Báo Le Point (Pháp) mô tả người dân Anh đang hoảng thực sự bởi những diễn biến dịch bất ngờ. Ở đây có hiện tượng các nhân viên y tế bị nhiễm (nhưng không bộc lộ triệu chứng) đã lây bệnh cho bệnh nhân nhập viện vì nhiều bệnh khác.
Cuối tuần rồi là thời điểm khó khăn với người Anh. Không phải bởi vì các quán rượu đóng cửa hay thiếu món "Sunday roast" truyền thống (thịt nướng lò ăn kèm rau củ và nước xốt) mà bởi người dân mang nặng tâm trạng rối bời trong khủng hoảng COVID-19.
Những số liệu gây sốc
Ngày 27-3, Trung tâm Đánh giá và nghiên cứu hồi sức tích cực (ICNARC) công bố con số gây sốc.
Từ cuối tháng 2-2020, 50% số bệnh nhân COVID-19 nằm trong phòng chăm sóc tích cực trong các bệnh viện Anh đã tử vong.
Hôm 28-3 (giờ địa phương), một số liệu khác đáng sợ không kém. Trong 127.737 người đã xét nghiệm ở Anh có 19.522 người bị nhiễm và 1.228 người có kết quả dương tính đã tử vong.
Đến chủ nhật 29-3, số liệu chính thức cho thấy trong 24 tiếng đã có thêm 2.546 người có kết quả dương tính.
Tại thủ đô London với 9 triệu dân, trong ngày 30-3 đã có 5.957 trường hợp mắc COVID-19, tăng 658 trường hợp so với hôm trước. 414 ca tử vong trong ngày này đã chiếm đến một phần ba tổng số ca tử vong trên cả nước.
Ở Anh, 50% số bệnh nhân COVID-19 nằm trong phòng chăm sóc tích cực đã tử vong - Ảnh: EPA
Những thông báo "rụng tim"
Ngày 29-3, bà tiến sĩ Jenny Harries - phó giám đốc Cơ quan Y tế cộng đồng Anh nhận định thời gian phong tỏa có hiệu lực trong hai tuần có thể phải kéo dài tới 2-3 tháng.
Bà lập luận tùy theo kết quả đánh giá lại, tình hình có thể sẽ trở lại bình thường trong... 6 tháng. Dân Anh hoảng thực sự!
Đến tối, với vẻ mặt xanh xao, Thủ tướng Boris Johnson đã phát biểu qua băng video một lần nữa kêu gọi mọi người nên ở nhà và tránh ra ngoài. Ông đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 ba hôm trước.
Sau nhiều tuần thúc đẩy chiến dịch "miễn dịch cộng đồng", ông buộc phải thay đổi chiến lược do sức ép của châu Âu.
Lời kêu gọi ở trong nhà kèm theo thái độ thừa nhận bất lực: "Nói một cách đơn giản, nếu có quá nhiều người mắc bệnh nặng một lúc, hệ thống y tế quốc gia sẽ không thể quản lý nổi tình hình".
Nói chung, ưu tiên số một của Anh từ một tuần qua là làm chậm lại quá trình lây lan của bệnh.
Thủ tướng Boris Johnson chủ trì cuộc họp về COVID-19 ở London qua video ngày 28-3 - Ảnh: REUTERS
Phong tỏa chậm, thiếu máy trợ thở
Thái độ chần chừ của chính phủ Anh về quyết định phong tỏa đã đẩy nhanh dịch COVID-19 lây lan.
Anh quyết định phong tỏa toàn quốc một tuần trể hơn Pháp (ngày 17-3) và 17 ngày trễ hơn Ý (ngày 9-3). Biểu đồ phát triển các ca nhiễm theo đường cong gần tương tự như Ý.
Hai ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được xác nhận tại Anh vào ngày 31-1 tại Newcastle (đông bắc nước Anh). Sau đó kết quả dương tính cứ đều đều tăng hàng trăm người mỗi ngày.
Thủ tướng Boris Johnson thông báo Anh đủ khả năng xét nghiệm 25.000 ca mỗi ngày.
Trong khi đó, Cơ quan Y tế công cộng ( PHE) khẳng định có thể cung cấp 4.000 ca và Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) cố lắm mới đạt bình quân 2.000 ca xét nghiệm mỗi ngày.
Theo nguyên Bộ trưởng Y tế Dan Poulter, xét nghiệm không đầy đủ, đặc biệt đối với đội ngũ y tế chính là nguyên nhân gia tăng lây nhiễm.
Các nhân viên y tế bị nhiễm nhưng không bộc lộ triệu chứng đã lây bệnh cho bệnh nhân nhập viện vì nhiều bệnh khác.
Ngoài dịch vụ y tế với quy mô nhỏ, nhân viên y tế thiếu hoặc bị nhiễm, Anh còn phải chuẩn bị đối phó với tình hình thiếu máy trợ thở một khi lên đến đỉnh dịch.
Hiện thời Anh có 8.175 máy thở phục vụ cho 67 triệu dân, tức một máy cho 8.000 người.
Chính phủ Anh đang kêu gọi sản xuất hàng loạt máy thở bổ sung để có thể đạt 30.000 máy cần thiết.
Trong phát biểu hôm 29-3, Thủ tướng Boris Johnson đã kêu gọi huy động toàn bộ nhân viên y tế đã kinh qua đào tạo để tiếp sức với đội ngũ y tế đang mệt mỏi.
Ông nhấn mạnh: "Trì hoãn bệnh lây lan, giảm áp lực lên NHS sẽ giúp cứu sống hàng ngàn người".
Nguồn: HOÀNG DUY LONG
Báo Tuổi trẻ