Một số xe buýt ở Thượng Hải đã được trang bị hệ thống nhận dạng khuôn mặt
74% người được hỏi cho biết họ muốn chọn sử dụng các phương thức nhận diện truyền thống thay vì công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác minh danh tính của họ.
Lo lắng về dữ liệu sinh trắc học bị tấn công, rò rỉ là mối quan tâm hàng đầu của 6.152 người được hỏi.
Hệ thống nhận diện khuôn mặt đang được triển khai tại các nhà ga, trường học và trung tâm mua sắm khắp Trung Quốc.
Cuộc khảo sát được Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ Thông tin cá nhân Nandu công bố vào thứ Năm.
Đây được coi là một trong những nghiên cứu lớn đầu tiên lấy ý kiến dư luận về vấn đề nhận diện khuôn mặt ở Trung Quốc đại lục.
Khoảng 80% số người được hỏi cho biết họ lo ngại các nhà khai thác hệ thống nhận diện khuôn mặt chỉ có các biện pháp bảo mật lỏng lẻo.
Nghiên cứu riêng biệt cho thấy rằng họ có lý do chính đáng để lo ngại.
Trung Quốc bị xếp hạng tồi tệ nhất trong số 50 quốc gia trong một cuộc khảo sát để tìm hiểu xem hệ thống giám sát và sinh trắc học được triển khai rộng rãi và lấn lướt tới mức nào. Cuộc khảo sát này do công ty an ninh mạng Comparitech thực hiện.
Nghiên cứu trên cho thấy Trung Quốc không có "luật cụ thể để bảo vệ sinh trắc học của công dân" và nhấn mạnh quốc gia này "thiếu biện pháp bảo vệ an toàn cho nhân viên tại nơi làm việc".
Một số thành phố đang triển khai các hệ thống nhận dạng khuôn mặt tại các nút giao thông để xác định và ngăn chặn người đi bộ sang đường sai luật.
Lo ngại về giám sát
Khảo sát của Nandu được thực hiện qua internet từ tháng 10 đến tháng 11.
Trong đó, 57% số người được hỏi bày tỏ quan ngại về việc mọi bước đi của họ đều bị theo dõi.
Ngoài ra, 84% người được hỏi nói rằng họ muốn được xem lại dữ liệu mà các hệ thống nhận dạng khuôn mặt đã thu thập và có thể yêu cầu xóa dữ liệu.
Đa số cho biết họ muốn được lựa chọn sử dụng thẻ căn cước, giấy phép lái xe hoặc hộ chiếu. Nhưng cuộc khảo sát cũng cho thấy khoảng 60 đến 70% người Trung Quốc tin rằng nhận dạng khuôn mặt giúp nơi công cộng an toàn hơn.
Khó tránh
Trung Quốc có nhiều camera nhận dạng khuôn mặt hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới và rất khó để tránh chúng.
Đầu tuần này, tin địa phương cho biết Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, đã trở thành thành phố đầu tiên của Trung Quốc phổ biến nhận diện mặt ở các ga tàu điện ngầm.
Người đi tàu có thể sử dụng công nghệ này để thanh toán tự động thay vì quét mã QR trên điện thoại. Hiện tại, đây là một lựa chọn không bắt buộc, theo China Daily.
Đầu tháng này, giáo sư đại học Guo Bing tuyên bố ông đang kiện Công viên Safari Hàng Châu vì đã bắt buộc khách phải qua nhận dạng khuôn mặt.
Giáo sư Guo, có vé năm của công viên, đã sử dụng dấu vân tay để vào cửa nhiều năm qua, nhưng giờ không thể dùng vân tay nữa.
Vụ việc được đưa tin trên truyền thông nhà nước, cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng cho dư luận tranh cãi về việc tư nhân sử dụng công nghệ này.
Nhưng nhà nước tiếp tục bắt buộc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong một số trường hợp nhất định.
Đầu tháng 11, một quy định mới có hiệu lực yêu cầu các thuê bao điện thoại di động phải quét khuôn mặt khi ký hợp đồng mới với nhà cung cấp.
Chính quyền cho biết động thái này là để ngăn chặn việc bán lại thẻ sim, chống gian lận.
Nhưng những người quan sát cũng lên tiếng rằng công nghệ này cũng có thể được sử dụng để cảnh sát và các quan chức theo dõi dân.
Nguồn: BBC