Lời đe dọa áp thuế 100% từ ông Trump có thể khiến các nước BRICS đẩy nhanh nỗ lực phi USD hóa, đi ngược lại mong muốn của Tổng thống đắc cử Mỹ.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social chiều 30/11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp tục đe dọa áp dụng thuế đối với các quốc gia nước ngoài, lần này là 9 nước thành viên khối BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nếu họ cố gắng làm suy yếu thế thống trị toàn cầu của USD.

"Chúng ta không thể chỉ đứng nhìn các nước BRICS tìm cách tránh xa USD", ông nói. "Chúng tôi yêu cầu các quốc gia này cam kết sẽ không tạo ra một loại tiền tệ mới của BRICS, hoặc ủng hộ bất kỳ loại tiền tệ nào khác để thay thế đồng USD hùng mạnh, nếu không họ sẽ phải đối mặt với mức thuế quan 100% và phải nói lời tạm biệt với nền kinh tế Mỹ tuyệt vời".

1 Ong Trump Co The Loi Bat Cap Hai Khi Doa Danh Thue Cac Nuoc Brics

Ông Donald Trump tại một sự kiện vận động tranh cử ở Michigan hồi tháng 10. Ảnh: AFP

BRICS bắt nguồn từ chữ cái đầu bằng tiếng Anh của 5 nước thành viên đầu tiên của khối gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Nhóm được thành lập năm 2009, với ba trụ cột hợp tác gồm chính trị - an ninh, kinh tế - tài chính, văn hóa và giao lưu nhân dân.

Mục đích tổ chức liên chính phủ này hướng đến là tập trung vào các chiến lược đầu tư quốc tế. Vào năm 2012, BRICS đã đầu tư 75 tỷ USD vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tăng cường sức mạnh cho vay của mình.

BRICS gần đây bắt đầu kết nạp thêm thành viên mới và trở thành nhóm các nền kinh tế mới nổi chiếm hơn 40% dân số toàn cầu, khoảng 1/4 GDP thế giới. Hơn 30 nước, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Malaysia, đã xin gia nhập khối vì muốn giảm phụ thuộc vào USD.

Theo IMF, USD chiếm khoảng 58% dự trữ ngoại hối của thế giới và hiện vẫn là loại tiền tệ được sử dụng nhiều nhất trong các giao dịch kinh doanh toàn cầu.

Tuy nhiên, các lãnh đạo BRIC khẳng định họ và các nước đang phát triển đã quá mệt mỏi với sự thống trị của Mỹ. Những cuộc thảo luận về phi USD hóa đã diễn ra rất sôi nổi tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi, vào năm ngoái.

Cựu tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo phát biểu rằng: "Tôi muốn mua hàng từ Ấn Độ, tại sao tôi phải dùng USD".

Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva tuyên bố muốn tạo ra một loại tiền tệ chung ở Nam Mỹ tương tự đồng euro mà Liên minh châu Âu (EU) sử dụng để giảm phụ thuộc vào USD.

Hồi đầu năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng chủ trì một hội nghị thượng đỉnh với 20 lãnh đạo thế giới và kêu gọi họ cùng từ bỏ USD.

Tuy nhiên, đây không phải ý tưởng mới. Năm 2009, thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc lúc bấy giờ Chu Tiểu Xuyên đã kêu gọi tạo ra một loại "tiền tệ dự trữ siêu quốc gia" sẽ "tách biệt khỏi các quốc gia riêng lẻ".

Theo giới chuyên gia, lời đe dọa áp thuế 100% vào các thành viên BRICS mà ông Trump tung ra là một phần trong chiến lược "biến thuế quan thành vũ khí đối ngoại" mà Tổng thống đắc cử Mỹ đang áp dụng để gây sức ép với cả đồng minh lẫn đối thủ.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng cam kết sẽ khiến các quốc gia phải trả giá đắt nếu muốn từ bỏ USD, đồng thời đe dọa sử dụng thuế quan để đảm bảo điều này.

"Nếu bạn từ bỏ USD, bạn sẽ không thể làm ăn với Mỹ vì chúng tôi sẽ áp dụng mức thuế 100% đối với hàng hóa của bạn", ông phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Wisconsin hồi tháng 9.

Ông Trump tháng trước cũng nêu khả năng áp thuế 25% đối với mọi mặt hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada, đồng thời tăng thêm 10% thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc, như một cách để buộc những nước này phải hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp và chất gây nghiện fetanyl tràn vào Mỹ.

Dù vậy, Dhruv Tanna, giám đốc bộ phận tuân thủ và báo cáo rửa tiền tại PhillipCapital, tổ chức tài chính có trụ sở tại Dubai, nhận định việc áp thuế với các nước BRICS theo đuổi chính sách phi USD hóa có nguy cơ phản tác dụng.

Theo ông, nó hoàn toàn có thể trở thành động lực để khối đẩy nhanh nỗ lực tạo ra các hệ thống tài chính thay thế, giảm phụ thuộc vào USD, từ đó làm suy yếu thế thống trị toàn cầu của đồng tiền này, đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa các thành viên BRICS.

"Nó cũng có thể làm leo thang căng thẳng thương mại, phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tăng giá tiêu dùng ở Mỹ và gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu Mỹ thông qua các biện pháp trả đũa", ông cho biết thêm.

Nguy cơ này được thể hiện qua tuyên bố hôm 2/12 của phát ngôn viện Điện Kremlin Dmitry Peskov, khi ông nói rằng việc Mỹ dùng "sức mạnh kinh tế" để buộc các nước sử dụng đồng USD sẽ "phản tác dụng".

"Điều đó càng thúc đẩy các nước sử dụng đồng nội tệ trong thương mại quốc tế", phát ngôn viên Điện Kremlin nói, thêm rằng đồng USD "đang dần mất đi sức hấp dẫn như một loại ngoại tệ dự trữ đối với một số quốc gia".

Trump từ lâu đã nhấn mạnh rằng ông muốn USD vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới. "Tôi sẽ không cho phép các quốc gia từ bỏ USD vì điều đó sẽ gây tổn hại đến đất nước chúng ta", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNBC hồi tháng ba.

"Không có cơ hội nào để BRICS thay thế USD trong thương mại quốc tế và bất kỳ quốc gia nào cố gắng làm như vậy nên nói lời tạm biệt nước Mỹ", Tổng thống đắc cử tuyên bố trong bài đăng hồi cuối tuần.

"Đe dọa áp thuế dường như đã trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại và thương mại của chính quyền Trump", Hasnain Malik, người đứng đầu ban nghiên cứu chiến lược đầu tư vào thị trường mới nổi và cận biên tại Tellimer, công ty phân tích thị trường trụ sở tại Dubai, nhận xét.

Theo ông, việc vũ khí hóa thương mại và tìm mọi cách để bảo vệ USD sẽ chỉ làm tăng nhu cầu ở các quốc gia khác về một loại tiền tệ mới thay thế.

Tuy nhiên, Malik giải thích rằng do các loại tiền tệ khác không có đủ khả năng chuyển đổi hoàn toàn hay nhận được sự hỗ trợ của hệ thống pháp lý đã được kiểm chứng nên chúng rất khó thay thế USD làm đồng tiền dự trữ trong mọi trường hợp, bất kể có lời đe dọa từ ông Trump hay không.

"Mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất trong khối BRICS, đồng nhân dân tệ chưa thể đáp ứng nhu cầu dự trữ ngoại hối của thế giới. USD vẫn là đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất trong thương mại và tài chính quốc tế", Shigeto Kondo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Kinh tế Trung Đông thuộc Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản, cho biết.

Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters, Nation News, USA Today)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC