Tuyên bố của ông Hun Sen, hiện là chủ tịch Thượng viện Campuchia, được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các chuyên gia Việt Nam công bố một báo cáo cho thấy tác động bất lợi của kênh đào mà Campuchia sắp xây dựng với sự trợ giúp của Trung Quốc tới môi trường và sản xuất của Việt Nam cũng như kêu gọi Campuchia minh bạch thêm thông tin về tuyến đường thủy nhân tạo này.
Bộ Ngoại giao Việt Nam trong tháng này cũng đưa ra lời kêu gọi đến chính phủ Campuchia, hiện do con trai ông Hun Sen điều hành, để chia sẻ thông tin và đánh giá tác động đến công trình.
Tại một buổi tiệc của Hiệp hội Oknha Campuchia hôm 26/4, ông Hun Sen nói rằng ông phải “làm cho rõ” vấn đề về kênh đào Phù Nam vì dự án này lần đầu tiên được đề xuất và phê duyệt khi ông còn là thủ tướng Campuchia, theo Khmer Times và Phnom Penh Post.
“Tôi sẽ không để bất cứ ai đốt nhà của mình để nấu một quả trứng, cho dù đó là đồng minh hay là kẻ thù đi chăng nữa,” ông Hun Sen, người từng sống ở Việt Nam trong thời gian thanh trừng của Khmer Đỏ cuối thập niên 1970 đầu những năm 1980, được tờ báo tiếng Anh Khmer Times trích lời nói với nghĩa ẩn dụ. “Cho dù đó là quốc gia nào đi nữa, tôi cũng phải bảo vệ đất nước mình.”
Đầu tháng này, ông Hun Sen đã bác bỏ thông tin cho rằng dự án kênh đào Phù Nam sẽ tạo thuận lợi cho hải quân Trung Quốc hoạt động gần biên giới Việt Nam và nói rằng dự án hoàn toàn phục vụ các mục đích kinh tế xã hội của Campuchia. Tuyên bố của ông Hun Sen được đưa ra để đáp lại bài báo của The Straits Times của Singapore cho rằng kênh đào trị giá 1,7 tỷ USD sẽ là cửa ngõ cho hải quân Trung Quốc tiếp cận biên giới Việt Nam.
Ông Hun Sen, người trở thành thủ tướng Campuchia vào năm 1985 với sự hậu thuẫn của Việt Nam, khẳng định lại điều này khi chủ trì buổi tiệc hôm 26/4.
“Đầu tiên và quan trọng nhất, tại sao Campuchia lại phải cần quân đội Trung Quốc? Thứ hai, Campuchia và Việt Nam là láng giềng tốt, hợp tác trên mọi lĩnh vực. Thứ ba, Trung Quốc và Việt Nam có quan hệ tốt và là đối tác chiến lược toàn diện. Cuối cùng, tại sao Campuchia lại cho phép quân đội Trung Quốc vào đây nếu việc này vi phạm Hiến pháp?,” ông Hun Sen được Khmer Times, tờ báo thân Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của vị cựu thủ tướng này, trích lời nói thêm.
Mỹ đã kêu gọi Campuchia minh bạch hơn về dự án kênh đào mà một số nhà quan sát cho rằng có thể được quân đội Trung Quốc sử để tăng cường sự hiện diện tại đây và gây ra mối đe dọa an ninh tiềm tàng cho các nước láng giềng.
Nhằm xoa dịu thêm lo ngại này, ông Hun Sen nói hôm 26/4 rằng “Campuchia không ngu ngốc đến mức cho phép quân đội Trung Quốc đồn trú trên lãnh thổ của chúng tôi, vi phạm hiến pháp của chúng tôi,” theo Phnom Penh Post.
Ông Hun Sen cũng lưu ý rằng hiện tại đang có tình trạng thiếu nước ở Đồng bằng Sông Cửu Long dù việc xây dựng kênh đào này thậm chí còn chưa bắt đầu và cho rằng đây là hiện tượng tự nhiên và đã xảy ra ít nhất từ năm 2016.
Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi được xem là vựa lúa của Việt Nam, đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng khiến nhiều tỉnh ở đây phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Năm 2016 đánh dấu đợt hạn hán nặng nhất của Việt Nam trong vòng 100 năm qua ở khu vực nơi người dân phụ thuộc vào nuôi trồng lúa gạo và thủy sản.
