Trong khi một số nước có thể tự sản xuất hoặc đạt thỏa thuận phân phối vắc-xin Covid-19 với các hãng dược lớn, thì nhiều nước nghèo phải phụ thuộc vào các chương trình phân phối quốc tế.

42 1 Nhung Khoang Cach Giau Ngheo Bi Vac Xin Covid 19 Phoi Bay

Một tình nguyện viên Nam Phi thử nghiệm vắc-xin của Johnson & Johnson. Ảnh: Nytimes.

Trong vài tháng tới, một triệu liều vắc-xin Covid-19 sẽ bắt đầu được sản xuất mỗi ngày tại một nhà máy ở Nam Phi, nơi đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh này ở châu Phi.

Tuy nhiên, chúng sẽ được chuyển đến châu Âu, nơi hàng triệu liều vắc-xin Covid-19 đã được các nước phương Tây đặt sẵn. Trong khi đó, những liều vắc-xin đầu tiên tại Nam Phi dự kiến phải đến giữa năm sau mới được phân phối một cách nhỏ giọt.

Theo New York Times, dịch Covid-19 cho thấy bất kỳ quốc gia nào, dù giàu có đến đâu, vẫn có thể rơi vào khủng hoảng nếu chủ quan và không nhận thức được sự nguy hiểm của dịch Covid-19. Nhưng giờ đây, “Có tiền mua tiên cũng được” đang là một sự thật không thể chối cãi.

Năm 2025 mới được tiêm chủng

Trong vài tháng qua, một số nước lớn hoặc đã tự sản xuất và thử nghiệm, hoặc đã đạt được thỏa thuận với nhiều hãng dược để phân phối đủ vắc-xin Covid-19 cho người dân nước mình.

Tuy nhiên, nhiều nước nghèo hoặc thu nhập trung bình không có đủ nguồn lực để làm điều này. Họ phần lớn phụ thuộc vào một chương trình có tên gọi Covax, sáng kiến hợp tác giữa các tổ chức y tế nhằm phân phối vắc-xin Covid-19 một cách bình đẳng và miễn phí trên toàn cầu.

Giới chức Nam Phi hy vọng, thông qua Covax, những liều vắc-xin đầu tiên sẽ có mặt ở nước này vào giữa năm sau. Song đối với nhiều người dân Nam Phi, vắc-xin vẫn được xem là thứ “đặc quyền” đối với tầng lớp khá giả, những người có thể tự bỏ tiền hoặc thông qua bảo hiểm y tế bổ sung để được tiêm chủng sớm.

Cơ hội duy nhất mà nhiều người Nam Phi có để được tiêm phòng sớm là tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng các loại vắc-xin chưa được kiểm chứng, dù cách thức này vẫn gây nhiều tranh cãi về mặt đạo đức.

Trong tháng này, hàng chục người dân đã đứng xếp hàng suốt nhiều giờ đồng hồ trước cổng Trung tâm Y tế Desmond Tutu, thành phố Cape Town, để có cơ hội tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 mới được điều chế bởi hãng dược Johnson & Johnson.

Theo Mtshaba Mzwamadoda, một trong những người đăng ký thử nghiệm, chỉ những nhân vật cấp cao, những người có quyền lực ở Nam Phi mới được tiêm vắc-xin Covid-19 đầu tiên, Trong khi đó, những người dân nghèo như ông “phải đợi đến năm 2025” mới được tiêm chủng.

“Đó là lý do chúng tôi tham gia thử nghiệm, vì nó là cơ hội tiêm chủng duy nhất đối với tôi”, ông Mzwamadoda thổ lộ.

Những thỏa thuận bí mật

Covax được lập ra để giúp những nước nghèo hoặc không có hy vọng cạnh tranh giá vắc-xin trên thị trường quốc tế có thể tiếp nhận và phân phối vắc-xin Covid-19 với giá cả phải chăng, hoặc thậm chí không phải mất đồng nào.

Tuy nhiên, chính phủ các nước tham gia Covax phải trả tiền trước mà không thể biết họ sẽ nhận được loại vắc-xin nào, giá cả ra sao và được phân phối vào thời điểm nào. Bên cạnh đó, các nước trên phải chịu mọi rủi ro nếu như vắc-xin họ tiếp nhận không hiệu quả hoặc gặp bất kỳ sự cố nào.

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại gần đây với New York Times, giới quản lý Covax khẳng định chương trình của họ là “giải pháp toàn cầu duy nhất" cho dịch Covid-19. Tuy nhiên, họ từ chối tiết lộ những thỏa thuận đã ký kết với các hãng dược, cũng như các giao dịch đã đạt được với từng quốc gia, và gọi chúng là những thỏa thuận “bí mật”.

Sự dàn xếp này có thể dễ thở đối với những nước được tiếp nhận vắc-xin gần như miễn phí, nhưng sẽ là gánh nặng đối với nhiều nước khác. Nam Phi phải trả tới 140 triệu USD cho Covax chỉ để phân phối vắc-xin Covid-19 cho khoảng 10% dân số. Họ buộc phải đàm phán với các hãng dược tư nhân để có thể trang trải vắc-xin cho 50 triệu người dân còn lại.

Tựu trung lại, tiền vẫn là yếu tố tạo khác biệt lớn, Ames Dhai, giáo sư ngành đạo đức sinh học và thành viên ban cố vấn vắc-xin của Chính phủ Nam Phi, nói với các bác sĩ trong một hội thảo trực tuyến gần đây: “Trong khi các nước khác đã mua sắm rầm rộ, thì chúng ta thậm chí còn chưa dám nhìn ngắm các mặt hàng.”

Không có gì đảm bảo

Giới chức chính phủ và các cố vấn Nam Phi cho biết, họ đã gặp hoặc nhận được yêu cầu sơ bộ từ hầu hết các công ty dược phẩm lớn về vắc-xin Covid-19. Song, do không có đủ tiền đặt cọc, nước này phải chứng kiến ​​nhà sản xuất dược phẩm nội địa của mình, Aspen Pharmacare, sản xuất vắc-xin cho các nước khác trước khi chúng được phân phối trong nước.

Dù Johnson & Johnson cam kết bán vắc-xin của mình với giá hòa vốn và cung cấp nửa tỷ liều cho Covax để giúp đỡ các nước nghèo, nhưng theo Stephen Saad, Giám đốc điều hành của Aspen, không có gì đảm bảo số vắc-xin trên sẽ đến tay người dân Nam Phi. “Chỉ J&J mới có quyền quyết định vị trí các sản phẩm của mình”, ông thừa nhận.

Nam Phi hiện đã có hơn 1 triệu ca nhiễm Covid-19, và đang phải đối mặt với làn sóng thứ hai. Giới chức y tế công cộng nước này đặc biệt lo ngại về biến thể mới của virus corona mà họ tin rằng có thể dễ lây lan hơn.

Dù vậy, đối với dân nghèo và người lao động Nam Phi, nỗi sợ hãi lớn hơn cả là một cuộc phong tỏa mới. Những cuộc phong tỏa trước đó đã tàn phá sinh kế, khiến hàng chục gia đình phải ở chung một nhà và nhiều gia đình khác phải dùng chung nước sinh hoạt.

Mtshaba Mzwamadoda, người đã được chọn thử nghiệm lâm sàng vắc-xin của Johnson & Johnson, cho biết ông không muốn phải thực hiện giãn cách xã hội thêm lần nữa. “Tôi muốn cuộc sống của mình trở lại bình thưởng,” ông khẳng định.

Nguồn: Việt Anh/ Vietnamnet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC