Làn sóng khách du lịch Trung Quốc ồ ạt đổ bộ tới hồ Baikal trong những năm gần đây khiến người Nga không khỏi lo ngại về những hệ lụy tiêu cực tác động tới “viên ngọc quý” này.

Khi Andrei Sukhanov nhận ra rằng một khách sạn của người Trung Quốc đang mọc lên ngay cạnh nhà nghỉ nhỏ bé và thô sơ của ông, thậm chí che khuất tầm nhìn bao quát ra hồ Baikal, người đàn ông này đã tự trấn an mình bằng một ngụm vodka, sau đó nắm lấy một chiếc cưa và chặt 8 cột gỗ đang chống đỡ công trình khách sạn.

Rốt cuộc, không có cột nào bị đổ.

Tuy nhiên, thay vì bị lên án bởi hành động trên, Sukhanov lại được ca ngợi như một người hùng vì đã dám đứng lên để phản đối người Trung Quốc khi sự hiện diện ngày càng tăng của họ ở khu vực xung quanh hồ Baikal đã thổi bùng cơn giận dữ của người dân địa phương.

Hành động của Sukhanov đã trở thành “tiếng kèn xung trận” trong bối cảnh làn sóng biểu tình, kiến nghị và kiện tụng ngày càng gia tăng mạnh mẽ nhằm ngăn chặn người Trung Quốc “xâm chiếm” hồ Baikal và những khu vực lân cận.

“Nếu chúng tôi để cho người Trung Quốc làm như vậy, họ sẽ chiếm đoạt mất. Họ sẽ đánh cắp toàn bộ tiền bạc và người dân địa phương sẽ trắng tay”, Sukhanov nói.

Người đàn ông 57 tuổi đã rời thành phố St. Petersburg từ hàng chục năm trước để tìm về cuộc sống “vui thú điền viên” bên hồ Baikal ở Siberia, hồ nước ngọt lớn nhất và sâu nhất thế giới.

42 1 Noi Lo Cua Nguoi Nga Khi Du Khach Trung Quoc Do Bo Hon Ngoc BaikalKhách du lịch Trung Quốc tại hồ Baikal. (Ảnh: New York Times)

Tổng thống Vladimir Putin đã “xoay trục” sang Trung Quốc từ cách đây 5 năm sau khi mối quan hệ với phương Tây trở nên căng thẳng do Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Trung Quốc đã trở thành người bạn mới tốt nhất của Nga, là đồng minh về thương mại, ngoại giao và hợp tác quân sự để đối phó với tầm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ.

Tuy vậy, kỷ nguyên mới của tình hữu nghị Nga – Trung đã hé lộ sự căng thẳng rõ rệt ở Listvyanka, một thị trấn nghỉ dưỡng cổ tại hồ Baikal, khi làn sóng khách du lịch và doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt kéo tới, làm dấy lên nỗi lo sợ của người Nga về nguy cơ người Trung Quốc chiếm đất và gây ô nhiễm môi trường cho hồ nước nổi tiếng này. Chính quyền địa phương cũng nhận ra rằng dòng khách Trung Quốc tới hồ Baikal mang theo hy vọng về những cơ hội việc làm mới và các dự án kinh tế tại một khu vực vốn không mấy phát triển.

Hơn 1,6 triệu khách du lịch, chủ yếu là người Nga, đã tới thăm hồ Baikal vào năm ngoái. Trung Quốc chiếm số đông nhất trong nhóm khách du lịch nước ngoài tới khu vực này, lên tới 186.200 người.

Số khách Trung Quốc đã tăng 37% so với năm trước đó và con số này dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng lên khi thời gian đáp chuyến bay từ Bắc Kinh tới Baikal chỉ mất 2 giờ đồng hồ.

“Mọi người đều hiểu rằng Trung Quốc là một đất nước quyền lực hơn nhiều và nền kinh tế Trung Quốc đang tạo ra những con số mà Nga chưa hy vọng có thể đạt được. Chúng tôi cảm nhận được điều đó”, Yuri Pronin, biên tập tập viên của báo Baikalskiye Vesti xuất bản hàng tuần tại Irkutsk, thủ phủ đông Siberia, nhận định.

Nhiều người Nga nói rằng hồ Baikal, nơi chứa gần 20% nước ngọt của trái đất, bị “bao vây”. Xung quanh hồ là rừng thông và những ngọn núi. Cảnh đẹp tại đây thu hút khách du lịch cả vào mùa hè và mùa đông.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng thô sơ tại thị trấn nghỉ dưỡng Listvyanka không thể thích ứng kịp với lượng nước thải và rác thải do lượng lớn khách du lịch mang lại. Người dân địa phương cũng lo ngại viễn cảnh sẽ có thêm hàng chục nghìn người Trung Quốc kéo tới đây.

Bóng dáng của Trung Quốc

42 2 Noi Lo Cua Nguoi Nga Khi Du Khach Trung Quoc Do Bo Hon Ngoc Baikal

Làng Khuzir trên đảo Olkhon ở hồ Baikal, nơi đang phát triển du lịch. (Ảnh: New York Times)

Chính quyền địa phương đã kiện ra tòa chủ nhân của ít nhất 10 khách sạn được xây dựng bằng nguồn vốn từ Trung Quốc, cáo buộc họ xây dựng bất hợp pháp tại những vị trí vốn chỉ được phép xây căn hộ dành cho một gia đình cùng một số hành vi trái phép khác.

Một tòa án địa phương đã yêu cầu dỡ bỏ 2 khách sạn hồi đầu năm nay. 8 khách sạn còn lại dự kiến cũng sẽ chịu chung số phận.

Người Trung Quốc bị cáo buộc không chỉ ngang nhiên hoạt động bất chấp người dân địa phương, mà còn tìm cách hút nước từ hồ Baikal.

Mùa đông năm nay, hơn 1,1 triệu người Nga trên khắp cả nước đã ký vào đơn thỉnh cầu trực tuyến để phản đối kế hoạch xây dựng một nhà máy nước đóng chai từ một ngôi làng gần Listvyanka nhằm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hồi tháng 3, một tòa án ở Irkutsk đã viện dẫn những lo ngại về môi trường để yêu cầu dừng xây dựng nhà máy này. Điều khiến người dân địa phương bức xúc nhất là Trung Quốc không chịu đóng thuế kinh doanh.

“Họ không trả cho chúng tôi một xu nào. Nếu họ trả 20% tiền thuế theo như yêu cầu vào ngân sách địa phương, chúng tôi có thể xây dựng cơ sở hạ tầng và trường học như chúng tôi mong muốn”, ông Sukhanov nói.

Người bị mắc kẹt giữa các lợi ích kinh doanh của Trung Quốc và người dân địa phương là Aleksandr A. Shamsudinov, thị trưởng Listvyanka – nơi có dân số khoảng 2.122 người.

Ông Shamsudinov bị quản thúc tại gia trong phần lớn thời gian năm 2018 do bị cáo buộc lạm quyền khi cấp giấy phép xây dựng tại những khu vực chỉ được xây căn hộ dành cho một gia đình. Nhiều căn hộ như vậy đã mọc lên như nấm và biến thành nhà nghỉ trái phép dành cho khách du lịch Trung Quốc.

42 3 Noi Lo Cua Nguoi Nga Khi Du Khach Trung Quoc Do Bo Hon Ngoc Baikal

Khách du lịch trượt băng gần một khách sạn đang xây tại Listvyanka. (Ảnh: New York Times)

Ông Shamsudinov thừa nhận rằng những căn nhà 3 tầng với 14 phòng ngủ và ban công rõ ràng không phải là những căn nhà bình thường.

“Họ (người Trung Quốc) đều nói rằng họ cần những ngôi nhà lớn và họ có nhiều người thân đang lên kế hoạch tới thăm khu vực này”, ông Shamsudinov nói.

Với hoạt động xây dựng ồ ạt như vậy, bản sắc của ngôi làng cũng bị thay đổi. Những tấm biển khổng lồ, một số viết bằng tiếng Trung Quốc, được sử dụng để quảng cáo cho những địa điểm như câu lạc bộ thoát y Las Vegas.

Thị trấn không có hệ thống xử lý rác thải và nước thải trung tâm. Rác thành từng đống, đường sá chưa được lát gạch. Marina Rikhvanova, một nhà môi trường học, cho biết cô không còn dám uống nước hồ gần bất kỳ ngôi làng nào. Chất thải ô nhiễm đã chảy xuống hồ gây ra hiện tượng tảo nở hoa.

Theo thị trưởng Shamsudinov, chính quyền liên bang nên có kế hoạch phát triển để cân bằng nhu cầu của du khách và của người dân địa phương.

“Mọi người cứ kêu gào rằng Baikal là hòn ngọc của Nga và là di sản thế giới được UNESCO công nhận, nhưng việc xử lý rác thải và các vấn đề môi trường khác lại đặt lên vai của thị trưởng các thị trấn nhỏ”, ông Shamsudinov nói.

Một số người dân địa phương than phiền rằng người Trung Quốc gọi hồ Baikal là Bắc Hải theo tiếng Hán cổ, thậm chí có người còn tin rằng Trung Quốc đang bí mật ủ mưu lấy lại hồ Baikal và các khu vực rộng lớn ít người ở xung quanh – nơi từng được nhượng lại cho Nga theo hiệp ước năm 1858. Trung Quốc từ lâu đã coi hiệp ước này là không công bằng.

Nhiều năm trước đây, những người Trung Quốc ở khu vực này chỉ là những người bán rong nghèo, bán những mặt hàng rẻ tiền tại chợ Thượng Hải ở Irkutsk. Còn bây giờ, cảnh du khách Trung Quốc tiêu hàng xấp tiền rúp đã cho thấy sự vượt trội của Trung Quốc so với Nga.

Thành Đạt

Theo Dân trí/ New York Times




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC