Ấn Độ thắng hay thua trong cuộc chiến chống Covid-19 sẽ phụ thuộc vào việc có kiểm soát được tình hình ở các khu ổ chuột đông đúc, chật chội hay không.

Một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Covid-19. Điều này khiến các bác sỹ cảnh báo Ấn Độ cần phải chuẩn bị đối mặt với tình huống gia tăng đột biến các ca tử vong khiến hệ thống y tế còn tê liệt hơn cả những gì châu Âu và Mỹ đang trải qua hiện nay.

42 1 Qua Bom Hen Gio Bung Phat Covid 19 Tu Nhung Khu O Chuot Cua An Do

Với khoảng 1 triệu người sinh sống, khu ổ chuột Dharavi có mật độ dân số 280.000 người/km2, gấp 30 lần so với New York. Ảnh: AP

Một người đàn ông 56 tuổi tại khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ Dharava (Mumbai) được ghi nhận đã tử vong do Covid-19 hôm 1/4. Bệnh nhân này không có lịch sử đi lại tới các vùng dịch, tử vong chỉ vài giờ sau khi có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19) và đang trên đường được chuyển tới một bệnh viện địa phương, theo Kiran Dighavkar, một quan chức làm việc cho Hội đồng thành phố Brihanmumbai (BMC) ở Mumbai nói với CNN.

Một số thành viên trong gia đình của bệnh nhân này đã được xét nghiệm và đang được cách ly tại nhà. Khoảng 300 ngôi nhà cùng 90 cửa hàng ở xung quanh nhà của bệnh nhân cũng được phong tỏa để ngăn chặn virus lây lan.

Hôm 2/4, một nhân viên vệ sinh làm việc cho BMC ở Dharavi cũng dương tính với virus corona chủng mới.

Các bác sỹ ở Ấn Độ nói rằng, tình hình sẽ trở nên mất kiểm soát nếu dịch Covid-19 bùng phát và lây lan nhanh chóng ở các khu ổ chuột của Ấn Độ, nơi mà điều kiện vệ sinh và nước sạch không đủ cho hàng nghìn người đang sống trong các căn nhà tồi tàn và chật hẹp – một yếu tố khiến cho việc giãn cách xã hội là điều bất khả thi.

Ca tử vong ở Dharava là ca tử vong thứ 2 liên quan đến Covid-19 được ghi nhận ở các khu ổ chuột của thành phố Mumbai. Trước đó, ngày 31/3, một người đàn ông 63 tuổi ở khu ổ chuột Malvani cũng dương tính với SARS-CoV-2 và tử vong vào tối cùng ngày.

Bác sỹ Naresh Trehan, Chủ tịch và Giám đốc điều hành bệnh viện Medanta-the Medicity ở Gurugram, gần New Delhi cho biết, điều thiết yếu là giới chức Ấn Độ cần phải kiểm soát chặt chẽ các khu ổ chuột.

“Một khi chúng ta biết được khu ổ chuột nào đó có dịch, chúng ta cần phong tỏa khu vực đó lại, cung cấp đồ ăn thức uống cho người dân trong khu vực và buộc họ phải cách ly trong vòng 2 tuần. Nếu chúng ta cung cấp đủ các nhu yếu phẩm cho họ, thì cách này sẽ có hiệu quả”, ông Trehan nói.

Các bác sỹ cảnh báo, Ấn Độ cần phải chuẩn bị cho kịch bản lây nhiễm cộng đồng quy mô lớn và người dân phải tuân thủ chặt chẽ lệnh phong tỏa toàn quốc 21 ngày mà Thủ tướng Narendra Modi đã công bố tuần trước.

“Đã có bằng chứng về sự lây nhiễm cộng đồng. Nó sẽ lây lan với tốc độ như thế nào, chúng ta không thể đoán trước được. Tôi lo ngại rằng, cho dù chúng ta có chuẩn bị tốt đến mức nào, thì khi dịch Covid-19 ở Ấn Độ chạm tới đỉnh, chúng ta sẽ không đủ nguồn lực, cả về số giường bệnh, số máy thở hay số đồ bảo hộ cũng như nhiều thiết bị quan trọng khác”, Trehan nhấn mạnh.

