Cảnh sát làm việc ở khu công nghiệp Waterglade, thị trấn Grays, nơi 39 thi thể được phát hiện trên xe container hôm 23/10. Ảnh REUTERS
Hôm 24/10, cảnh sát hạt Essex cho biết 39 thi thể, gồm 31 người đàn ông và 8 người phụ nữ, được tìm thấy trên một xe container ở khu công nghiệp Waterglade, thị trấn Grays, đông bắc Anh, có thể là công dân Trung Quốc.
Tài xế Mo Robinson, 25 tuổi, đã trình báo nhà chức trách khi phát hiện các thi thể vào sáng sớm 23/10 trên thùng container được chuyển từ Bỉ đến đây một ngày trước đó. Nhóm người di cư này được cho là đã tử vong trước khi tới Anh do chết ngạt hoặc chết cóng trong container đông lạnh với nhiệt độ có thể xuống tới -25 độ C.
Trong khi những chi tiết xoay quanh hành trình và cái chết của họ vẫn chưa sáng tỏ, chủ tịch Trung tâm Thông tin và Tư vấn Trung Quốc, Edmond Yeo, đã khẩn khoản kêu gọi chính phủ Anh truy bắt những hung thủ và kẻ cầm đầu của những tổ chức tội phạm đứng sau sự việc và đưa chúng ra công lý.
"Chúng tôi vô cùng bàng hoàng và đau xót trước cái chết của 39 người, được tin là những người gốc Trung Quốc, trong thảm kịch ở Essex", ông Yeo nói. "Chúng tôi đã đề nghị chính phủ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo thảm kịch như trên không bao giờ tái diễn nữa".
Bà Sulaiha Ali, thuộc công ty tư vấn pháp luật về nhập cư Anh Duncan Lewis, cho biết nhiều công dân Trung Quốc mà bà từng đại diện là nạn nhân buôn người, đến Anh để trả những món nợ cờ bạc mà họ không thể trả hết nếu ở lại Trung Quốc. Có trường hợp một người đàn ông còn gửi vợ sang Anh để kiếm tiền trả nợ cho anh ta.
Theo bà Ali, những người nợ nần tại Trung Quốc thường bị các chủ nợ cho vay nặng lãi gây áp lực và chính những kẻ này đã tổ chức đưa các con nợ sang Anh. Số khác tự tìm đến môi giới với chi phí từ 7.000 đến 14.000 bảng (9.000 - 18.000 USD).
Bà Ali cho biết nhiều khách hàng của bà đến Anh bằng máy bay hơn là xe tải, và một khi đã ở Anh, họ bị rơi vào cảnh bó buộc vì nợ nần. Tất cả số tiền họ kiếm được đều dùng để trả nợ.
"Họ có thể được đón ở sân bay và sau đó đưa thẳng đến một nhà thổ hoặc nhà hàng, nơi họ bị ép làm việc", bà nói. "Những kẻ buôn người bóc lột họ. Họ thường sợ hãi và không tin tưởng chính quyền. Những người báo tin về đường dây buôn người có thể bị Bộ Nội vụ Anh làm ngơ và họ cuối cùng kết thúc trong các trại giam. Nhiều người rất bi thảm".
Người dân thắp nến tưởng niệm 39 nạn nhân chết trên xe tải ở con phố gần Bộ Nội vụ Anh tại London tối 24/10. Ảnh: PA
Báo cáo thường niên của chính phủ Anh năm 2018 về tình trạng nô lệ hiện đại đã xác định Trung Quốc là quốc gia đứng thứ tư về số lượng nạn nhân bị giam làm nô lệ tại nước này. Tổ chức từ thiện Phụ nữ vì Phụ nữ Tị nạn đã kiểm tra 14 nạn nhân Trung Quốc bị giam tại trại giam Yarl's Wood, hạt Bedfordshire, và phát hiện một số người bị đưa thẳng từ các nhà thổ và cơ sở mát-xa đến đây, bất chấp những dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ đã bị lạm dụng tình dục.
