Khi ca bệnh COVID-19 trên toàn thế giới vượt mốc 1 triệu vào sáng 3-4 (giờ Việt Nam), nước Mỹ đã góp 1/4 trong số đó với gần 250.000 ca. Tính đến 18h30 ngày 3-4 (giờ Việt Nam), nước Mỹ có hơn 6.000 người tử vong và hơn 245.000 ca COVID-19 trên khắp 50 bang.
Các chuyên gia y tế Nhà Trắng dự báo ngay cả khi các lệnh giới nghiêm diện rộng được tuân thủ, vẫn có thể có 100.000 - 240.000 người Mỹ thiệt mạng vì dịch bệnh.
Thay đổi quan điểm rõ ràng về khẩu trang
Hẳn con số kinh hoàng này là yếu tố tác động không nhỏ tới việc chính quyền liên bang Mỹ dự kiến đưa ra những khuyến cáo thay đổi về việc đeo khẩu trang phòng bệnh.
Theo Hãng tin Reuters, phát biểu trong cuộc họp báo của Nhà Trắng ngày 2-4, tiến sĩ Deborah Birx - người điều phối công tác chống dịch COVID-19 của chính phủ liên bang - cho biết trong những ngày tới, Trung tâm Kiểm soát và phòng chống bệnh tật (CDC) Mỹ sẽ bổ sung khuyến nghị về khẩu trang trong các chỉ dẫn về biện pháp phòng bệnh.
Tuy nhiên, bà Deborah Birx vẫn không quên lưu ý rằng người dân Mỹ không nên "lầm tưởng về sự an toàn" khi cho rằng họ được bảo vệ hoàn toàn khỏi bệnh bằng cách dùng khẩu trang.
Tổng thống Trump cũng đã vận dụng Đạo luật sản xuất quốc phòng để yêu cầu Công ty 3M, nhà sản xuất khẩu trang lớn, phải giao nộp số khẩu trang trữ trong kho của họ cho chính phủ liên bang. Bình thường công ty này sản xuất khoảng 400 triệu khẩu trang một năm.
Những tuyên bố mới nhất về vấn đề khẩu trang của Nhà Trắng cho thấy sự thay đổi quan niệm rõ ràng của họ về vấn đề này.
Cho mãi tới gần đây, chính quyền ông Trump, CDC và các quan chức y tế cộng đồng vẫn cho rằng những người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang và biện pháp này không cần thiết hoặc phản tác dụng trong phòng dịch.
Ngoài chuyện khẩu trang, trong nhiều tuần qua, nhiều cơ sở y tế của Mỹ đã báo động tình trạng thiếu máy thở và đồ bảo hộ, nhưng nay một số loại thuốc thiết yếu cũng bắt đầu cạn dần như thuốc giãn phế quản, kháng sinh, kháng virus và giảm đau.
Tại bang New York, tâm dịch của nước Mỹ với hơn 2.468 ca tử vong, Thống đốc Andrew M.Cuomo ước tính số lượng máy thở sẽ hết vào cuối tuần tới.
Các nhân viên thu ngân đeo khẩu trang y tế tại một cửa hàng ở quận Brooklyn, thành phố New York - Ảnh: Getty Images
Theo trang Politico, nhiều bệnh viện ở New York đã bắt đầu phải đưa ra những quyết định khó khăn khi phải chọn người bệnh có cơ hội sống cao hơn để dùng máy thở khi không đủ thiết bị này.
Ông Cuomo cũng cho biết bang sẽ cung cấp tài chính cho các công ty cần tiền để thay đổi dây chuyền công nghệ sản xuất máy thở và các thiết bị y tế khác.
2 tuần, 2 kỷ lục thất nghiệp
Trong khi những ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19 với nền kinh tế Mỹ tiếp tục lún sâu thì Bộ Lao động nước này ngày 2-4 công bố có thêm 6,6 triệu đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tuần.
Đây là con số kỷ lục cao nhất của mọi thời, tính từ khi Bộ Lao động Mỹ theo dõi các số liệu này từ năm 1967.
Kỷ lục này "dễ dàng" vượt qua kỷ lục vừa xác lập thứ năm tuần trước (26-3), khi Bộ Lao động Mỹ lần đầu công bố 3,3 triệu người lao động nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trước đó, kỷ lục cao nhất mọi thời còn chưa tới 700.000 người xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ vào năm 1982, theo trang The Hill.
"Không còn lời nào cho điều này: 10 triệu người lao động xin trợ cấp thất nghiệp chỉ trong 2 tuần", đó là tít bài u ám chạy trên trang Politico cho thấy một thực trạng thê thảm chưa từng có tiền lệ trong thị trường lao động Mỹ.
Và có rất ít lý do để tin rằng báo cáo về thị trường này trong tuần tới sẽ khởi sắc hơn khi đã có thêm nhiều bang lớn khác của Mỹ, trong đó có Georgia và Florida, đang triển khai áp dụng các chính sách phong tỏa, cách ly phòng dịch vốn đã bắt đầu ở khu vực bờ Tây đầu tháng 3.
Hậu quả của tình trạng thất nghiệp tăng vọt này sẽ không dừng lại ở việc rất nhiều người Mỹ mất đi nguồn thu nhập, theo phân tích của Viện Chính sách kinh tế mà trang Axios dẫn lại, nó còn khiến khoảng 3,5 triệu người Mỹ có nguy cơ cao sẽ mất bảo hiểm y tế trong những tuần gần đây vì mất việc.
Đó là hơn 1/3 trong số những người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tới nay.
Mặc dù Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỉ USD, nhưng theo Đài NBC, ít nhất về ngắn hạn, khoản cứu trợ này sẽ không thể nhanh chóng tới tay những người đang rất cần nó.
Đài NBC dẫn ước tính của Nhà Trắng cung cấp cho các nghị sĩ Dân chủ: những người nhận sớm nhất (khoảng 60 triệu người) cũng phải tới giữa tháng 4 sẽ nhận được tiền, còn lại nhiều người Mỹ sẽ phải chờ lâu hơn, có thể là vài tháng nữa.
Một người dân New York đi qua dãy nhà xác dã chiến là những thùng container đông lạnh đặt bên ngoài một bệnh viện cách trụ sở Liên Hiệp Quốc 1km - Ảnh: Reuters
Quan trọng là giãn cách xã hội
Bà Deborah Birx cho rằng không phải vấn đề khẩu trang, giãn cách xã hội mới là biện pháp chính để làm chậm tốc độ lây lan. Bà Birx cũng kêu gọi người Mỹ nên tuân thủ những chỉ dẫn an toàn của chính phủ.
Hiện vẫn còn khoảng 12 bang nữa chưa phát lệnh yêu cầu người dân ở nhà.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài CNN ngày 2-4, bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh nhiễm hàng đầu của Mỹ, nói ông không hiểu vì sao tới giờ vẫn chưa phải là mọi bang trên nước Mỹ ban bố lệnh yêu cầu người dân ở nhà khi số ca bệnh tiếp tục tăng cao.
45
Theo trang The Hill, thành phố New York đã bổ sung 45 nhà xác di động vì các nhà xác bệnh viện không còn đủ chỗ chứa. Hệ thống các nhà hỏa táng tại địa phương cũng được phép hoạt động 24/24 giờ.
Trong khi đó, báo NYT cho biết nhiều bệnh viện cũng đang thiếu các bao đựng tử thi, khi số người chết vì COVID-19 tăng nhiều.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