Theo Tass ngày 21/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nỗ lực thay thế hàng nhập khẩu của Nga đã đạt được kết quả mỹ mãn.
"Họ (các lệnh trừng phạt của phương Tây) buộc chúng tôi phải đẩy mạnh sản xuất nhằm thay thế các sản phẩm nhập khẩu trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới lợi ích quốc gia và an ninh đất nước.
Thực tế này diễn ra trong các lĩnh vực: nông nghiệp, y tế, công nghiệp dược phẩm, công nghiệp quốc phòng. Nói chung, chúng tôi đã đạt được những kết quả rất tích cực ", ông Putin nói.
"Tôi sẽ nói một cách thẳng thắn và công khai, tôi đã có những lo ngại nhất định sau khi danh sách trừng phạt từ phương Tây được đưa ra. Tôi xin cảm ơn tất cả các đồng nghiệp của tôi, những người mà tôi không biết tên và những người đang làm việc hàng ngày tại nơi làm việc của họ - trong ngành công nghiệp, sản xuất, xây dựng và cơ sở nghiên cứu. Tất cả đã tạo nên một bước rất lớn và quan trọng trong nền kinh tế của chúng tôi", Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Tổng thống Nga Putin
Theo ông Putin, nền kinh tế Nga được hưởng lợi trực tiếp từ các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây.
Tuy nhiên, cả hai bên cũng phải chịu những tác động tiêu cực đối với thương mại song phương, thiệt hại này có thể tính bằng tỷ USD. Thực tế, các biện pháp cấm vận của phương Tây đã làm nền kinh tế Nga thiệt hại 50 tỷ USD song lại khiến Liên minh châu Âu (EU) hứng chịu nặng hơn, thiệt hại đến 240 tỷ USD.
Moscow đã nỗ lực để có thể hưởng lợi từ sức ép kinh tế của phương Tây bằng cách bắt đầu giảm dần nhập khẩu hàng hóa và thay thế bằng sản phẩm nội địa, thậm chí ngay cả trong những lĩnh vực không phải thế mạnh.
Cũng chính từ đó, sức mạnh nội tại của Nga đã tăng mạnh, đủ sức đương đầu với mọi biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất có thể của phương Tây. Giới phân tích nhận định, ảnh hưởng tiêu cực bởi những cú sốc từ trừng phạt, cấm vận của Mỹ và phương Tây thực sự đã giảm đi đáng kể, thậm chí Moscow còn hóa giải chúng, đem lại lợi thế cho Nga.
Chính sách của chính quyền Tổng thống Putin xây dựng, ban hành và thực thi trong ứng phó cấm vận đã tạo ra sức hút cho dòng lợi ích tại xứ sở bạch dương.
Trong Báo cáo về đầu tư thế giới năm 2019 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD), cho thấy đầu tư của Châu Âu và Mỹ vào Nga đã tăng lên đáng kể.
Đáng chú ý, Mỹ đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào kinh tế Nga, với khoảng 39,2 tỷ USD. Điều đó lý giải vì sao các lệnh trừng phạt của Mỹ chưa bao giờ leo thang đến mức có thể khiến Moscow có thể làm khó các nhà đầu tư Mỹ.
Có thể thấy, khi sức mạnh nội tại của nền kinh tế Nga tăng lên, thì giới đầu tư nước ngoài sẵn sàng chi tiền, bất chấp các lệnh trừng phạt đang đeo bám Moscow.
Chính sách mở cửa, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài của Nga đã thực sự phát huy tác dụng, đây cũng là một trong số những nguyên nhân khiến cho lệnh trừng phạt của phương Tây trở nên vô hiệu.
Trung Kiên
Nguồn: baodatviet.vn