Ngày càng nhiều người đến cầu khấn ở Chamatkari Hanuman, ngôi đền được mệnh danh là "nơi thần Hanuman cấp visa" nằm tại bang Gujarat, phía tây Ấn Độ. Họ đặt hộ chiếu trước tượng thần Hanuman, một trong những vị thần được thờ cúng nhiều nhất ở Ấn Độ, rồi đọc đoạn kinh bày tỏ lòng tôn kính và cầu mong xin được visa Mỹ.
"Phải có đức tin thì phép màu mới xảy ra. Chỉ cần một chút hoài nghi, các vị sẽ chuốc lấy thất vọng", Vijay Bhatt, tu sĩ tại đền Chamatkari Hanuman, tuyên bố.
Bhatt nói rằng ông từng chứng kiến nhiều trường hợp nhận tin báo được cấp visa "chỉ vài tiếng" sau khi hành lễ, dù họ đã bị từ chối hết lần này đến lần khác trước đó. Nhiều người từ những bang khác cũng lặn lội đến đền Chamatkari Hanuman để cầu khấn thủ tục suôn sẻ.
Tín đồ cầu nguyện ở đền Chilkur Balaji hôm 3/2. Ảnh: AFP
Xuất cảnh sang Mỹ để làm việc rồi định cư được xem là "biểu tượng thành công" với nhiều người dân Ấn Độ. Tuy nhiên, chính sách siết chặt kiểm soát nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến không ít người lo ngại quy trình xét duyệt visa sẽ ngày càng khó hơn.
Không ít người Ấn Độ đã đặt hy vọng vào sức mạnh tâm linh, nhất là khi chính sách nhập cư của chính quyền Trump còn mơ hồ.
"Hàng loạt tín đồ đã nguyện kiêng thịt, rượu bia, hành và tỏi trong 41 ngày để cầu thần linh giúp mình có được visa. Họ tìm đến đây vì tâm trí rối ren. Họ cầu nguyện cũng vì không còn cách nào khác", Narayan Mishra, tu sĩ tại đền Shree Siddhi Peeth Chamatkari Hanuman Mandir ở Dehli, cho biết.
Đền Chilkur Balaji, được mệnh danh là "đền thần visa", nằm tại thành phố Hyderabad, cũng là một trong những điểm cầu nguyện phổ biến của người muốn xin visa sang Mỹ. Địa điểm này ghi nhận khoảng 1.000 người đến cầu khấn mỗi ngày. Tín đồ được yêu cầu thành khẩn đọc kinh, hành lễ và bước đủ 108 bước quanh tượng thần để lời cầu nguyện có linh nghiệm.
"Đợt nộp đơn năm ngoái của tôi có 11 người, nhưng chỉ mình tôi được duyệt", một kỹ sư phần mềm tại Hyderabad kể lại khi đến cúng tạ ơn, thêm rằng anh sẽ đến bang New Jersey của Mỹ làm việc vào tháng 4.
Chandana, 26 tuổi, kỹ sư phần mềm, cho biết cô đến đền hành lễ mỗi tháng trong suốt hai năm qua để cầu mong đơn xin visa được duyệt. Chandana cho rằng cánh cửa xuất ngoại của mình đã hẹp dần kể từ khi ông Trump đắc cử, nhưng vẫn hy vọng "thần linh sẽ đáp lại lời cầu nguyện".
Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar ngày 21/1, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã nêu lo ngại về "tình trạng di cư bất thường" từ Ấn Độ. Tổng thống Donald Trump cũng nhấn mạnh vào chính sách nhập cư khi điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 27/1.
New Delhi tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Washington để xác minh và nhận lại công dân Ấn Độ đang lưu trú bất hợp pháp ở Mỹ, ước tính khoảng 18.000 trường hợp.
Giới chức Ấn Độ cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng dịch chuyển lao động với trình độ chuyên môn cao từ nước này sang Mỹ là yếu tố quan trọng trong quan hệ song phương, kêu gọi Washington duy trì chương trình visa H-1B.
Trong năm 2023, công dân Ấn Độ chiếm khoảng 78% trong tổng số gần 266.000 trường hợp duyệt cấp visa H-1B. Đây là dạng visa không định cư, cho phép các công ty tuyển dụng lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn cao để làm việc tại Mỹ, thường có thời hạn ba năm và người sở hữu có thể xin gia hạn hoặc cấp thẻ xanh.
Thanh Danh (Theo Guardian, Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET