Theo chuyên gia Pháp, Anne Laure Delatte thuộc trung tâm nghiên cứu CEPII kịch bản khủng hoảng 2008 đang tái diễn.
Lời cảnh cáo này càng khiến giới đầu tư lo lắng khi Ngân Hàng Trung Ương Mỹ và Trung Quốc cùng hạ lãi suất. Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE) thông báo tiếp tục mua vào công trái phiếu của các thành viên trong khối châu Âu. Hiện tượng dư thừa tiền mặt đang thổi lên những bong bóng đầu cơ.
Trong thông báo ngày 19/09/2019, OCDE một lần nữa đã hạ dự báo tăng trưởng của thế giới trong năm 2019, xuống còn 2,9 % thay vì 3,2 % như đã loan báo cách nay bốn tháng. Kinh tế trưởng của OCDE, bà Laurence Boone, kêu gọi các nước thành viên "can thiệp", "tận dụng thời điểm mà lãi suất ngân hàng đang rất thấp để đầu tư ngay từ bây giờ", đồng thời "chấm dứt các biện pháp tăng thuế nhập khẩu, ngừng áp dụng các biện pháp trợ giá gây cạnh tranh bất bình đẳng" làm phương hại đến thương mại của thế giới. Cảnh báo của OCDE tránh nêu đích danh Mỹ hay Trung Quốc nhưng đây là thông điệp gửi đến cả Washington lẫn Bắc Kinh.
OCDE bi quan nhận thấy rằng, 36 nước thành viên không thể tiếp tục trông cậy vào tăng trưởng "thần kỳ" của Trung Quốc. Tại Nhật Bản, chính sách mang tên thủ tướng Shinzo Abe để thúc đẩy kinh tế được khởi động từ đầu năm 2013 tới nay vẫn chưa đem lại những kết quả như Tokyo mong muốn. Thêm vào đó, Nhật Bản cũng đang phải trả giá đắt vì các biện pháp bảo hộ của đồng minh Hoa Kỳ.
Nhìn đến đầu tầu kinh tế của châu Âu là Đức, Berlin bị đe dọa suy thoái, tức là GDP giảm trong hai quý liên tiếp. OCDE dự phóng GDP của Đức trong năm 2019 chỉ tăng 0,5% tức chỉ bằng phân nửa so với dự báo cơ quan này đã công bố hồi tháng 5/2019. Một cột trụ của châu Âu khác là Anh thì đang bị sa lầy vì Brexit. Còn lại có Pháp với 1,2% dự báo tăng trưởng cho năm nay. Về phần nước Ý, OCDE không dám đánh cuộc vào độ bền của liên minh chính phủ cầm quyền tại Roma.
Nhìn sang Hoa Kỳ, đành rằng từ tỷ lệ tăng trưởng đến chỉ số chứng khoán hay tỷ lệ thất nghiệp đều vẫn được các nhà đầu tư tin tưởng nhưng nếu như toàn cảnh kinh tế Mỹ tươi sáng như vậy thì tại sao Cục Dự Trữ Liên Bang đã phải hạ lãi suất trong hai tháng liên tiếp và thống đốc Jerome Powell liên tục bị Nhà Trắng thúc ép để tiếp tục giảm lãi suất chỉ đạo thêm nữa ?
Nợ của tư nhân quả bom sắp nổ
Trả lời hãng tin Reuters, Eric Bourguignon, thuộc quỹ đầu tư châu Âu Swiss Life Asset Managers nói đến hiện tượng các nhà đầu cơ, giới đầu tư và tư nhân "nghiện tiền mặt" và số này biết rằng, từ sau khủng hoảng tài chính thế giới 2008, mỗi lần tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu hụt hơi, đương nhiên các ngân hàng trung ương can thiệp, bơm thêm tiền cho các khu vực sản xuất, cho tư nhân.
Hình ảnh đồng euro được phóng to trên tường trụ sở cũ của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, Frankfurt, Đức, ngày 09/04/2019.REUTE
Về phần chuyên gia Pháp Anne Laure Delatte, Trung Tâm Nghiên Cứu Về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế -CEPII trả lời đài RFI tiếng Việt bà Delatte nhấn mạnh đến điểm tương đồng với giai đoạn trước khi nổ ra khủng hoảng 2008 đồng thời cảnh báo về nguy cơ tư nhân và các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Anne Laure Delatte, CEPII : Có nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình hiện nay rất giống với giai đoạn trước khủng hoảng 2008 hay trước khủng hoảng Á châu năm 1997. Đặc biệt là nợ của tư nhân đã tăng rất nhanh trong thời gian gần đây. Có nghĩa là các hộ gia đình, các doanh nghiệp đã đi vay rất nhiều. Cần giải thích là sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đều nới lỏng chính sách tiền tệ, có nghĩa là vừa hạ lãi suất chỉ đạo xuống thấp tới mức tối đa để khuyến khích tư nhân đi vay nhằm kích thích tiêu thụ và đầu tư, vừa mua vào công trái phiếu của nhà nước. Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu đã liên tục mua vào công trái phiếu của các thành viên khối euro. Trong 10 năm qua, biện pháp này đã cho phép hỗ trợ cho tăng trưởng. Nhưng kèm theo đó, đã nảy sinh nhiều quả bóng đầu cơ, từ đầu cơ địa ốc đến tài chính ... Nguy hiểm ở đây là trong trường hợp các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, toàn bộ các hoạt động kinh tế sẽ bị tê liệt. Tất cả mọi khủng hoảng đều bắt nguồn từ hiện tượng nợ quá tải.
Về mức nợ của tư nhân tại Pháp, theo thống kê của bộ Kinh Tế hồi tháng 3/2019, mức nợ của các hộ gia đình và doanh nghiệp Pháp tương đương với 133,3 % GDP cao hơn mức trung bình trong khối đồng tiền chung euro. Để so sánh, tỷ lệ này là 159 % tại Anh Quốc, và 149 % tại Hoa Kỳ.
Nhìn chung nợ công và nợ tư trên toàn thế giới cuối 2018 đạt ngưỡng 250.000 tỷ đô la, tức là lớn gấp hơn ba lần so với của cải cả nhân loại làm ra.
Hỏng đầu máy xuất khẩu
Trong khi đó các viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế đều bi quan về viễn cảnh kinh tế của toàn cầu. Tăng trưởng về thương mại của toàn cầu trong 2 năm do tác động của các biện pháp bảo hộ đang từ 4,6 % rơi xuống còn 1,2 % trong năm nay. Cùng lúc, các chỉ số về sản xuất công nghiệp từ của Hoa Kỳ đến Nhật Bản, từ của Đức đến Hàn Quốc đều chựng lại, riêng với Bắc Kinh, bài toán còn nan giải hơn gấp bội khi biết rằng, đây là một trong bốn cột trụ của phép lạ kinh tế Trung Quốc. Chuyên gia Anne Laure Delatte giải thích thêm về mối đe dọa thứ nhì đối với kinh tế thế giới hiện tại.
Anne Laure Delatte,CEPII : Điểm thứ nhì gây lo ngại là yếu tố chính trị, đặc biệt là chính sách kinh tế và thương mại của Mỹ, vì chúng ta biết rằng Hoa Kỳ một trong những động cơ chính của tăng trưởng toàn cầu. Có điều chính sách kinh tế của tổng thống Trump cứ thay đổi liên tục, chính quyền nước này thiếu tầm nhìn xa, thành thử các nhà đầu tư nản lòng. Trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hay với châu Âu, Trump không đi theo logic hợp tác. Bởi vì theo ông thương mại thế giới có nghĩa là trong cuộc chơi này, có bên được, bên thua.
Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng từ một chục năm qua được giữ ở mức sàn - tức rất thấp - các ngân hàng trung ương lại dễ dàng mua vào công trái phiếu để đài thọ các chương trình chi tiêu công cộng và khuyến khích các ngân hàng thương mại cho tư nhân vay mượn, ở đầu đầu bên kia, nhu cầu đầu tư vào sản xuất lại không nhiều. Những hứa hẹn về một cuộc cách mạng kỹ thuật số sau một giai đoạn bùng phát, hàng loạt các dự án đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở Âu Mỹ, nay có dấu hiệu bão hòa.