Tổ chức trên cáo buộc Bộ Nội vụ Anh vi phạm chính sách không giam giữ những nạn nhân buôn người. Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ, phụ nữ Trung Quốc là nhóm đông nhất bị giam tại trại giam Yarl's Wood năm ngoái, với 420 người.
"Trung Quốc là nguồn cung cấp nam giới, phụ nữ và trẻ em lớn, những người bị dụ dỗ sang Anh và các nước châu Âu khác với lời hứa hẹn có một công việc hợp pháp, để rồi bị cưỡng ép lao động hoặc bán dâm", bà Ali nói. "Đây là những người có nhu cầu bảo vệ thực sự và cần phải thừa nhận rằng họ buộc phải đưa ra những lựa chọn tuyệt vọng này vì cuộc sống ở quê nhà gặp nguy hiểm".
Dù Trung Quốc được cho là một nguồn cung lớn về cả nạn nhân buôn người lẫn những kẻ buôn người, thông tin về hoạt động này vẫn còn rất ít. Có một số tổ chức phi chính phủ Trung Quốc đang làm việc về vấn đề này và một số nhà phê bình cho rằng Bắc Kinh không nhiệt tình vào cuộc.
Theo cục cảnh sát châu Âu Europol, trong năm 2015 và 2016, Trung Quốc nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu ngoài EU về số nạn nhân buôn người tại châu Âu và là nước đứng đầu về nghi phạm buôn người.
"Chúng tôi nhìn thấy một lượng lớn người bị đưa đến nước này, nhất là người Trung Quốc, nhưng không nhận được nhiều sự giúp đỡ và hỗ trợ", Tian Ma, một nhà nghiên cứu tại đại học Utrecht, người có các nghiên cứu về nạn nhân buôn người người Trung Quốc.
Vào đầu những năm 1990 và những năm 2000, các nhóm tội phạm có tổ chức hay còn gọi là "các đầu rắn", ở tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang, đã lập ra những tuyến đường buôn người sang tây Âu thông qua Trung Đông, đông Âu và trong một số trường hợp là cả châu Phi và Nam Mỹ, theo các chuyên gia về di cư.
Một số kẻ buôn người dụ dỗ khách hàng bằng những hứa hẹn về công việc và chi phí sẽ được thanh toán trước hoặc trả dần trong suốt thời gian làm việc tại quốc gia mà họ đến. Năm 2000, nhà chức trách hạt Kent, phía đông nam Anh, từng phát hiện 58 người Trung Quốc chết trong một xe container của Hà Lan. Tài xế của chiếc xe đã bị tuyên án 14 năm tù vì tội ngộ sát.
Vào cuối những năm 2000, các nhà quan sát tin rằng di dân trái phép từ Trung Quốc đã giảm, phần lớn trường hợp là quá hạn thị thực. Những di dân Trung Quốc trước đây hầu hết đến từ tỉnh ven biển phía nam Phúc Kiến, nhưng các chuyên gia nhấn mạnh rằng ngày càng nhiều người đến từ những địa phương khác của Trung Quốc.
Olivia Iannelli, một nhà phân tích tại trung tâm Nghiên cứu Trilateral về nạn buôn người, cho hay những người này đến Anh có thể vì gặp khó khăn về kinh tế, chạy trốn áp bức hoặc tìm kiếm những cơ hội mới.
"Sự việc cho thấy rõ ràng chúng ta chưa thực sự hiểu về vấn đề này và phối hợp giữa các quốc gia với nhau, chúng ta chưa hiểu được nguyên nhân sâu xa bên trong từng quốc gia và những người đang gặp nguy hiểm, như cộng đồng Trung Quốc, vì chúng ta không có đủ thông tin", Iannelli nói.
Quan chức sứ quán Trung Quốc tại Anh Tong Xuejun hôm 24/10 tuyên bố trên truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV rằng ông đã thúc giục cảnh sát Anh làm rõ về thảm kịch trên và sẽ thông báo khi có những diễn biến mới của sự việc.
Nguồn: Anh Ngọc/ Vnexpress