Người Âu lên vũ trụ cũng phải học tiếng Trung
Đó là điều Matthias Maurer không ngờ khi ông đăng ký khóa tập huấn sống sót trên biển với các phi hành gia Trung Quốc.
"Chương trình rất dễ chịu và thư giãn," phi hành gia từ Cơ quan Không gian Đức - Châu Âu (Esa) cho biết. "Tôi trôi dạt trên bè cứu sinh, nhìn ngắm bầu trời - chỉ cần có thêm âm nhạc tôi sẽ có cảm giác thực sự như đang đi nghỉ ở Hawaii."
Bài huấn luyện được thực hiện năm ngoái tại một trung tâm huấn luyện mới xây gần thành phố biển Yên Đài, cách Bắc Kinh khoảng một giờ bay về hướng đông nam.
Trong hai tuần, Maurer và một đồng nghiệp phi hành gia ở Esa tên là Samantha Cristoforetti sống và làm việc bên cạnh những đồng sự người Trung Quốc.
"Chúng tôi tập huấn cùng nhau, sống trong cùng tòa nhà với các phi hành gia Trung Quốc, ăn cùng thức ăn và trải nghiệm đó khá nồng nhiệt," Maurer nói.
"Cảm giác như thể chúng tôi là một thành viên trong gia đình - điều này hoàn toàn khác so với thời ở Houston, nơi tôi thuê một căn hộ và chỉ gặp đồng nghiệp trong khoảng hai hoặc ba giờ huấn luyện cùng nhau."
Trong khi các cơ quan hàng không khác thực hiện các bài tập xây dựng đội ngũ đặc biệt để giúp phi hành gia có thể làm việc cùng nhau, Trung Quốc sử dụng cách tiếp cận căn bản hơn.
"Các phi hành gia Trung Quốc thậm chí còn đi nghỉ cùng nhau, họ biết về nhau rất sâu sắc như thể là anh chị em," Mauer kể lại. "Khi chúng tôi sống ở đó, chúng tôi cảm thấy được chào đón vào gia đình họ thật ấm áp."
Trung Quốc đã công bố kế hoạch thám hiểm không gian đầy tham vọng, bao gồm cả nhiệm vụ đến phần tối của Mặt Trăng - ảnh Getty Images
Tàu vũ trụ Thần Châu của Trung Quốc lần đầu tiên đưa phi hành gia (người Trung Quốc gọi là Taikonaut) vào quỹ đạo năm 2003, là tàu được thiết kế cho phi hành đoàn ba người.
Tàu được thiết kế dựa trên công nghệ tàu không gian Soyuz của Nga và cực kỳ giống trạm này.
Nhưng tàu Soyuz đã chở phi hành gia trong 50 năm và được thiết kế quanh một hỏa tiễn lần đầu tiên được sử dụng vào thời kỳ đầu của ngành công nghiệp không gian. Tàu Thần Châu là sản phẩm của Thế kỷ 21.
"Tôi rất ngạc nhiên với kích cỡ," Maurer kể lại. "Nó có đường kính lớn hơn tàu con thoi Soyuz và cao hơn - họ đã có quan sát rất tốt với kỹ thuật từ Nga, họ học hỏi những phần tốt và xem xét những phần có thể cải tiến."
Ví dụ như nếu tàu vũ trụ đáp trên mặt biển, thiết kế của tàu Thần Châu khiến toàn bộ quá trình thay trang phục phi hành gia thành trang phục cứu hộ trước khi phi hành gia trèo khỏi khoang tàu đang rung lắc dễ dàng hơn nhiều.
"Không gian rất rộng rãi, chúng tôi thậm chí còn có cả xuồng cao su bằng hơi, thứ không có trên tàu Soyuz," ông cho biết. "Trong bài huấn luyện sống sót trên biển của Nga, bạn nhảy xuống nước, không có xuồng gì cả - trời rất lạnh và vất vả, vất vả hơn rất nhiều.
Maura chỉ vừa mới đủ tiêu chuẩn trở thành phi hành gia, nhưng đã từng làm việc tại Trung tâm Phi hành gia Châu Âu ở Cologne, Đức trong vai trò phát triển quan hệ với một chương trình không gian có người lái của Trung Quốc, là chương trình từng là bí mật từ năm 2012. Ông tham quan trung tâm huấn luyện tại Bắc Kinh một năm sau đó để quan sát cơ sở vật chất và các thiết bị mô phỏng. Và, đến năm 2016, một phi hành gia Trung Quốc tham gia vào một trong những đợt thám hiểm hang động thường xuyên của Esa.
Cùng với Cristoforetti và phi hành gia người Pháp Thomas Pesquet, Mauer đã học tiếng Quan Thoại. "Cũng khá tốt rồi nhưng tôi còn cần học thêm," ông thú thật. Ông cho tôi biết tên của ông trong tiếng Trung được phiên dịch thành "Thiên Mã".
