"Không có gì để thảo luận cả. Kênh đào là của Panama và thuộc về người dân Panama. Chúng tôi không có ý định thực hiện bất kỳ cuộc đối thoại nào về điều này", Tổng thống Panama Jose Raul Mulino nói ngày 26/12.
Ông cũng bác bỏ khả năng giảm phí cho tàu thuyền Mỹ đi qua kênh đào Panama. Tổng thống Panama cho biết phí sử dụng kênh đào không được thiết lập theo ý muốn của Tổng thống hay người quản lý tuyến đường thủy, mà dựa trên "quy trình công khai và minh bạch" đã có từ lâu.
Đây là lần thứ hai Tổng thống Panama lên tiếng kể từ khi Tổng thống đắc cử Trump dọa giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama.
Tổng thống Mulino tại cuộc họp báo tại Panama City ngày 26/12. Ảnh: AFP
Kênh đào Panama dài 82 km, là tuyến đường tắt kết nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, rút ngắn đáng kể hành trình giữa hai khu vực và cho phép tàu thuyền không phải vòng qua tuyến đường dài, nguy hiểm quanh cực nam Nam Mỹ. Khoảng 5% lưu lượng hàng hải toàn cầu đi qua kênh đào Panama mỗi năm.
Mỹ là bên xây dựng kênh đào Panama và quản lý lãnh thổ xung quanh kênh đào này suốt nhiều thập kỷ. Chính phủ Mỹ bàn giao toàn bộ quyền quản lý kênh đào cho Panama năm 1999, sau thời gian hai bên đồng quản lý.
Mỹ là bên sử dụng kênh đào nhiều nhất với 74%, tiếp theo là Trung Quốc với 21%. Ban quản lý kênh đào Panama hồi tháng 10 thông báo doanh thu năm tài chính 2024 đạt mức kỷ lục gần 5 tỷ USD.
Ông Trump cuối tuần trước chỉ trích "mức phí vô lý" mà các tàu thuyền Mỹ phải trả khi đi qua kênh đào Panama, đồng thời ám chỉ đến ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Tổng thống Mulino hôm 23/12 khẳng định kênh đào Panama không chịu kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp từ Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ hay bất kỳ bên nào, đồng thời bày tỏ vẫn hy vọng có "quan hệ tốt đẹp" với chính quyền mới ở Mỹ. Hàng chục người biểu tình đã tập trung bên ngoài đại sứ quán Mỹ tại Panama City hồi tuần này để phản đối và yêu cầu ông Trump "để kênh đào được yên".
Thùy Lâm (Theo AFP)
Nguồn: VNEXPRESS.NET