Xứ mặt trời mọc đang nỗ lực thu hút lao động nước ngoài để vực dậy nền kinh tế đang bị tác động tiêu cực do tình trạng già hóa dân số.

1 Nhat Ban Trai Tham Don Lao Dong Nuoc Ngoai

Một công nhân Indonesia làm việc tại Oizumi, tỉnh Gunma (Nhật Bản) - Ảnh: AFP

Một khảo sát của Bộ Lao động Nhật Bản công bố hôm 26-12 cho biết khoảng 65% các công ty tại nước này đã và đang tuyển dụng lao động nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động.

Thiếu hàng triệu lao động

Khảo sát trên là cuộc khảo sát đầu tiên do Bộ Lao động thực hiện về đề tài việc làm và tuyển dụng người lao động nước ngoài, trong bối cảnh số lượng lao động nước ngoài tiếp tục tăng cao, dân số Nhật Bản đang tiếp tục già hóa và khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng nghiêm trọng.

Hãng tin Reuters dẫn một nghiên cứu được công bố vào năm 2023 của Viện Recruit Works (Nhật Bản), xứ sở mặt trời mọc sẽ thiếu hụt 3,4 triệu lao động vào cuối thập niên này, tức vào năm 2030 và sẽ thiếu hụt 11 triệu lao động vào năm 2040.

Theo ghi nhận của báo New York Times, trên khắp tỉnh Gunma nằm ở khu vực miền trung Nhật Bản, tình trạng phụ thuộc vào lao động nước ngoài nổi bật hơn bao giờ hết. 

Tại nhà trọ có suối nước nóng truyền thống Ginshotei Awashima, hơn một nửa trong số 20 nhân viên toàn thời gian là người Myanmar, Nepal và Việt Nam.

"Do nhà trọ nằm ở vùng nông thôn nên không còn người Nhật Bản nào muốn làm việc ở đây" - ông Wataru Tsutani, chủ nhà trọ suối nước nóng nói trên, cho biết.

Khoảng 10 năm trước, các thành phố lớn ở Nhật Bản đã dần mở cửa, tìm cách thu hút người lao động nước ngoài để lấp đầy khoảng trống do già hóa dân số gây ra. Nhưng những năm gần đây làn sóng thu hút người lao động nước ngoài đã lan rộng đến những vùng nông thôn của Nhật Bản.

Bà Yuki Hashimoto, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu kinh tế, thương mại và công nghiệp (RIETI) ở Tokyo, nhận định các lao động nước ngoài là điều không thể thiếu đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ - "xương sống" của nền kinh tế địa phương Nhật Bản. "Nếu không có họ, các công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ sụp đổ", bà nói.

Công ty nghiên cứu Teikoku Databank cho biết chỉ trong nửa đầu năm 2024, số lượng công ty phá sản do thiếu lao động đạt mức kỷ lục 182, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước.

Để có thể tiếp tục thu hút thêm người lao động nước ngoài, không ít công ty đã mở rộng các ưu đãi cho nhân viên nước ngoài, tương tự như cách nhà sản xuất thép Daiwa Steel Tube Industries đã làm.

Ông Shinichiro Nakamura, chủ tịch Daiwa Steel, cho biết công ty của ông luôn quan tâm đến những việc nhỏ nhặt nhất như tìm xe đưa đón các lao động nước ngoài từ sân bay hay tìm nhà ở, khuyến khích người lao động nước ngoài đưa gia đình sang sinh sống cùng để họ có thể yên tâm ở lại Nhật làm việc lâu dài hơn. 

Chẳng hạn, Daiwa Steel đã tạo điều kiện để nhân viên người Việt Tran Vinh Trung (47 tuổi) đón vợ cùng con gái 20 tuổi và con trai 16 tuổi chuyển sang Nhật Bản sinh sống từ năm 2023, theo New York Times.

Cơ hội cho lao động nước ngoài

Hồi giữa tháng 6 vừa qua, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành luật mới với một số điều lệ đã được sửa đổi, nhằm thay thế chương trình thực tập sinh nước ngoài cũ từng gây ra nhiều tranh cãi bằng một hệ thống tuyển thực tập sinh nước ngoài mới, tạo điều kiện giúp các thực tập sinh có thể ở lại Nhật Bản học tập và làm việc lâu dài hơn.

Trong khuôn khổ chương trình cũ có từ năm 1993, những người lao động nước ngoài thường bị cấm chuyển việc trong vòng ba năm đầu tiên. Từ điều kiện khắt khe như trên đã xuất hiện không ít trường hợp người lao động, thực tập sinh bị bóc lột dã man, bị lạm dụng nhưng không thể đổi việc.

Chính vì vậy trong vài năm gần đây, số lượng thực tập sinh nước ngoài nghỉ việc mà không thông báo trước tăng đều từ 5.885 người vào năm 2020 lên 9.006 vào năm 2022 và con số này vẫn đang tiếp tục tăng. Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết người lao động Việt Nam là nhóm bỏ việc nhiều nhất với 5.481 người, tiếp theo là Myanmar với 1.765 và Trung Quốc là 816.

Theo chương trình mới được ban hành từ tháng 6, người lao động nước ngoài có thể thay đổi nơi làm việc với điều kiện việc làm nằm trong cùng một nhóm ngành, người lao động đã làm việc tại chỗ làm trước hơn một năm cũng như đáp ứng được điều kiện về năng lực tiếng Nhật và khả năng chuyên môn khác.

Đến tháng 10, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện một số thay đổi trong chương trình đào tạo thực tập sinh nước ngoài để giúp các thực tập sinh dễ dàng chuyển việc hơn trong bối cảnh số lượng thực tập sinh nghỉ việc cao kỷ lục do điều kiện làm việc kém, mức lương chưa phù hợp và nhiều lý do khác.

Ngoài ra, Nhật Bản còn mở rộng thêm nhiều vị trí trong các nhóm ngành trong thị thực kỹ năng đặc định loại 1 và loại 2. Những ai đã có thị thực kỹ năng đặc định loại 1 được phép cư trú tại Nhật Bản tối đa năm năm, trong khi những người sở hữu thị thực kỹ năng đặc định loại 2 sẽ là thường trú nhân tại Nhật Bản và có thể đưa người thân đến nước này sinh sống.

Tuy nhiên dù đã được nới lỏng đối với các lao động, thực tập sinh nước ngoài nhưng luật mới cũng xuất hiện một quy định gây tranh cãi: cho phép Chính phủ Nhật Bản chủ động thu hồi tư cách thường trú nhân đối với những người nước ngoài cố tình không nộp thuế hoặc không nộp bảo hiểm xã hội.

Mở rộng chương trình SSW

Theo thông tin trên trang web của các đại sứ quán Nhật Bản ở một số nước, Tokyo đang mở rộng chương trình tuyển dụng lao động có kỹ năng đặc định (SSW) sang nhiều vị trí trong ngành vận tải, giúp mang lại cơ hội việc làm cho người lao động nước ngoài, nhằm giải quyết tình trạng thiếu lái xe lành nghề, đặc biệt là các vị trí lái xe taxi, xe buýt và xe tải tại Nhật Bản.

Điều này mang đến cho những tài xế nước ngoài có tay nghề cơ hội sống và làm việc tại Nhật Bản, kiếm được mức lương cạnh tranh và có khả năng đưa gia đình đi cùng. Chương trình SSW sẽ chính thức được triển khai từ giữa năm 2025 và thời hạn để người lao động nộp đơn ứng tuyển cho chương trình bắt đầu từ tháng 1-2025.

UYÊN PHƯƠNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC