thương lượng. Tuy nhiên, chưa rõ ý định của tổng thống Mỹ.

THANH HIỀN

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC