Chỉ vài giờ sau khi nhậm chức tổng thống Mỹ hôm 20-1, Tổng thống Joe Biden bắt tay tháo gỡ các di sản của người tiền nhiệm, ký hàng loạt sắc lệnh, văn bản đảo ngược các vấn đề từ chống dịch COVID-19, môi trường cho đến nhập cư, kinh tế.

"Không có gì bằng hôm nay để bắt đầu. Tôi sẽ bắt đầu bằng cách giữ những lời mình đã hứa với người dân Mỹ", Đài CNN dẫn lời ông Biden nói ở Phòng bầu dục của Nhà Trắng trước khi đặt bút ký loạt 17 sắc lệnh và bản ghi nhớ, gỡ bỏ những biện pháp gây tranh cãi nhất của người tiền nhiệm Donald Trump. 

Thư ký báo chí Jen Psaki cho biết đây chỉ là một phần các động thái của ông Biden trong những tuần đầu tiên.

Mỗi ngày một chủ đề

Với quyền lực mới trên ngòi bút, động thái đầu tiên của ông Biden là bắt buộc đeo khẩu trang tại các cơ quan liên bang Mỹ và đối với toàn bộ nhân viên liên bang - bước tiếp cận trái ngược với chính sách đối phó đại dịch COVID-19 của ông Trump. Ông Biden còn bổ nhiệm một điều phối viên giám sát nỗ lực của Nhà Trắng trong việc phân phối vắcxin và nguồn cung y tế, mở rộng hỗ trợ kinh tế.

Yêu cầu đeo khẩu trang sẽ không có tác động lớn bởi nhiều cơ quan liên bang đã đóng cửa hoặc triển khai các biện pháp chống dịch, nhưng thể hiện rõ quyết tâm chống dịch của chính quyền mới. Theo giới quan sát, thời gian đầu nhiệm kỳ của ông Biden sẽ định hình bởi kế hoạch chống dịch COVID-19, đến nay đã giết hơn 400.000 người Mỹ và kéo theo khủng hoảng về kinh tế. AFP cho biết ông Biden dự kiến công bố kế hoạch chống dịch trong ngày 20-1, giờ địa phương.

Không dừng lại ở đó, tổng thống Mỹ ngăn nguồn quỹ chi cho việc xây dựng bức tường biên giới phía nam với Mexico, đảo ngược lệnh cấm du lịch nhắm vào các nước Hồi giáo, khôi phục bước tiến về môi trường và thúc đẩy sự đa dạng.

42 1 Ong Biden Dao Nguoc Mot Loat Di San Ong Trump

Theo đó, ông Biden sẽ ngăn nỗ lực của ông Trump rút khỏi các thỏa thuận quốc tế, khởi động quá trình tái gia nhập Hiệp định khí hậu Paris và ngừng việc rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó nhà dịch tễ học Anthony Fauci sẽ dẫn đầu phái đoàn của Mỹ dự cuộc họp sắp tới của WHO.

Ông Biden cũng thúc đẩy chương trình DACA (chương trình trì hoãn hành động đối với người nhập cư vào Mỹ khi còn nhỏ), một nỗ lực từ thời cựu tổng thống Barack Obama, nhằm bảo vệ hàng trăm ngàn người nhập cư trẻ khỏi bị trục xuất. Đây là một phần trong kế hoạch nhập cư lớn hơn mà ông Biden đã gửi lên Quốc hội Mỹ trước đó, vạch lộ trình kéo dài 8 năm nhằm cho phép cho hơn 11 triệu người nhập cư có quốc tịch Mỹ.

Theo CNN, kế hoạch hành động của ông Biden trong những ngày đầu sẽ được chia thành các chủ đề riêng. Trong khi ngày đầu tiên sẽ tập trung vào đại dịch COVID-19, ngày tiếp theo 21-1 sẽ nhấn vào cứu trợ kinh tế bao gồm các lệnh hành pháp khôi phục quyền thương lượng tập thể của nhân viên liên bang và chỉ đạo hành động đối với các chương trình như Medicaid và bảo hiểm thất nghiệp.

Các chủ đề trong tuần tới sẽ là "Mua hàng Mỹ", với các sắc lệnh tăng cường các yêu cầu đối với việc mua hàng hóa và dịch vụ của chính phủ từ các công ty Mỹ. Vào tháng 2-2021, ông Biden sẽ tập trung vào "khôi phục vị thế của Mỹ trên thế giới".

Chỉ mới làm phần dễ

Trái với thông điệp kêu gọi đoàn kết và hòa hợp, hành động của ông Biden trong ngày đầu nhậm chức không cho thấy sự thỏa hiệp và hợp tác nào, thay vào đó là quyết tâm nhanh chóng xóa bỏ di sản của ông Trump.

Tuy nhiên, việc thông qua đạo luật nhập cư được dự đoán sẽ không dễ dàng và kế hoạch của ông Biden có thể vấp phải sự phản đối của Đảng Cộng hòa, trong đó các nghị sĩ như Marco Rubio, Chris Hartline đã lên tiếng chỉ trích việc "ân xá khống" cho những người nhập cư bất hợp pháp.

Dù Đảng Dân chủ nắm đa số ở Hạ viện, thế cân bằng ở Thượng viện với Phó tổng thống Kamala Harris nắm quyền quyết định, việc cải tổ hệ thống nhập cư Mỹ sẽ cần sự đồng thuận ở cả hai đảng.

Theo giới phân tích, ông Trump đã ký rất nhiều sắc lệnh và việc tháo gỡ chúng không phải dễ dàng. Việc ký các sắc lệnh đảo ngược được đánh giá là một phần dễ, nhưng để tạo được sự thay đổi lâu dài, ông Biden phải hợp tác với Quốc hội Mỹ để thông qua các vấn đề như cứu trợ đại dịch, nhập cư, cải tổ nhập cư...

"Với Dân chủ kiểm soát Thượng viện và Hạ viện, ông Biden có cơ hội để hoàn thành công việc, dù sẽ cần vượt qua rào cản của Đảng Cộng hòa và giữ vững đảng của mình. Kinh nghiệm hàng chục năm làm luật của tân tổng thống sẽ hữu dụng" - cây bút Anthony Zucher của Đài BBC nhận định.

Việt Nam chúc mừng Tổng thống Biden

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 21-1 đồng gửi điện chúc mừng nhân dịp ông Joe Biden nhậm chức, trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ.

Lãnh đạo Việt Nam bày tỏ tin tưởng Tổng thống Biden và chính quyền mới của Mỹ sẽ đạt được nhiều thành công mới vì sự phát triển thịnh vượng và hạnh phúc của đất nước và nhân dân Mỹ, tiếp tục đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Lãnh đạo Việt Nam khẳng định rằng với nền tảng quan hệ đã được xây dựng và phát triển không ngừng suốt 25 năm qua, quan hệ Việt - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Cùng ngày, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đã gửi điện mừng tới Phó tổng thống Kamala Harris.

Trên khắp thế giới, các lãnh đạo chào mừng Mỹ trở lại các hiệp ước quốc tế. Nói về việc Mỹ tái gia nhập Hiệp định khí hậu Paris, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đánh giá "vẫn còn chặng đường dài phía trước" nhưng đánh giá cao nỗ lực của Washington. Trong khi đó, Trung Quốc cũng hi vọng "khởi động lại" quan hệ với Mỹ dưới thời ông Biden. "Với sự hợp tác từ cả hai phía, các thiên thần tốt đẹp trong quan hệ Mỹ - Trung sẽ đánh bại thế lực xấu xa" - người phát ngôn Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu ngày 21-1.

N.ĐĂNG - T.PHƯƠNG

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC