Các nhà lập pháp Nhật Bản đang tranh luận liệu các công ty tại nước này nên tạo điều kiện để nhân viên lựa chọn làm việc 4 ngày/tuần hay không. Điều này bắt nguồn từ tình trạng tử vong vì làm việc quá tải có tên "karoshi".

Tờ DW (Đức) cho biết người lao động tại Nhật Bản thường làm việc liên tục nhiều giờ và thậm chí từ chối nghỉ lễ vì lo ngại gây bất tiện cho đồng nghiệp. Nhưng thay đổi đang diễn ra tại Nhật Bản bởi tác động của dịch COVID-19.

Các thành viên Quốc hội Nhật Bản vào ngày 27/1 đã thảo luận về đề xuất của ông Kuniko Inoguchi thuộc đảng Dân chủ Tự do rằng nên cho phép người lao động được lựa chọn chỉ làm việc 4 ngày/tuần thay vì truyền thống lao động từ thứ hai đến thứ sáu hiện nay.

Ông Kuniko Inoguchi đánh giá dịch COVID-19 cho thấy Nhật Bản “có khả năng tiềm ẩn tạo môi trường và phong cách làm việc linh hoạt”. Các nhà lập pháp cũng chỉ ra rằng việc để người lao động chọn phương án có 3 ngày cuối tuần sẽ tạo cho họ thêm điều kiện để dành thời gian với con nhỏ, người thân, học hỏi thêm và đóng góp cho nền kinh tế bằng việc tiêu dùng.

Tuy vậy, điểm trừ của phương án này là mức lương thấp hơn do giảm 1 ngày làm việc mỗi tuần. Do vậy, ông Inoguchi đề xuất rằng trong giai đoạn đầu chính phủ nên hỗ trợ tài chính cho các công ty áp dụng việc giảm giờ làm mỗi tuần.

Giáo sư Teruo Sakurada tại Đại học Hannan (Nhật Bản) chia sẻ với DW: “Tôi muốn nói rằng thay vì là một khả năng, điều này nên được coi là cần thiết. Nền kinh tế Nhật Bản đang chịu nhiều áp lực, và càng thêm trầm trọng vì dịch COVID-19. Chúng ta cần có thay đổi để đảm bảo nền kinh tế có thể phục hồi và đáp ứng được nhu cầu của các công ty trong tương lai”.

Trong những thập niên gần đây, Nhật Bản đã chuyển từ nền kinh tế dựa trên sản xuất sang việc phụ thuộc nhiều hơn vào lĩnh vực dịch vụ và tài chính. Xu hướng này sẽ tiếp diễn, đặc biệt là khi dân số nước này sẽ giảm dần vào cuối thế kỷ.

Giáo sư Teruo Sakurada nói: “Thay đổi này đồng nghĩa với việc chúng ta cần tìm phương hướng để nâng cao cả điều kiện lao động cho người dân cũng như thời gian nghỉ ngơi của họ”. Theo ông Sakurada, điều cấp thiết là thay đổi môi trường lao động cho hàng triệu người Nhật Bản, chấm dứt “karoshi”.

42 1 Nhat Ban Can Nhac Phuong An Lam Viec 4 Ngaytuan

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới nhiều lao động tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Nghiên cứu năm 2016 của chính phủ Nhật Bản cho thấy cứ 5 người lao động Nhật Bản thì có 1 người đối mặt với rủi ro “karoshi” và gần 1/4 các công ty yêu cầu nhân viên làm việc thêm 80 giờ mỗi tháng và thường không được trả lương. Hậu quả là vài trăm người t ử v ong mỗi năm do đau tim, đột quỵ hoặc những vấn đề y tế liên quan tới kiệt sức vì làm việc. Thậm chí có nhiều người còn tự tử.

Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra luật mới có hiệu lực từ tháng 4/2019 hạn chế làm thêm giờ trong khoảng 100 tiếng/tháng và phạt các công ty vi phạm quy định. Cả Microsoft ở Nhật Bản và tập đoàn tài chính Mizuho đã đưa ra chương trình cho phép người lao động lựa chọn giảm một ngày làm việc mỗi tuần. Công ty Fast Retailing với thương hiệu Uniqlo nổi tiếng từ năm 2015 đã tạo điều kiện để nhân viên làm việc 4 ngày/tuần.

Trở ngại lớn nhất được cho là từ những lao động có tuổi, vốn đã quen với việc làm nhiều giờ. Họ có thể không bằng lòng với thế hệ lao động mới không đạt được mức cống hiến về thời gian như họ cho các công ty.

Nguồn: baotintuc




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC