Tinh thần này được thể hiện rõ trong cuộc gặp ngắn giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Moon Jae-in, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á mở rộng (ASEAN+3) ngày 4/11 tại Bangkok. Trong vòng 11 phút, hai bên đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể khi nhất trí về tầm quan trọng của quan hệ Nhật – Hàn, tái khẳng định nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng thông qua đối thoại.
Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9/2018. Từ đó đến nay, hai người đã nhiều lần giáp mặt tại G20 Osaka hay kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa qua, song đều không tổ chức gặp gỡ. Đối thoại song phương ngắn chủ yếu được tiến hành ở cấp chuyên viên cho đến thời gian gần đây. Mọi chuyện chỉ rõ ràng hơn khi cuối tháng Mười, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon tham dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito và trao thư tay của Tổng thống Moon Jae-in cho Thủ tướng Shinzo Abe. Do đó, cuộc gặp gỡ chính thức giữa hai nhà lãnh đạo, dù ngắn ngủi, đã khơi lại triển vọng về quan hệ thời gian tới.
Vì lợi ích chung
Động thái này là vô cùng cần thiết, đặc biệt khi căng thẳng trong quan hệ Nhật – Hàn thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, ổn định trong khu vực.
Đầu tiên, đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất chính là Tokyo và Seoul. Các động thái ăn miếng trả miếng, từ loại nhau khỏi danh sách trắng thương mại, tẩy chay hàng hóa, tận dụng căng thẳng thu lợi ích chính trị, tranh cãi về các vấn đề lịch sử chấm dứt các hoạt động chia sẻ thông tin quân sự tới tập trận tại khu vực tranh chấp là biểu hiện rõ nét nhất của sự thiệt hại đó.
Thứ hai, xung khắc quan hệ song phương sẽ tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng của khu vực và thế giới. Trong kỷ nguyên cách mạng 4.0, ngành công nghiệp bán dẫn đang là mũi nhọn phát triển hàng đầu. Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nhà cung cấp nguyên liệu và thành phẩm lớn cho công nghiệp bán dẫn. Lĩnh vực sử dụng bán dẫn cũng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế hai quốc gia hàng đầu khu vực này. Do đó, căng thẳng giữa hai nước không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế quốc gia mà còn tác động xấu tới tăng trưởng khu vực và thế giới.
Thứ ba, căng thẳng trong quan hệ Nhật – Hàn kéo dài sẽ để lại hệ quả lâu dài tới hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề nóng của khu vực và quốc tế, đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực. Đối với Tokyo và Washington, đó là ảnh hưởng ngày một lớn của Bắc Kinh tại khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Đối với Hàn Quốc và Mỹ, đó là cải thiện mối quan hệ, tiến tới phi hạt nhân hóa Triều Tiên trong bối cảnh đàm phán Mỹ – Triều không tiến triển. Do đó, động thái “làm hòa” của Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật Bản có thể là chìa khóa để giải quyết những vấn đề này.
Cùng nhau góp sức
Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ để đảm bảo sự hồi sinh của quan hệ Nhật – Hàn. Lợi ích chung chỉ đến khi các bên đều thể hiện nỗ lực nhằm khắc phục tình hình. Một yếu tố then chốt trong quan hệ song phương ở thời điểm hiện tại là lòng tin.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp gỡ bên lề Thượng đỉnh ASEAN+3 tại Bangkok ngày 4/11.
Biển hiệu “Chúng tôi không bán sản phẩm Nhật Bản” trong một cửa hàng tạp hóa ở Seoul. (Nguồn: AFP) Thống kê mới đây nhất cho thấy, sản lượng bia xuất khẩu từ Nhật Bản sang Hàn Quốc, vốn trị giá 7,2 triệu USD, đã giảm tới 99,99% trong tháng Chín vừa qua. Bia Nhật Bản vốn được người Hàn ưa chuộng và con số này cho thấy làn sóng bài Nhật tại Hàn Quốc chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Do đó, song song với đàm phán về hạ nhiệt căng thẳng chính trị, Tokyo và Seoul cần thảo luận biện pháp tháo gỡ khúc mắc liên quan đến lịch sử, xây dựng thiện cảm, tăng cường giao lưu giữa nhân dân hai nước để duy trì bền vững quan hệ.
Quan trọng hơn, với tư cách đồng minh của cả Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ cần đóng một vai trò tích cực hơn trong hóa giải căng thẳng này, bởi Washington có lợi ích kinh tế và chính trị lớn tại Đông Bắc Á. Sau cuộc gặp giữa ông Abe và ông Moon, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell đã lên tiếng ca ngợi đây là “tín hiệu tích cực”. Tuy nhiên, liệu tiến triển này có đủ để cứu vãn Thỏa thuận An ninh chung về Thông tin Quân sự (GSOMIA) mà Hàn Quốc dự kiến rút khỏi ngày 23/11 tới hay không lại là câu chuyện khác.
Khi ấy, Mỹ cần đứng ra làm trung gian hòa giải một cách nghiêm túc và trung thực, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ khó có thể nói không. Washington có thể nhân cơ hội này thiết lập lại và cải thiện mối quan hệ ba bên bền vững hơn nhằm ứng phó và giải quyết các diễn biến mới tại khu vực.
Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều – các vấn đề chính trị nội bộ như luận tội hay bầu cử năm 2020, khu vực Trung Đông hỗn loạn, căng thẳng thương mại với Trung Quốc và sắp tới có thể là Liên minh châu Âu (EU) sẽ khiến Nhà Trắng phân tâm. Mỹ cần dập tắt ngọn lửa giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trước khi “thiêu đốt” lợi ích chiến lược của Mỹ trong khu vực.
Chỉ khi các bên cùng chung tay góp sức, quan hệ Tokyo – Seoul mới có thể thấy ngày bình yên trở lại.
Nguồn: Baoquocte.vn