Viện Vi trùng học Vũ Hán (WIV) nằm ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. WIV, nơi lưu giữ hơn 1.500 chủng virus chết người, chuyên nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất, đặc biệt là virus corona có nguồn gốc từ dơi.
Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán vào tháng 12/2019, nhiều giả thuyết cho rằng nCoV thoát ra từ WIV.
Tuy nhiên, hồi tháng 2, Shi Zhengli, giám đốc viện, cam đoan dịch bệnh không liên quan tới phòng thí nghiệm. Nhiều chuyên gia quốc tế cũng lên tiếng bác bỏ giả thuyết. Nghiên cứu công bố hôm 17/3 trên tạp chí Nature của các nhà khoa học Mỹ, Anh và Australia xác nhận nCoV có nguồn gốc tự nhiên.
Các kỹ thuật viên làm việc trong phòng thí nghiệm của viện. Ảnh: Sun.
Nhà chức trách Trung Quốc quyết định xây viện nghiên cứu sau dịch SARS năm 2002 - 2003 nhằm kiểm soát các bệnh dịch mới.
Dự án mất 15 năm để hoàn thành với tổng kinh phí 42 triệu USD. WIV được xây ở vị trí cao hơn vùng ngập nước và có khả năng chịu động đất cấp 7. Tòa nhà trung tâm của viện là phòng thí nghiệm 4 tầng với mức an toàn sinh học cao nhất (P4).
Đây là phòng thí nghiệm tiên tiến nhất ở Trung Quốc. Phòng thí nghiệm hoàn thiện vào năm 2015 và mở cửa ngày 5/1/2018 sau khi vượt qua nhiều đợt kiểm tra an toàn. Nơi này được mệnh danh là "tàu sân bay của ngành vi trùng học Trung Quốc".
Viện Vi trùng học Vũ Hán. Ảnh: Sun.
Tại WIV, các nhà nghiên cứu phải mặc đồ bảo hộ toàn thân chống chất nguy hiểm trước khi khử khuẩn dưới vòi phun hóa chất.
Bất cứ ai làm việc ở phòng áp suất âm và tiến hành thí nghiệm với động vật sống đều phải ra vào qua chốt gió kiểm soát luồng khí lưu thông giữa các phòng.
Không vật dụng nào trong phòng thí nghiệm có cạnh sắc để tránh làm rách đồ bảo hộ. Theo giới chuyên gia, virus không thể thoát khỏi phòng thí nghiệm nếu đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy định an toàn.
Nguồn: An Khang
Theo Sun, VnExpress