Chương trình đã đưa một số phi hành gia của trung tâm Esa tham gia huấn luyện thoát hiểm trên biển với những đồng sự người Trung Quốc - Bản quyền hình ảnh Getty Images
Hoa Kỳ sẽ không ủng hộ hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực không gian - thậm chí cả với Trạm Không gian Quốc tế ISS. Nhưng Eas đã mở ra khả năng này trong vấn đề đưa phi hành gia vào quỹ đạo và đi xa hơn nữa.
Nếu Trung Quốc giữ đúng tiến độ phóng trạm không gian toàn phần đầu tiên của họ vào năm 2023, và với nhiệm vụ phóng tàu robot của quốc gia này vào phần xa của Mặt Trăng cuối năm nay, quyết định của Esa khi vẫn duy trì quan hệ với người Mỹ và người Nga và cùng lúc hợp tác với cường quốc không gian mới nổi sẽ có vẻ là động thái khôn ngoan.
"Esa đã là một cơ quan hợp tác giữa 23 quốc gia thành viên, vì thế chúng tôi hiểu điều gì sẽ đưa các đối tác lại gần nhau hơn," Mauer cho biết. "Chúng tôi nói rất nhiều ngôn ngữ, chúng tôi có sự thấu hiểu liên văn hóa và chúng tôi là chất keo gắn bó chặt chẽ đưa Trung Quốc vào gia đình không gian quốc tế to lớn này."
Trung Quốc vừa ký một thỏa thuận với Văn phòng Liên hiệp quốc về Vấn đề Không gian để mở trạm không gian đầu tiên cho nghiên cứu quốc tế. Điều này có thể mở rộng ra tới mức đưa phi hành gia, theo cách tương tự mà chương trình Intercosmos của Liên bang Xô-viết vào thập niên 1970 và 1980, khi nhiều phi hành gia từ các quốc gia đồng minh như Mông Cổ, Cuba, Afghanistan và Syria bay vào trạm không gian vũ trụ của Nga.
"Ấn tượng của tôi là bất cứ quốc gia nào trên thế giới muốn đưa phi hành gia vào không gian có thể liên hệ với Trung Quốc qua Liên hiệp quốc và có khả năng sẽ bay vào không gian được," Maurer nói. "Không chỉ có người châu Âu, mà cả những quốc gia đang phát triển hiện thời chưa có chương trình cho phi hành gia."
Hoa Kỳ không cho phép phi hành gia người Trung Quốc lên trạm ISS - Ảnh NASA
"Trên tàu Soyuz, ghế lái bên trái là ghế cho phi công phụ, và vì thế chúng tôi đến Trung Quốc và nói chúng tôi sẽ đàm phán mạnh tay để đảm bảo mình có được ghế bên trái," Maurer giải thích. "Và họ nói, 'ồ, okay, không có vấn đề gì'… và chúng tôi nghĩ thế thì quá dễ… cho đến khi chúng tôi nhận ra [trên tàu Thần Châu] ghế bên phải mới là ghế cho phi công phụ lái."
Maurer hi vọng sẽ có chuyến bay vào không gian đầu tiên lên trạm ISS vào năm 2020. Sau đó ông sẽ ở vị trí tốt để trở thành một trong những phi hành gia nước ngoài đầu tiên bay cùng với phi hành gia Trung Quốc lên trạm không gian của Trung Quốc vào khoảng năm 2023.
Một phần vì chính sách ngoại giao của chính phủ Hoa Kỳ đương thời, Nasa không có vẻ như sẽ sớm hợp tác cởi mở với chương trình không gian của Trung Quốc. Tuy nhiên, về lâu dài, khi cả Mỹ và Trung Quốc đều nghĩ đến việc quay lại Mặt Trăng và, trên hết, là nhiệm vụ đưa con người lên thám hiểm Sao Hỏa, câu hỏi là liệu các cường quốc không gian sẽ tiếp tục là địch thủ của nhau hay cuối cùng họ sẽ cần phải hợp tác với nhau.
"Khi ta nhìn xa hơn ngoài quỹ đạo Trái Đất tới Mặt Trăng hay Sao Hỏa, chúng ta cần phải có tất cả đối tác mình có thể tìm được trên hành tinh này vì nhiệm vụ càng lúc càng khó khăn hơn, đắt đỏ hơn và chúng ta cần công nghệ tốt nhất," Maurer nói.
"Chúng tôi định sẽ đưa người Trung Quốc vào gia đình và đến trạm nghiên cứu mặt trăng trong tương lai - chúng ta càng có thêm nhiều thành viên trong gia đình, chúng ta sẽ càng trở nên tốt hơn."
Nguồn: BBC Tiếng Việt