Các chuyên gia Việt Nam, trong một hội thảo ở thành phố Cần Thơ hôm 23/4, nói rằng kênh đào Phù Nam Techo, nếu được vận hành, sẽ làm giảm mất đến 50% lượng nước chảy vào Việt Nam và điều này “có thể tác động nghiêm trọng đến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn của Đồng bằng sông Cửu Long.”
Nhưng ông Hun Sen hôm 26/4 nói rằng Campuchia “không sử dụng sông Mekong” mà “đang sử dụng sông Bassac, vốn chỉ là một nhánh.”
“Về vấn đề này, chúng tôi không cần tham vấn gì cả vì chúng tôi chỉ sử dụng một nhánh sông Mekong,” ông Hun Sen được Phnom Penh Post dẫn lời nói.
Phản bác lại những tuyên bố của các học giả tại Đại học Cần Thơ, ông Hun Sen đặt câu hỏi về khẳng định của họ rằng "việc xây dựng kênh đào có thể dẫn đến việc mất đi tới 70% lượng nước" cung cấp cho ĐBSCL của Việt Nam.
“Không có con kênh này, chúng tôi giống như phải phụ thuộc vào oxy của người khác để thở. Họ có thể cắt nó bất cứ lúc nào họ muốn. Tôi muốn Việt Nam hiểu rằng đây chính là lý do Campuchia phải hoàn thành dự án này,” ông Hun Sen nói.
Theo Phnom Penh Post, ông Hun Sen – người được con trai Hun Manet nối nghiệp làm thủ tướng Campuchia từ tháng 8 năm ngoái – cảnh báo rằng nếu Việt Nam không hài lòng với dự án này thì Campuchia có thể buộc phải cấm hàng hóa của họ đi qua Việt Nam theo đường sông Mekong.
“Tôi sẽ không lùi bước về vấn đề này và tôi muốn thẳng thắn nhấn mạnh rằng không cần phải đàm phán. Đừng cố ép Campuchia vào bàn đàm phán,” ông Hun Sen nói.
Cũng ghi nhận về tuyên bố của ông Hun sen, Khmer Times cho biết ông nói rằng Campuchia không cần đàm phán với Việt Nam về kênh đào Phù Nam và rằng các nhà lãnh đạo Hà Nội nên hiểu tại sao ông lại nêu vấn đề này trước công chúng. Tại buổi tiệc hôm 26/4, ông kêu gọi người dân Campuchia đoàn kết bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như yêu cầu một số quốc gia ngừng phản đối dự án kênh đào này.
Bức ảnh do Nội các Chính phủ Campuchia công bố hôm 8/11/2022 cho thấy Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) duyệt đội danh dự trước cuộc gặp tại Cung điện Hòa bình ở Phnom Penh.
Được biết, việc xây dựng dự án kênh đào Phù Nam – nhằm tạo ra tuyến đường thủy có chiều dài 180km, kết nối thủ đô Phnom Penh và 4 tỉnh của Campuchia với biển – dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm nay. Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đạt được thỏa thuận xây dựng kênh đào này trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường hồi tháng 10. Theo kế hoạch, dự án này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2028.
Tiếp thêm những lời tuyên bố của ông Hun Sen, con trai ông, Thủ tướng Hun Manet, hôm 28/4 nói rằng dự án kênh đào Phù Nam Techno không phải vì lợi ích riêng của gia đình nhà “Hun” mà là nhằm mục đích nâng cao phúc lợi của tất cả người dân Campuchia, theo Khmer Times ghi nhận trong một bản tin riêng biệt.
Ông Hun Manet, trong cuộc gặp với hơn 5.000 đại diện của khu vực kinh tế phi chính thức tại Phnom Penh, nói rằng không có trở ngại nào có thể ngăn cản việc xây dựng dự án Phù Nam Techo và khẳng định dự án đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trong khoảng 26 tháng.
VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao Việt Nam trước những tuyên bố của ông Hun Sen và ông Hun Manet.
Theo thông tin của Ủy hội sông Mekong quốc tế được Tuổi Trẻ trích dẫn, phía Campuchia vẫn chưa có thông tin về một số yếu tố kỹ thuật của dự án kênh đào Phù Nam như lưu lượng xả nước hay quy tắc hoạt động trong mùa khô và mùa mưa.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt hôm 11/4 nói rằng “Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Phù Nam Techo và cũng đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động đến công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.”
Nguồn: VOA