Dư thưa tiền mặt, thiếu chỗ đầu tư
Hiện tượng dư thừa tư bản bắt buộc các cơ quan tài chính phải mạo hiểm trên những thị trường có mức độ rủi ro cao. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng khuyến khích thân chủ đi vay với những điều khoản ngày càng ít điều kiện ràng buộc. Đây là kịch bản từng xảy ra hồi 2006-2007 trước khi dẫn đến khủng hoảng tín dụng địa ốc subprime ... Bà Anne Laure Delatte, trung tâm CEPII, cho rằng, giới tài chính trong thế "đâm lao thì phải theo lao" :
Anne Laure Delatte, CEPII : Theo tôi các ngân hàng trung ương không có sự lựa chọn nào khác. Vào lúc các hoạt động kinh tế bị chựng lại, các ngân hàng trung ương có khuynh hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, có nghĩa là bơm thêm tiền vào cỗ máy kinh tế, nhằm khuyến khích tiêu thụ và đầu tư. Khi mà kinh tế gặp khó khăn, mục tiêu duy trì ổn định về tài chính bị đẩy xuống hàng thứ yếu so với các chỉ số về tăng trưởng của GDP hay về thất nghiệp .... Đúng là tại châu Âu, đã có những tranh luận sôi nổi giữa một bên là Đức cùng các nước Bắc Âu, còn bên kia là những thành viên chủ trương can thiệp để tiếp sức cho tăng trưởng. Sau cùng Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu BCE chọn giải pháp hạ lãi suất chỉ đạo và mua vào công trái phiếu.
Nói cách khác theo kinh tế gia Pháp này, một cuộc khủng hoảng tài chính theo kiểu 2008 sẽ tái diễn. Ẩn số còn lại là về thời điểm mà thôi.
Anne Laure Delatte, CEPII : Cuối mùa hè vừa qua, lãnh đạo các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tập hợp về Jackson Hole, một thành phố ở bang Wisconsin. Đây là một cuộc họp đã có từ 20 năm nay, nhưng rất ít được báo chí nhắc tới vì thông thường, các bên tham gia rất kín tiếng. Nhưng lần này khác với thông lệ, kết thúc cuộc họp năm nay, lãnh đạo các ngân hàng trung ương quốc tế gióng tiếng chuông báo động trước tình huống "bất bình thường" là họ đã phải liên tục bơm tiền để hỗ trợ kinh tế trong một chục năm vừa qua. Nhẽ ra đây là nhiệm vụ của các chính phủ, thế nhưng các nước châu Âu vẫn bị trói tay vì ngân sách, thành thử BCE vừa phải mua vào công trái phiếu của các nước thành viên trong khối euro, vừa phải giữ lãi suất chỉ đạo ở mức rất thấp. Trong lúc mà các ngân hàng trung ương phải can thiệp để bảo đảm tăng trưởng, thì chiến tranh thương mại do Hoa Kỳ tiến hành đang làm hủy hoại một phần tăng trưởng của thế giới. Tất cả vấn đề đặt ra là thế giới hiện nay đang dư thừa tiền mặt, vì đều đặn từ một thập niên qua các ngân hàng trung ương bơm tiền vào cho cỗ may kinh tế. Thế nhưng số tiền dư thừa đó lại không được mang ra đầu tư và tạo ra của cải hay tạo ra việc làm mà lại được phục vụ cho các mục đích đầu cơ. Chúng ta không biết đến khi nào lại nổ ra hiện tượng "vỡ bong bóng đầu cơ". Tất cả các dự báo về tăng trưởng đều bi quan vì đây là một yếu tố gây bất ổn.
Tái diễn kịch bản khủng hoảng 2008 ?
Achentina đang đứng trước nguy cơ lại bị vỡ nợ, cho dù Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế vừa bơm thêm 57 tỷ đô la vào cho quốc gia châu Mỹ Latinh này hồi năm 2018. Hai nền kinh tế trong khối G20 khác là Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi bị các cơ quan thẩm định tài chính liệt vào danh sách những con bệnh đang "lâm nguy". Một loạt các công ty tên tuổi, như hãng du lịch lâu đời nhất trên thế giới Thomas Cook vừa tuyên bố phá sản, nhiều hãng hàng không của Pháp và châu Âu gặp khó khăn... Các nhà quan sát nói đến hồi kết của một chu kỳ tăng trưởng khá bền bỉ từ 2009 nhờ chính sách tiền rẻ được toàn thế giới áp dụng.
Về cơ bản kinh tế toàn cầu đang bước vào một giai đoạn mới mà ở đó công nghệ số làm đảo lộn không ít cách sinh hoạt của mỗi con người, qua đó một số ngành nghề mới sẽ được nảy sinh, nhưng kèm theo đó thì cũng có không ít những lĩnh vực bị đóng cửa. Sau cùng phải kể đến yếu tố địa chính trị từ cuộc đọ sức Mỹ -Trung đến căng thẳng trong vùng Vịnh hay chuyện dài nhiều tập về Brexit khiến giới tư bản nản lòng, một số dự án đầu tư bị đóng băng.
Nguồn: Thanh Hà/ RFI