Tại Nhà máy chế tạo hàng không Komsolsk-on-Amur (KnAAZ - thành viên của Tập đoàn chế tạo máy bay Thống nhất), cơ sở chuyên sản xuất tiêm kích Su-57 Felon, một dãy nhà xưởng mới đã được đưa vào khai thác, cho phép mở rộng quy mô lắp ráp.
Như một phần của việc mở rộng năng lực sản xuất Su-57, cơ sở thử nghiệm hệ thống nhiên liệu đã được đưa vào vận hành và việc xây dựng giai đoạn đầu của nhà xưởng để đánh giá tổ hợp điện tử hàng không cũng đã được hoàn thiện.
Đồng thời phía KnAAZ khẳng định họ sẽ khẩn trương xây dựng một nhà chứa máy bay mới để vận hành thử nghiệm các hệ thống tích hợp, cũng như tiến hành các bài kiểm tra cần thiết trên mặt đất.
Ý định tăng công suất sẵn có của Nhà máy KnAAZ nhằm giúp việc sản xuất Su-57 "hiệu quả và công nghệ hơn" vì lợi ích của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã được nêu bật, nhưng không rõ các chỉ số định lượng.
Việc đẩy mạnh chế tạo tiêm kích Su-57 được kỳ vọng sẽ diễn ra, nhưng rõ ràng công việc trước mắt còn bộn bề và khó lòng thực hiện khi vô số rào cản rất lớn vẫn còn nguyên ở đó.
Trên đây là một vài chi tiết có giá trị xét về cách Moskva lên kế hoạch “giải quyết những nút thắt” trong quá trình sản xuất Su-57. Nhưng cho đến thời điểm này, báo chí Nga chỉ đề cập một cách khái quát vấn đề liên quan đến năng lực chế tạo tiêm kích Felon.
Các chuyên gia quân sự cũng chỉ có thể tìm thấy dấu hiệu nói về việc tổ chức lại quá trình sản xuất Su-57 tại KnAAZ, họ biết việc nhà máy cố gắng đẩy nhanh quy trình công nghệ để hướng đến mục tiêu tăng sản lượng.
Tuy nhiên thực tiễn đã chỉ ra rằng biện pháp chung chung như vậy khó mang lại hiệu quả như mong đợi và không cho phép hoàn thành kế hoạch sản xuất Su-57 với số lượng lên tới 76 chiếc vào năm 2027.
Nút thắt lớn nhất hiện nay vẫn là Su-57 chưa được hoàn thiện tính năng, khi động cơ AL-51F (Izdeliye 30) phải tới cuối năm 2025 mới sẵn sàng, ngoài ra radar N036 Byelka (AESA) cũng chưa được thử nghiệm đầy đủ.
Với thực tế trên, nếu muốn dây chuyền lắp ráp Su-57 hoạt động hết công suất thì “thắt nút” về công nghệ phải được giải quyết trước tiên, nếu không nhà máy KnAAZ vẫn chỉ lắp ráp máy bay một cách cầm chừng để chờ hoàn thiện tính năng.
Cần nhắc lại, chương trình máy bay chiến đấu Su-57 Felon của Nga đã gặp phải rào cản đáng kể về sản lượng thấp, gây ra sự hoài nghi trong số các chuyên gia phương Tây.
Nhiều nhà phân tích quân sự chỉ ra rằng cho đến nay chỉ có khoảng 10 chiếc Su-57 xuất xưởng, quá ít nếu so với sản lượng hơn 1.000 chiếc F-35 và gần 200 chiếc F-22 của Mỹ.
Ngoài vấn đề liên quan tới động cơ và radar, thiết kế của Su-57 bị nhận xét mang lại khả năng tàng hình thấp, chỉ tương đương chiến đấu cơ thế hệ 4+ và cần phải chỉnh sửa rất nhiều chi tiết.
Vướng mắc với Su-57 Felon còn khiến tiêm kích thế hệ năm hạng nhẹ của Nga là Su-75 Checkmate chưa thể thoát ra khỏi giai đoạn mô hình trình diễn, chưa biết khi nào mới có phiên bản thử nghiệm để đánh giá tính năng.
Nguồn: Báo An Ninh Thủ Đô