Tại một số nước phương Đông, nhà lầu, xe hơi dường như được "quy định ngầm" là thước đo cho sự thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, tiêu chí đánh giá thành công ở Mỹ lại trái ngược hoàn toàn. Vì sao lại có sự khác biệt như vậy?
Toàn cầu hóa đã giúp cho cả thế giới xích lại gần nhau. Tuy nhiên, văn hóa phương Tây và phương Đông vẫn mang những nét khác biệt hoàn toàn, điển hình là cách quan niệm về thành công.
Người trẻ Mỹ ngày nay dường như không mấy quan tâm về biệt thự hay xe sang mà chỉ chú trọng nhiều đến những giá trị tinh thần.
1. Quan điểm về thành công ở người trẻ đã thay đổi
So với những thế hệ trước, thế hệ trẻ Mỹ ngày nay có những suy nghĩ khác hẳn. Những người thành công không sử dụng tài sản để mua nhà, mua xe mà họ sẽ sử dụng tiền bạc để đầu tư vào bản thân, làm cho bản thân phong phú, tức là đi du lịch nhiều nơi, chơi nhiều môn thể thao mạo hiểm và phải có một sự nghiệp tự gây dựng.
Giới trẻ cũng không còn giữ nhu cầu muốn ổn định, họ thậm chí còn muốn có nhiều không gian sinh hoạt sao cho có thể duy trì sự độc lập về kinh tế và tự chủ trong cuộc sống.
2. Lối sống tự do được ưa thích hơn
Tính cách người Mỹ vốn sôi nổi, thích trải nghiệm những môi trường sống khác nhau, nhu cầu thay đổi công việc cũng lớn và họ cũng không ngại thay đổi chỗ ở để thuận tiện cho công việc.
Chính vì thế, nhiều công ty Mỹ cũng khuyến khích nhân viên tìm nhà ở gần chỗ làm, thậm chí là thuê nhà để tiện cho công việc. Điều này trái ngược hoàn toàn với quan niệm "ổn định" của người phương Đông.
3. Giá trị tinh thần được đề cao hơn
Những người chưa từng đến nước Mỹ hầu hết đều cho rằng đất nước này hiện đại, khắp nơi là các tụ điểm ăn chơi, quán bar, nhà hàng không thiếu, người Tây không chú trọng tình cảm giữa con người với con người, tình dục hết sức cởi mở… Nhưng nếu có cơ hội đến Mỹ, bạn sẽ nhận ra những quan niệm nhân sinh của đất nước họ sẽ khiến chúng ta "tròn mắt" ngạc nhiên đấy!
- Bị ốm vẫn cố đi làm được xem là một hành vi vô trách nhiệm: Ở Mỹ, bị ốm thì nên nghỉ ngơi, không cố đi làm, bác sĩ chắc chắn sẽ yêu cầu bạn nên ở nhà, vì khi đến nơi công cộng bạn sẽ lây bệnh cho những người khác. Khi bị bệnh mà vẫn cố đi làm thì được xem là một hành vi vô trách nhiệm đối với cả bản thân mình và người khác, thậm chí với cả xã hội.
- Nhà lầu xe hơi không phải là thứ mà người giàu nhất định phải sở hữu: Ở Mỹ khi nói đến mua nhà, cơ bản là mua nhà độc lập, tương tự định nghĩa "biệt thự" trong suy nghĩ của người Việt. Không chỉ riêng người giàu mà kể cả những người có thu nhập trung bình vẫn có thể mua nhà.
- Chính trị gia cũng là những người bình thường: Trong suy nghĩ của nhiều người chúng ta, nếu được chụp ảnh riêng với những vị chính trị gia, quan chức cấp cao như chủ tịch nước, thủ tướng là một điều đáng để tự hào.
Còn ở Mỹ, quan chức chính phủ là do cử tri bầu cử. Vì thế, những người dân bình thường cũng có thể gặp họ, đặc biệt là trong những dịp họ vận động tranh cử. Thậm chí, khi người dân tỏ ý muốn selfie cùng, khẳng định là họ sẽ phải cười vui vẻ, thể hiện thái độ thân thiện nhất và nói cám ơn vì đã ủng hộ họ.
- Công việc và tiền bạc không thể đem so sánh được với gia đình: Ở Mỹ, những người mải mê làm việc cả ngày lẫn đêm, coi trọng vật chất hơn bất cứ thứ gì khác, bỏ bê gia đình… sẽ bị người khác khinh thường.
Nhiều người Mỹ thường đặt ảnh chụp chung của gia đình trên bàn làm việc. Sau giờ làm và cuối tuần họ đều dành thời gian cho gia đình. Hằng năm cũng có những kỳ nghỉ mà toàn bộ thành viên gia đình tham gia cùng nhau.
- Giàu có không thể "nhìn mặt" mà "bắt hình dong": Nhiều người cho rằng cuộc sống quý tộc chính là ở biệt thự, đi xe Bentley, chơi golf, chi tiêu nhiều tiền hay đầu tư vào nhà đất…
Tuy nhiên, ở Mỹ, người giàu không chú trọng thương hiệu, không dùng xe hơi nhà lớn, mà chú trọng phong thái, ra đường phải chỉnh tề (rất quan trọng), làn da phải màu nâu rám (có tiền để đi tắm nắng), thể hình phải rắn chắc (có phòng tập thể dục)…
Người giàu thường đóng góp hằng năm cho các hiệp hội từ thiện và nhà thờ. Ở những trường đào tạo quý tộc thực sự, học sinh phải ngủ ở giường cứng, ăn uống cũng đạm bạc, mỗi ngày đều phải đào tạo huấn luyện cực kỳ gian khổ, thậm chí còn khổ hơn ở những trường bình dân.
Giàu có và thành công chắc chắn có rất nhiều tiêu chuẩn để đánh giá. Sự khoe khoang vật chất cũng phần nào đánh giá được nền tảng tri thức của một con người. Người Mỹ theo đuổi các giá trị tinh thần, chứ không chạy theo bạc tiền vật chất, do đó với họ thì việc mua nhà lầu xe hơi chắc chắn không phải là thước đo thành công hay giá trị của một người giàu có.
Nguồn: Trí Thức Trẻ