Thắng lợi của vị nữ tổng thống Đài Loan này một phần chính là nhờ các cuộc xuống đường liên tiếp tại Hồng Kông.
Tổng thống Thái Anh Văn phát biểu tại một cuộc tập trận ở Chương Hóa ngày 28/05/2019 tại Đài Loan, mô phỏng một cuộc xâm lăng
Ngoài chính quyền của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ở Hồng Kông, ngoài chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, có lẽ Đài Loan quan tâm hơn ai hết về cuộc đấu tranh chống luật dẫn độ về Hoa Lục.
Hình ảnh người biểu tình Hồng Kông bị cảnh sát đàn áp thô bạo từ nhiều ngày qua khiến mô hình "một quốc gia hai chế độ" trở nên kém hấp dẫn hơn bao giờ hết trong mắt hơn 23 triệu dân Đài Loan.
Chủ Nhật vừa qua, khi hơn 1 triệu dân Hồng Kông tuần hành chống dự luật dẫn độ, trên mạng xã hội Twitter, tổng thống Thái Anh Văn đứng về phía người biểu tình Hồng Kông. Bà viết : "Ngày nào mà tôi còn là tổng thống thì đừng bàn đến chuyện "một quốc gia hai chế độ"".
"Một quốc gia, hai chế độ" là lá bùa hộ mạng, bảo đảm cho hơn 7 triệu dân cư tại "đặc khu hành chính" này từ nay đến năm 2047 độc lập với Bắc Kinh về mặt chính trị, tư pháp... Cũng chính nhờ quy chế đặc biệt đó mà các nhà dân chủ Hồng Kông mỗi năm vẫn được tổ chức"đêm canh thức" tưởng niệm các nạn nhân Thiên An Môn.
Có điều, các cuộc xuống đường của dân Hồng Kông, từ phong trào dù vàng năm 2014, cho đến cuộc đọ sức với cảnh sát trên đường phố Hồng Kông lần này để phản đối luật dẫn độ, cho thấy các quyền tự do mà chế độ Đặng Tiểu Bình đã chấp nhận với Anh Quốc trước khi Luân Đôn trao trả Hồng Kông lại cho Bắc Kinh năm 1997 đang bị thu hẹp dần.
Với Đài Loan, Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ tham vọng đưa quốc đảo này trở về với "đất mẹ" bằng cách này hay cách khác. Khi hòa hoãn, Bắc Kinh hứa hẹn dành cho Đài Loan quy chế tự trị. Lúc cứng rắn, chính quyền của ông Tập Cận Bình đe dọa dùng vũ lực để thống nhất đảo này với Hoa Lục.
Đại đa số dân Đài Loan muốn giữ nguyên trạng trong quan hệ với Trung Quốc. Có nghĩa là về thực chất Đài Loan là một vùng đất độc lập, là một nền dân chủ thực thụ, mà ở đó hai đảng truyền thống là Quốc Dân Đảng và Dân Tiến thay phiên nhau cầm quyền. Về đối ngoại, chính quyền Đài Bắc chỉ được rất ít các quốc gia trên thế giới công nhận. Ngay cả Hoa Kỳ, vốn là điểm tựa quân sự của Đài Loan, cũng phải tôn trọng nguyên tắc "một nước Trung Quốc duy nhất". Bản thân các chính quyền ở Đài Loan từ năm 1949 đến giờ - bên Quốc Dân Đảng cũng như Dân Tiến - đều ý thức được rằng, công khai tuyên bố độc lập là lằn ranh đỏ không thể vượt qua, bởi đấy sẽ là cái cớ để Bắc Kinh dùng vũ lực thôn tính hòn đảo.
Từ khi lên cầm quyền năm 2016, bà Thái Anh Văn luôn chống đối viễn cảnh để Bắc Kinh thôn tính Đài Loan. Vị nữ tổng thống này liên tục tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo, tăng ngân sách quốc phòng ...
Trong bảy tháng nữa, cử tri Đài Loan sẽ bầu lại tổng thống cho một nhiệm kỳ bốn năm, việc bà Thái Anh Văn công khai đứng về phía dân Hồng Kông không phải là một chuyện tình cờ, mà đó là một thông điệp gửi đến cử tri xứ Đài. Bà trực tiếp cảnh báo công luận về nguy cơ để Đài Loan trở về với "đất mẹ" và kêu gọi mọi người chớ nuôi ảo vọng về cái mà Bắc Kinh gọi là "quy chế tự trị".
Theo giới quan sát, khi lên tiếng về Hồng Kông, mục tiêu mà bà Thái Anh Văn muốn nhắm tới là Quốc Dân Đảng, vốn có đường lối thân thiện hơn với Bắc Kinh. Thông điệp này càng quan trọng hơn nữa, khi biết rằng đảng Dân Tiến đã thua đậm trong những cuộc bầu cử địa phương gần đây. Tháng Giêng vừa qua, thủ tướng Đài Loan, ông Lại Thanh Đức đã phải từ chức.
Cuộc đấu tranh của người dân Hồng Kông để bảo vệ tự do, cưỡng lại gọng kềm của Bắc Kinh, chưa biết sẽ có hồi kết ra sao, nhưng dự luật cho dẫn độ về Hoa Lục là một công cụ tranh cử rất tốt và đúng thời điểm đối với bà Thái Anh Văn. Với chính quyền của ông Tập Cận Bình, dự luật dẫn độ Hồng Kông đang gây ra hiệu ứng phụ, làm xấu đi hình ảnh của "Một nước Trung Quốc" trong công luận Đài Loan.
Nguồn: Thanh Hà/ RFI