Người tiêu dùng Mỹ đẩy mạnh "mua sắm phòng thủ" trước khi thuế quan mới có hiệu lực - Ảnh: Wall Street Journal
Trang Guancha News ngày 5-4 dẫn nguồn từ tờ Wall Street Journal (WSJ) cho biết người tiêu dùng Mỹ đang gia tăng tích trữ hàng hóa sau khi Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng.
Theo đó, bên cạnh mức thuế cơ bản 10%, chính quyền ông Trump sẽ áp dụng thêm thuế đối ứng đối với một số quốc gia đối tác thương mại.
Dù chính sách thuế mới chưa chính thức có hiệu lực, làn sóng "mua sắm phòng thủ" đã nhanh chóng lan rộng trên toàn nước Mỹ. Khi từ sinh viên, nội trợ đến giới điều hành doanh nghiệp, người tiêu dùng đã đẩy mạnh chi tiêu với tâm lý "mua trước khi quá muộn".
Người tiêu dùng phòng thủ
Theo WSJ, nhiều người lo ngại giá cả hàng hóa sẽ tăng mạnh do tác động từ thuế quan, đặc biệt là với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, quần áo, điện tử và ô tô.
Cedar Roach, sinh viên ngành chính sách công tại Đại học Southern Methodist, đã lập tức mua sắm trang phục từ các thương hiệu nhập khẩu từ Canada và Anh ngay sau khi nghe tin về chính sách mới.
Cô Roach chia sẻ thuế quan hiện là chủ đề bàn luận sôi nổi tại trường, kể cả với những sinh viên vốn không quan tâm đến chính trị hay kinh tế.
Theo WSJ, tâm lý lo ngại này được cho là có liên hệ với kinh nghiệm thời kỳ đại dịch COVID-19, khi giá cả tăng đột biến và hàng hóa thiết yếu khan hiếm.
Một khảo sát do Đại học Michigan công bố vào tháng 3 cho thấy, dù tốc độ tăng giá tháng 2 đã chậm lại, nhưng lo ngại của người dân Mỹ về lạm phát trong tương lai vẫn gia tăng mạnh.
Tỉ phú Mark Cuban kêu gọi người dân bắt đầu tích trữ mọi mặt hàng thiết yếu, từ kem đánh răng đến xà phòng trong một bài đăng trên nền tảng Bluesky ngày 2-4.
Ông Cuban nhấn mạnh ngay cả hàng sản xuất nội địa Mỹ cũng có thể tăng giá khi các doanh nghiệp "đổ lỗi" cho thuế quan. Nhiều người tiêu dùng đã nhanh chóng làm theo, trong khi một số khác vẫn chờ đợi thêm các dấu hiệu rõ ràng hơn từ thị trường.
Tương tự, ông Noel Peguero, sống tại New York, đã chi 3.000 USD trong một ngày mua thiết bị điện tử, phụ tùng ô tô và đồ gia dụng. Ông cho biết hiện tại là thời điểm phải mạnh tay chi tiêu, và phải mất nhiều công sức mới tìm được chiếc TV 40 inch có thương hiệu đến từ Trung Quốc tại một cửa hàng ở Queens.
Doanh nghiệp ứng phó, chuyên gia cảnh báo
Theo WSJ, chuyên gia cố vấn tài chính Kelley Long cho biết gần đây bà đã nhận được lượng lớn các câu hỏi bất thường, bao gồm tích trữ tiền mặt, chuyển tài sản ra nước ngoài hoặc đầu tư vào vàng và tiền mã hóa.
Dù vậy, bà Long cảnh báo người tiêu dùng không nên để tâm lý hoảng loạn chi phối và cần tránh rơi vào tình trạng nợ nần chỉ vì tích trữ quá mức.
Chia sẻ với WSJ, Bà Cúc Giai Minh, giám đốc một công ty dược Trung y ở Los Angeles cho biết chính sách thuế mới làm tăng chi phí cả trong sản xuất lẫn sinh hoạt gia đình.
Ngoài việc tích trữ nguyên liệu để đảm bảo sản xuất, bà Cúc còn mua thêm nhiều loại gia vị và thực phẩm gia dụng để đảm bảo nguồn cung ổn định.
Theo Bloomberg ngày 2-4, chính sách thuế của chính quyền ông Trump đang làm dấy lên quan ngại về tăng trưởng kinh tế không chỉ tại Mỹ mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Ngân hàng Quốc gia Úc cảnh báo tình trạng này có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của Mỹ. Trong khi tập đoàn tài chính Citigroup nhận định thuế quan sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin tiêu dùng và kinh doanh tại Mỹ.
Ngân hàng Goldman Sachs cũng dự báo xác suất suy thoái kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới đã tăng lên 35%, so với mức dự báo 20% trước đó.
Đọc tiếp Về trang Chủ đề Trở lại chủ đề LIÊN AN
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
TIN TỨC: THỜI SỰ THẾ GIỚI
-
Trump và làn sóng "thu hồi quyết định" đầy bẽ bàng: Áp lực từ công chúng buộc phải thay đổi chính sách 21/03/2025
-
Hillary Clinton cảnh báo: "sự ngu ngốc" của Trump sẽ khiến Mỹ trở nên yếu đuối và cô lập 29/03/2025
-
Elon Musk và Tesla lao đao: Áp lực từ thị trường và quyết định cứng rắn của nhà đầu tư 16/03/2025
-
Đàm phán giữa Ukraine và Mỹ tại Ả Rập Xê Út kết thúc: Những kết quả quan trọng đầu tiên 11/03/2025