Các phương tiện tham gia giao thông ở đại lộ Champs Elysees, Paris, Pháp. Ảnh: AFP.
Chính quyền thủ đô Paris của Pháp cấm các ôtô cũ, gây ô nhiễm hoạt động trong khu vực vành đai Petite Couronne từ 26/6 cho đến khi thời tiết mát mẻ hơn. Lệnh cấm được ban hành khi thủ đô Pháp đang hứng chịu đợt nắng nóng lịch sử.
Paris cùng với hai thành phố Lyon và Grenoble của Pháp đang sử dụng hệ thống Crit’Air, một hệ thống phân loại xe hơi theo 5 cấp, dựa trên tình trạng cũ, mới và mức độ gây ô nhiễm. Theo lệnh cấm mới, các xe hơi bị dán nhãn Crit’ Air 3 sẽ lần đầu tiên không được phép lưu thông trên đường vành đai A86.
Air-Parif, tổ chức phi lợi nhuận giám sát chất lượng không khí tại Paris, dự báo mức ô nhiễm ozone ở thủ đô Pháp ngày 26/6 có thể vượt mức cho phép là 180 mcg/m3. Tình trạng này xuất hiện cùng đợt nắng nóng diễn ra vào những ngày cuối tháng 6, với nhiệt độ cao nhất lên tới hơn 40 độ C, vượt ngưỡng nhiều đợt trước đó và vượt qua cả đợt nắng nóng lịch sử 2003 từng khiến gần 15.000 người thiệt mạng.
Lệnh cấm mới của Paris nhắm vào những chiếc xe cũ bị cho là nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí trong thời tiết nắng nóng. “Bạn phải chấp nhận thực tế rằng cứ mỗi đợt nắng nóng diễn ra là tình trạng ô nhiễm không khí lại tăng thêm, như những gì đang xảy ra”, Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Pháp Francois de Rugy hôm 26/6 nói.
Ngoài việc cấm xe hơi cũ lưu thông, chính quyền Paris ngày 25 và 26/6 đã cho bố trí thêm các bãi đậu xe miễn phí, nhằm khuyến khích người dân để xe hơi ở nhà và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Nhà chức trách cũng giảm tốc độ tối đa cho phép trên các đường cao tốc ở Paris trong trong những ngày nắng nóng. Thị trưởng thị trấn Saint Prix, tỉnh Val-d’Oise, thậm chí còn đề xuất cấm các chuyến bay đêm ở sân bay Charles de Gaulle để người dân quanh khu vực có thể mở cửa sổ trong đợt nóng. Tuy nhiên, đề xuất này được cho là không khả thi.
Đợt nắng nóng xuất hiện ở châu Âu cuối tháng 6 được cho là ảnh hưởng của khối không khí nóng từ vùng sa mạc ở Bắc Phi tràn lên châu lục này. Khối khí nóng khiến mức nhiệt phổ biến ở nhiều thành phố lớn trên khắp châu Âu lên đến hơn 40 độ C.
Giới chức Paris đã lên kế hoạch lắp đặt thêm các đài phun nước trên toàn thành phố, kéo dài giờ hoạt động của các bể bơi công cộng, mở cửa công viên suốt đêm và mở thêm các phòng làm mát trong các tòa nhà để đối phó với đợt nắng nóng. Tờ Midi Libre cho hay ít nhất ba người đã thiệt mạng ở Pháp do sốc nhiệt khi nhảy xuống nước để tìm cách thoát khỏi nắng nóng.
Mai Lâm (Theo Local)
Nguồn: vnexpress.net