"Địa ngục đã giáng xuống Lầu Năm Góc", Rumsfeld viết trong hồi ký được xuất bản năm 2011. Ngày 11/9/2001, nhóm không tặc thuộc al-Qaeda cướp hai máy bay chở khách và lao vào Tòa Tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại Manhattan, New York, khiến cả hai tòa tháp cao 110 tầng sụp đổ và gần 3.000 người thiệt mạng. Chiếc thứ ba đâm vào Lầu Năm Góc ở Virginia, làm sập một phần mặt phía tây của tòa nhà.
Rumsfeld chạy ra khỏi tòa nhà, lao qua màn khói để tiếp cận hiện trường. Một trung tá không quân ở gần đó nói với ông: "Ngài không thể tiến xa hơn".
Nhưng Rumsfeld là Rumsfeld. Ông có thể làm bất cứ điều gì ông muốn.
Donald H. Rumsfeld đi trở lại vào Lầu Năm Góc sau khi giúp đỡ người bị thương tại hiện trường vụ tấn công ngày 11/9/2001. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.
"Bên ngoài, tôi thấy một khung cảnh hỗn loạn", ông viết. "Tôi có thể nhìn thấy đám khói đen bốc lên từ phía tây tòa nhà. Tôi chạy dọc theo vành đai Lầu Năm Góc và sau đó thấy ngọn lửa".
Rumsfeld không biết rằng tính mạng của ông là ẩn số tại Nhà Trắng. "Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng Bộ trưởng Rumsfeld đã bị tấn công", trợ lý của Nhà Trắng Mary Matalin cho biết. "Chúng tôi không nắm được vị trí của Bộ trưởng Quốc phòng".
Thay vì đi sơ tán, Rumsfeld có mặt ở gần hiện trường vụ tấn công. "Ông ấy giống như thuyền trưởng sẵn sàng chìm xuống cùng con tàu", Aubrey Davis, vệ sĩ thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, kể.
Rumsfeld cúi người nhặt một mảnh vỡ máy bay. "Đây là hãng American Airlines", ông nói. La liệt thi thể và mảnh vỡ nằm xung quanh ông.
"Một vài người từ Lầu Năm Góc có mặt ở đó, làm những gì họ có thể để hỗ trợ những người bị thương. Tôi thấy một số người mặc quân phục chạy trở lại tòa nhà đang cháy, hy vọng sẽ mang được nhiều người bị thương ra ngoài", Rumsfeld mô tả.
"Tôi nghe thấy ai đó hô lên 'cần giúp đỡ' và tôi chạy qua. Một cô gái ngồi trên bãi cỏ, người bầm tím và chảy máu, ngước nhìn tôi và nheo mắt. Mặc dù không thể đứng dậy, cô ấy nói 'tôi vẫn còn sức giúp mọi người, tôi có thể giúp truyền dịch cho những người bị thương".
Lầu Năm Góc rạng sáng 12/9/2001. Ảnh: Washington Post.
Tung tích của Rumsfeld cũng là ẩn số với chính các cấp dưới ở Lầu Năm Góc. "Trung tâm Liên lạc của Lầu Năm Góc liên tục hỏi Bộ trưởng ở đâu", Davis nói. "Tôi liên tục thông báo là chúng tôi đang ở cạnh ông ấy nhưng họ không nghe thấy".
Các quan chức trong trung tâm chỉ huy Lầu Năm Góc cho rằng ông đã được đưa đến một nơi an toàn. Nhưng thực tế, Rumsfeld vẫn chưa ra khỏi hiện trường đổ nát, nơi chứng kiến 184 người thiệt mạng.
"Sau đó chúng tôi thấy ông đi vào trung tâm chỉ huy, người đầy mồ hôi và bùn đất, áo khoác vắt lên vai", Victoria Clarke, phát ngôn viên của Rumsfeld, kể.
Rumsfeld phát động chiến tranh với Taliban, bên đã che giấu cho al-Qaeda và cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn ở Afghanistan 18 năm sau. Đây là cuộc xung đột dài nhất trong lịch sử Mỹ, cướp đi mạng sống của hơn 2.400 người Mỹ.
Khung cảnh hỗn loạn, hỏa hoạn, thi thể và những mảnh vỡ, những hình ảnh Rumsfeld tận mắt chứng kiến đã có tác động lớn đến ông.
"Tòa nhà của chúng tôi đã trở thành chiến trường", ông viết. Mảnh vỡ máy bay mà ông nhặt được trở thành lời nhắc nhở "về những mạng sống bị cướp đi, sự yếu đuối của đất nước trước khủng bố và nhiệm vụ cần ngăn chặn các vụ tấn công tương tự trong tương lai".
Phương Vũ (Theo Washington Post)/ VnExpress