Ở khu vực Shirokanedai thuộc Tokyo (Nhật Bản) có một nhà hàng Tây cao cấp kinh doanh rất phát đạt, đặt bàn dùng bữa ở đây ít nhất phải đợi nửa năm, bởi vì món thương hiệu của nhà hàng này là “Súp táo của ông Kimura”. Có người miêu tả táo của ông Kimura như sau: Khi cắn một miếng, tế bào toàn thân đều cảm thấy vui vẻ nhờ được ăn một thứ tốt đẹp, có cảm giác như được quay về vòng tay mẹ hiền vậy.
Vào tháng 12/2006, chương trình “Tác phong của chuyên gia” của đài truyền hình NHK đã đưa tin về cách trồng táo đặc biệt của ông Kimura khiến chương trình này tạo được tiếng vang trước nay chưa từng có. Và với sự yêu cầu của khán giả, chương trình này đã được phát sóng hơn 100 lần.
Trong thời gian đó, hàng ngàn lá thư và email của độc giả được gửi đến đài truyền hình hy vọng được chuyển đến cho ông Kimura, ngoài hỏi thăm cách trồng trọt ra thì hầu hết mọi người đều bày tỏ tâm nguyện “mong được ăn táo của ông Kimura, dù chỉ một lần thôi cũng được”.
Ngoài táo, những thanh niên muốn tự sát cũng tìm thấy dũng khí sống tiếp từ ông Kimura, ngay cả đại ca xã hội đen cũng muốn uống rượu riêng với ông. Vậy thì rất cuộc loại táo gì lại khiến mọi người say mê đến vậy?
Vườn táo của ông Kimura
Nông nghiệp hiện đại không thể tách rời khỏi phân bón và thuốc trừ sâu, và táo là loại trái cây cần được chăm sóc chu đáo, từ khi nở hoa cho đến khi thu hoạch phải trải qua mấy chục lần thuốc trừ sâu, việc không tưới thuốc thì không ra quả đã là chuyện bình thường ngày nay.
Tuy nhiên với người nông dân Kimura thì khác, ông đã kiên trì trồng táo bằng phương pháp ‘quay trở về với thiên nhiên’, không dùng thuốc trừ sâu, và đạt được thành tựu to lớn.
Vượt qua chân núi Iwaki hoang dã ở phía Bắc Nhật Bản, từng vườn táo san sát nhau, cỏ dại bên dưới gốc cây đều được cắt tỉa thành thảm cỏ. Nhưng khi người ta đến với khu vườn của ông Kimura, trước mắt sẽ xuất hiện một rừng cỏ dại, rất nhiều cào cào nhảy xung quanh, những con ong bay lượn, ếch thì cất cao giọng và cả chuột đồng, thỏ nhảy nhót, mọi người phải dùng hai tay rẽ cỏ thì mới có thể đến bên những cây táo.
Vì sao vườn táo của ông Kimura lại hoang vu như vậy? Bởi vì nơi đây không phun thuốc trừ sâu nên vẫn còn hệ sinh thái nguyên trạng ban đầu, quay về với thiên nhiên thật sự. Bắt đầu từ năm 1978, ông Kimura không còn sử dụng một giọt thuốc trừ sâu và phân bón hóa học nào trong khu vườn rộng 8.800 m2 của mình.
Akira Kimura có họ gốc là Mikami, ông sinh ra ở Aomori (Nhật Bản) vào năm 1949, sau khi tốt nghiệp trường dạy nghề, ông từng làm việc tại một công ty nhà nước, không lâu sau đó ông về quê ở rể cho gia đình Kimura chuyên trồng táo, từ đó ông đổi tên thành Akira Kimura và theo nghề trồng táo.
Do ông và vợ đều bị dị ứng với thuốc trừ sâu nên ông Kimura hy vọng có thể trồng táo thiên nhiên mà không dùng thuốc. Vào một ngày nọ, ông đọc được quyển sách “Phương pháp trồng trọt tự nhiên” của chuyên gia nông nghiệp Masanobu Fukuoka, phần đầu tiên của quyển sách có viết về “cuộc sống nông nghiệp không làm gì cả và cũng không sử dụng thuốc trừ sâu cũng như phân bón hóa học”. Thế là nhờ sự ủng hộ của gia đình, bắt đầu từ năm 1978, ông Kimura bèn thử cách trồng táo mới – “Không dùng thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học”.
Xin côn trùng đừng ăn quả
Kết quả là vào năm đầu tiên ngưng dùng thuốc trừ sâu, lá cây táo vàng từng mảng và rụng, vườn táo trở thành một khu vườn trơ trụi. Năm thứ hai, trên cây táo có đầy côn trùng, thế là ông Kimura bắt đầu thử ngăn ngừa bằng cách không dùng thuốc trừ sâu, kết quả là dù tưới giấm, rượu hay nước tỏi đều không có tác dụng.
