Phóng viên Bloomberg Peter Robison kể ông và gia đình chuyển từ Seattle (Mỹ) đến London để bắt đầu một cuộc sống mới. Tuy nhiên, giờ họ quyết định quay trở lại Mỹ vì không chịu nổi bầu không khí ô nhiễm ở thủ đô nước Anh.
Robison mô tả mọi thứ ở London đều rất tuyệt, ngoại trừ mùi khí thải nồng nặc từ hàng nghìn chiếc xe chạy động cơ diesel trên đường phố London. Theo thống kê của chính phủ Anh, hiện có khoảng 12,4 triệu ôtô chạy động cơ diesel hoạt động trên toàn vương quốc.
Chỉ hai tháng sau khi tới London, bệnh hen suyễn của Robison tái phát, cổ họng anh luôn khó chịu, giọng bị khàn đi. Anh đi khám và các bác sĩ thông báo chức năng phổi của anh giảm 5%.
“Đại khói mù” năm 1952 tại London. Ảnh: History.
Đại học King’s College London đang vận hành 117 trạm quan khắc không khí tại 32 khu tự quản (borough) ở London. Và bản đồ ô nhiễm của King’s College London cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng ở trung tâm thủ đô nước Anh và các tuyến đường huyết mạch.
Trên thực tế, tỷ lệ khí thải NO2 trong không khí ở London đã vượt qua ngưỡng an toàn theo tiêu chuẩn Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2010. Theo Guardian, các dữ liệu của năm 2016 cho thấy có tới 2 triệu người dân London sống trong những khu vực ô nhiễm không khí nghiêm trọng, bao gồm 400.000 trẻ em.
Năm 1952, thảm họa “Đại khói mù” do ô nhiễm than trực tiếp và gián tiếp cướp đi sinh mạng của 12.000 người London. Hồi năm 2015, King’s College London công bố nghiên cứu cho thấy gần 9.500 người London thiệt mạng mỗi năm vì ô nhiễm không khí.
Thủ đô London chìm trong sương mù và ô nhiễm không khí. Ảnh: Getty Images.
Không khí bẩn cũng gây ra các bệnh về phổi và tim mạch, khiến 40.000 người chết sớm mỗi năm ở vương quốc Anh. Trẻ em dưới 18 tuổi hít thở không khí ô nhiễm thường xuyên đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tâm thần phân liệt cao.
Ngoài ra, với những đứa trẻ hít thở nhiều khí thải NO2, dung tích phổi sẽ bị thu nhỏ 8%, dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Tháng 2/2013, bé gái 9 tuổi Ella Adoo-Kissi-Debrah qua đời tại London. Các bác sĩ xác định đây là trường hợp hen suyễn trầm trọng hiếm thấy tại Anh và thủ phạm gây bệnh là chất bẩn trong không khí. Tháng 5/2019, Tòa án Cấp cao Anh cho phép mở cuộc điều tra nghi vấn ô nhiễm không khí đã dẫn tới cái chết của bé Ella.
Bloomberg nhận định nếu cuộc điều tra đi đến kết luận rằng ô nhiễm không khí khiến bé Ella thiệt mạng, các doanh nghiệp và tổ chức gây ô nhiễm ở thủ đô Anh sẽ đối mặt với các đơn kiện đòi bồi thường tiền tỷ. Chính quyền thành phố cũng sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp quyết liệt để chống ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí giết 9.500 người London mỗi năm. Ảnh: Reuters.
Chính quyền London đã cam kết chi ra hàng trăm triệu bảng để thay thế xe buýt chạy diesel bằng xe điện. Từ năm ngoái, Thị trưởng London Sadiq Khan triển khai sáng kiến “Khu vực khí thải thấp”. Các phương tiện giao thông không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải sẽ tốn 12,5 bảng/ngày khi đi vào những khu vực này.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 90% người dân toàn cầu đang hít thở không khí bẩn mỗi ngày. Và ô nhiễm không khí là sát thủ cướp đi sinh mạng của 7 triệu người mỗi năm.
Theo VnExpress