Căn cứ không quân Olenya nằm gần thị trấn Olenegorsk ở tỉnh Murmansk, đông bắc Nga, cách biên giới Ukraine khoảng 1.800 km, hiện nơi này là căn cứ đóng quân của oanh tạc cơ chiến lược bao gồm cả Tu-22M3.
Ảnh vệ tinh công bố hồi tháng 5 cho thấy tại đây có ít nhất 13 chiếc Tu-22M3, 12 phi cơ Tu-95MS, một máy bay Tu-160 cùng hai vận tải cơ quân sự An-12.
Nga thường xuyên triển khai phi cơ Tu-22M3, Tu-95MS và Tu-160 để tập kích mục tiêu ở Ukraine bằng tên lửa hành trình.
Oanh tạc cơ Nga thường khai hỏa từ khoảng cách hàng trăm km so với mục tiêu, nằm ngoài tầm đánh chặn hiệu quả của hầu hết các hệ thống phòng không Ukraine.
Ukraine đã sử dụng drone tầm xa để tập kích sâu vào các căn cứ của không quân chiến lược của Nga.
Trước đây, Ukraine từng hai lần tập kích các oanh tạc cơ Tu-22M3 khi chúng đang đậu ở căn cứ vào năm 2022 và 2023, được cho là đã phá hủy một máy bay và làm hư hại một chiếc khác.
"Tôi khen ngợi các thành viên Cục 9, Tổng cục Tình báo Quốc phòng (GUR), vì đã tiến hành đòn tấn công chính xác ở khoảng cách 1.800 km tính từ biên giới Ukraine. Đó là đòn tập kích rất hiệu quả, tôi tự hào về các bạn", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 29/7 viết trên Telegram.
Tuyên bố được ông Zelensky đưa ra sau khi truyền thông nhà nước Ukraine dẫn nguồn tin từ GUR cho hay lực lượng này đã tiến hành chiến dịch tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) đánh trúng một oanh tạc cơ siêu thanh tầm xa Tu-22M3 tại sân bay quân sự Olenya.
Tổng thống Zelensky không đề cập thiệt hại của Nga sau cuộc tập kích.
Nguồn tin của truyền thông Ukraine cho biết đòn tấn công đã khiến chiếc Tu-22M3 bị hư hỏng. Nga chưa bình luận về thông tin này.
Hiện không quân Nga chưa bình luận về các thông tin được phía Ukraine đưa ra. Máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 luôn được các đối thủ của Nga theo dõi đặc biệt.
Dòng oanh tạc cơ chiến lược này được biên chế năm 1983 với mục tiêu chính là các biên đội tàu sân bay Mỹ.
Tuy nhiên dòng máy bay này cũng cực kỳ mạnh mẽ trong việc tấn công tầm xa các mục tiêu mặt đất.
Tu-22M3 là phiên bản cuối cùng của dòng máy bay ném bom chiến lược Backfire hiện vẫn đang phục vụ trong không quân Nga.
Được phát triển từ dòng Tu-22 kém tinh vi hơn rất nhiều, Tu-22M3 là sự lột xác hoàn toàn về thiết kế.
Theo cục thiết kế Tupolev, nguyên mẫu đầu tiên của phiên bản Tu-22M3 bắt đầu được sản xuất loạt vào cuối thập niên 1970 và biên chế vào năm 1983.
Tập đoàn sản xuất máy bay Kazan của Liên Xô đã chế tạo tổng số gần 500 chiếc với các biến thể Backfire khác nhau.
Khi Tu-22M3 được đưa vào biên chế, nó đã khiến hải quân Mỹ rất bất an do chúng được thiết kế để mang theo một lượng lớn các tên lửa hành trình diệt hạm tầm xa.
Tu-22M3 bay rất nhanh, tốc độ tối đa của nó là Mach 1,88 (2.322km/h) và chủ yếu bay ở tốc độ Mach 1,6 (1.976 km/h) để gia tăng tuổi thọ.
Dù có kích thước nhỏ hơn Tu-160 và Tu-95, chiếc oanh tạc cơ Tu-22M3 này vẫn có thể chở theo gần 24 tấn vũ khí.
Đáng chú ý là Tu-22M3 có thể mang theo 10 tên lửa diệt hạm Kh-15 hoặc 3 tên lửa Kh-22 Raduga, cả hai loại tên lửa này đều có thể đạt vận tốc bay khoảng Mach 5.0.
Tu-22M3 cũng mang theo các loại bom không dẫn đường thông thường gồm 20 bom FAB-250 hoặc 8 bom FAB-1500.
Dunarit - công ty sản xuất các loại bom OFAB-250-270, cho biết "vũ khí này dùng để phá hủy các cơ sở công nghiệp, quân sự, nút giao thông đường sắt, sinh lực địch trên địa hình trống trải và các loại xe bọc thép hạng nhẹ, xe tải đang hành quân".
Theo chuyên gia Dave Majumdar của National Interest, khi Tu-22M3 ra đời, Mỹ không hề có bất cứ loại máy bay nào tương đương.
Tổ bay của máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 bao gồm 4 thành viên, trong đó gồm 2 phi công, 1 hoa tiêu và 1 sĩ quan điều khiển vũ khí.
Trong buồng lái, hai phi công Tu-22M3 ngồi cạnh nhau ở phía trước, hoa tiêu và sĩ quan điều khiển vũ khí ngồi ở phía sau.
Tất cả ghế của tổ bay đều được trang bị hệ thống phóng thoát hiểm KT-1M, sĩ quan chỉ huy tổ bay có thể kích hoạt ghế phóng cho tất cả thành viên còn lại.
Những ghế phóng này đòi hỏi máy bay phải đạt tốc độ tối thiểu 128 km/h để giúp phi công thoát hiểm an toàn ở độ cao dưới 61 m.
Mỗi oanh tạc cơ Tu-22M3 được trang bị hai động cơ turbine phản lực Kuznetsov NK-25 với tổng sức đẩy gần 50 tấn.
Với các động cơ cực khỏe này giúp Tu-22M3 có thể đạt tốc độ tối đa 2.000 km/h và tầm bay 6.800 km.
Trong chiến tranh lạnh máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 là nỗi ám ảnh cho Mỹ và NATO.
Sở hữu tốc độ bay nhanh cùng kho tên lửa mạnh, phiên bản phát triển mới nhất Tu-22M3 được coi là nỗi ác mộng cho các tàu sân bay.
Nhận thấy những tính năng tuyệt vời của loại máy bay này, Trung Quốc nhiều lần ngỏ ý muốn mua, tuy nhiên Nga đã lắc đầu từ chối.
Tu-22M3 có chiều dài 41,46 m; sải cánh 23,3 m (cụp ở góc 65 độ), 34,28 m (xòe ở góc 20 độ); chiều cao 11,05 m.
Khối lượng rỗng của Tu-22M3 là 58 tấn, khối lượng cất cánh tối đa lên tới 126,5 tấn.
Những năm gần đây, máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 hoạt động tích cực trong một số điểm nóng xung đột.
Đầu tiên là tại Syria, Nga đã điều loại máy bay ném bom chiến lược này để đánh phá các cơ sở chi huy và hậu cần của lực lượng khủng bố và đối lập tại Syria.
Trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine hiện nay, Tu-22M3 cũng đóng vai trò là máy tấn công tầm xa khi bắn tên lửa Kh-22 vào các mục tiêu của đối phương.
Nguồn: Báo An Ninh Thủ Đô