Đến năm thứ ba, cây táo hoàn toàn không ra hoa nữa, ông Kimura lại nghe nói sữa và nước bùn có tác dụng, thế nên ông bắt đầu tưới sữa và bùn cho cây, nhưng trên cây vẫn đầy côn trùng. Đến năm thứ tư và thứ năm, vườn táo ngoài bị tàn phá bởi bệnh rụng lá thì còn xuất hiện vô vàn sâu hại, nhiều đến mức kinh người, quả thật đã trở thành thiên đường của côn trùng, điều này khiến mọi người cực kỳ “khổ sở”.
Để tiêu diệt 10 loại sâu hại như sâu bướm lá, sâu đo, nha trùng và sâu vỏ cứng v.v…, ông Kimura đưa cả nhà đến vườn táo không ra hoa, không kết trái để dùng hai tay và túi nhựa để bắt côn trùng.
Ông Kimura còn mở to mắt quan sát từng hành động của sâu đo trong vườn táo ngay từ lúc sáng sớm. Đây là kẻ thù đáng ghét tấn công gây hại cho cây táo, ông nghĩ rằng sau khi hiểu được tập tính của sâu đo, có lẽ sẽ có thể biết được cách tiêu diệt chúng.
Khi một con sâu đo vô tình rơi xuống trước ngực ông Kimura, ông bắt lấy nó và dùng kính lúp quan sát kỹ mặt của nó, sau đó ông lại thả nó lên lá cây táo. Ông nói với con sâu rằng “Đừng ăn nhiều lá quá nhé!”
Ở góc vườn có dựng một tấm bảng có ghi rằng: “Cảnh cáo côn trùng! Nếu tiếp tục phá hoại ở đây thì ta sẽ sử dụng thuốc trừ sâu mạnh!”
Vì một lòng tin đơn giản mà vườn táo của ông Kimura liên tục 11 năm không có thu hoạch và thu nhập, 7 người trong gia đình phải sống nghèo khó, gần như sắp đến đường cùng rồi.
Để nuôi sống gia đình, khi không có gạo để ăn, ông Kimura mang đồ đi cầm cố. Khi không có tiền, ông Kimura làm những công việc mà người khác cho là ‘thấp kém’ ở công trường, khách sạn.
Trò chuyện với cây táo
Đối với sâu hại và cây bị bệnh, ngoài viết bảng “đe dọa”, khuyên giải nhẹ nhàng để côn trùng đừng ăn lá cây, ông Kimura còn cầu xin cây táo sắp khô héo rằng “Xin các ngươi đừng héo mà!”.
Vợ của ông Kimura có lần vô tình quên đồ, bà quay lại vườn táo thì từ xa nghe thấy tiếng ông đang nói chuyện một mình, sau này ông nói rằng mình đang xin lỗi và cầu xin từng cây táo, xin lỗi vì mình đã quyết định không dùng thuốc khiến chúng sắp chết và cầu xin những cái cây rằng không kết trái cũng không sao nhưng tuyệt đối đừng chết.
Thật ra, ông Kimura không cầu xin tất cả số cây táo, nhất là vườn táo bên cạnh hoặc những cây táo ven đường, bởi vì ông Kimura không mong những người trồng táo khác nhìn thấy ông đang nói chuyện với cây táo.
Dù ông Kimura cầu xin nhưng cũng có không ít cây táo khô héo, khắp nơi trong vườn đều thấy những cây táo bị tàn rụi.
Sau khi xem xét những cây táo bị khô héo, ông phát hiện một điều đó là những cây táo bị khô héo này rất ngẫu nhiên, hoàn toàn không có quy luật do ảnh hưởng bởi vị trí. Những cây táo khỏe mạnh thì còn sống còn những cây yếu dần dần khô héo đi.
Chỉ có một ngoại lệ đó là một dãy cây táo ngả rạp như quân cờ. Đến nay ông Kimura vẫn cảm thấy hối hận vì điều này, bởi vì dãy táo mà ông không cầu xin đều khô héo hết cả.
Đất trở lại trạng thái tự nhiên
Ông Kimura cứ tiếp tục như vậy 5 năm rồi 6 năm, vào một ngày mà các nông dân khác thu hoạch táo, ông Kimura ngồi một mình trong vườn táo trống không, ông vô tình nhìn thấy sợi dây thừng dùng để thu hoạch táo đã nhiều năm không dùng đến. Trong lúc suy sụp, ông nghĩ đến cái chết.
Ông nhặt sợi dây thừng lên và một mình đi lên núi. Bỗng nhiên ông nhìn thấy trong núi lại có một cây táo xanh um tươi tốt. Bước lại gần mới biết không phải là cây táo mà là cây quả đấu.
Trong tình trạng cỏ rậm rạp, côn trùng vây kín, hoàn toàn không hề có thuốc trừ sâu, không được bón phân, cây quả đấu vẫn có thể phát triển như vậy sao? Ông bắt đầu lấy đất bên dưới cây cho vào miệng nếm thử vị và ông hiểu ra nguyên nhân là do đất.
Từ sau đó, ông Kimura bắt đầu trồng một số lượng lớn đậu nành trong vườn táo, khuẩn Rhizobium có trong rễ chằng chịt của đậu nành cải thiện hàm lượng nitơ trong đất. Ông muốn làm cho đất trong vườn táo của mình quay về trạng thái tự nhiên – nhiều vi khuẩn, giàu dinh dưỡng, độ ẩm cao, chỉ có loại đất như vậy mới có thể giúp cây táo tràn trề sức sống như cây quả đấu được.
Vào năm sau đó, vườn táo dường như đã trở thành rừng nguyên sinh, bên dưới đậu nành mọc đầy các loại cỏ dại, côn trùng trong cỏ cất tiếng kêu, ếch bắt côn trùng, rắn thì rình phía sau những con ếch, thậm chí còn có chuột đồng, thỏ hoang, tuy vẫn bị phá hoại bởi bệnh đốm lá và xoắn lá, nhưng ông Kimura cảm thấy cây táo đã kết thúc khoảng thời gian dài chiến đấu với bệnh tật, dần dần khỏe mạnh trở lại.
Trong 8 năm thực hiện việc không dùng thuốc trừ sâu, cuối cùng ở cổng vào vườn táo đã có cây táo ra 7 đóa hoa và kết 2 quả táo. Cả nhà hái 2 quả táo này rồi chia đều ra ăn.
Vào một ngày nọ của năm thứ 9, các nông dân từ vườn táo lân cận đến báo tin mừng rằng vườn táo nhà ông Kimura đã nở hoa rồi. Ông đưa vợ đến vườn táo, ông bà xúc động không nói nên lời khi thấy hoa nở đầy vườn.
Táo không bị hỏng
Thông thường thì sau khi cắt ra để một lúc thì táo sẽ nhanh chóng trở thành màu cà phê, sau đó bắt đầu hỏng. Thế nhưng táo của ông Kimura sau khi cắt làm đôi, để cả 2 năm cũng sẽ không bị hỏng mà chỉ ngày càng teo đi giống như “bị héo”, cuối cùng sẽ trở thành quả khô có màu hồng nhạt và tỏa mùi hương giống như trái cây khô.
Đầu bếp Hisakazu Iguchi cho biết: “Loại táo này không hề bị hỏng, có thể là do hội tụ linh hồn của người sản xuất…”
Đầu bếp Hisakazu Iguchi.
Ông Kimura chia sẻ rằng: “Nhật Bản đã có hơn 120 năm lịch sử trồng táo, trước đây cũng từng có rất nhiều người thử không dùng thuốc trừ sâu và phân hóa học, thế nhưng đều thất bại. Mọi người đều cho rằng không thể và từ bỏ sau 4 hoặc 5 năm thử. Tôi giống như một kẻ ngốc vậy, cố chấp 11 năm mới bắt đầu có thu nhập, có thể là bởi vì tôi quá ngốc, cây táo cũng không chịu nổi tôi nên đành phải ra quả. Haha!”
Mọi người đều ca ngợi sự nỗ lực và kiên trì của ông Kimura, còn ông thì cho rằng: “Thật ra thì không phải là tôi, mà chính là những cây táo đã rất nỗ lực. Đây không phải là tôi khiêm tốn, mà tôi thật lòng nghĩ vậy. Bởi vì dù con người có cố gắng đến đâu cũng đều không thể tự mình nở hoa được, dù tay hay chân cũng đâu thể nở hoa táo.”
Vào năm 2011, Tổ chức nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc đã đưa cách trồng trọt thiên nhiên của ông Kimura vào danh sách những phương pháp nông nghiệp quan trọng và có tên viết tắt là Phương pháp A.K.
Khi bão ập đến, những cây táo của các nông dân địa phương bị tổn thương nghiêm trọng thì chỉ có táo của ông Kimura vì có rễ bám dưới đất mấy chục mét nên không bị tổn hại, chỉ bị gãy cành mà thôi.
Một cư dân mạng chia sẻ rằng táo của ông Kimura không bị hỏng là bởi vì cách trồng quay về tự nhiên của ông, người này cho rằng những thứ càng rời xa tự nhiên thì sẽ càng nhanh bị hư hỏng, sau đó bị loại bỏ khỏi tự nhiên.
Cây táo tự kiểm soát sâu bệnh
Khi cây táo khỏe mạnh trở lại và liên kết với thiên nhiên, dù không có thuốc trừ sâu nhưng chúng cũng sẽ tự giải quyết vấn đề bệnh tật. Kết quả nghiên cứu của giáo sư đại học nông nghiệp địa phương là trên lá cây táo của ông Kimura có số lượng vi khuẩn nhiều hơn các vườn khác. Khi bị bệnh, cây táo sẽ cắt dinh dưỡng cung cấp cho lá cây bị bệnh và làm rụng những chiếc lá đó.
Ngoài ra, khi bị sâu bệnh nghiêm trọng, ông Kimura phát hiện ra rằng có rất nhiều loại côn trùng giống như ong làm tổ trên cây, ăn những con sâu đó. Sau đó khi sâu đã giảm đi, những con côn trùng cũng tự nhiên giảm đi. Nói tóm lại, chỉ cần giao cho thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ dùng mọi cách để giữ sự cân bằng.
Nguồn: Ngọc Trúc
Tri thức Việt Nam