Cuộc sống chật chội, hơn 1.000 người dùng chung 1 nhà vệ sinh

“Giãn cách xã hội không phải chỉ áp dụng đối với những người mắc bệnh, mà là đối với tất cả mọi người, trong đó có bạn và cả gia đình bạn”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh trong bài phát biểu tuần trước.

Tuy nhiên đối với 74 triệu người (chiếm 1/6 dân số đô thị Ấn Độ) - những người đang phải sống trong các căn nhà tồi tàn chật hẹp ở các khu ổ chuột thì việc giãn cách xã hội là điều bất khả thi.

42 2 Qua Bom Hen Gio Bung Phat Covid 19 Tu Nhung Khu O Chuot Cua An Do

Ở các khu ổ chuột, các lối đi chật hẹp tới mức hai người không thể đi qua mà không chạm vào nhau. Ảnh: AP

Komal Godiwal, sống cùng chồng và 4 đứa con trong 1 căn nhà chỉ 6 mét vuông ở khu ổ chuột Dharavi. Thường thì 2-3 thành viên trong gia đình cùng ngủ chen chúc trên 1 chiếc giường, trong khi những người còn lại nằm trên 1 tấm nệm dưới sàn nhà.

Gia đình Komal Godiwal phải dùng chung một nhà vệ sinh với 7 gia đình khác. Hàng ngày, họ phải tới các bể nước công cộng, mang quần áo tới để giặt giũ và lấy nước về nhà để nấu nướng.

Theo một khảo sát mới đây của CFS, tại khu ổ chuột Dharavi, có tới 1.440 cư dân dùng chung 1 nhà vệ sinh và 78% số nhà vệ sinh chung ở các khu ổ chuột Mumbai thiếu nước.

Với khoảng 1 triệu người sinh sống, Dharavi - nơi từng được lấy làm bối cảnh cho bộ phim “Triệu phú khu ổ chuột” giành giải Oscar, mật độ dân số là 280.000 người/km2, gấp 30 lần so với New York. Ở đây, các lối đi chật hẹp tới mức hai người không thể đi qua mà không chạm vào nhau.

“Các lối đi chật hẹp tới nỗi chúng tôi không thể không khép vai khi đi qua nhau. Tất cả chúng tôi đều phải đi ra ngoài để sử dụng nhà vệ sinh chung, và có tới 20 gia đình sống gần căn nhà bé nhỏ của tôi. Cuộc sống hàng ngày của chúng tôi là như thế. Nếu một ai đó mắc bệnh, thì tất cả chúng tôi đều mắc bệnh”, Jeetender Mahender, một công nhân vệ sinh 36 tuổi sống cùng gia đình ở khu ổ chuột Valmiki phía bắc Mumbai, nói.

Những khu ổ chuột hay khu định cư thu nhập thấp có mật độ cư dân cao này làm gia tăng thách thức đối với những nước đang phát triển như Ấn Độ trong việc kiểm soát dịch bệnh. Giới chức y tế cảnh báo, đây có thể là “những điểm nóng tiềm tàng” của sự lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

Ấn độ đã ban hành lệnh phong tỏa chưa từng thấy trong khi số ca mắc vẫn tương đối thấp là một điều được đánh giá cao. Tính đến ngày 3/4, Ấn Độ ghi nhận 230 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 2.547 trường hợp trong đó có 62 ca tử vong.

Tuy nhiên, Ấn Độ thắng hay thua trong cuộc chiến chống Covid-19 sẽ phụ thuộc vào việc nước này kiểm soát được tình hình ở các khu vực như vậy, đặc biệt là các khu ổ chuột.

“Quả bom hẹn giờ”

Hồi chuông cảnh báo đã gióng lên ở Mumbai sau khi hơn 10 người sống trong các khu ổ chuột cũng như các khu thu nhập thấp có mật độ dân cư cao dương tính với SARS-CoV-2 trong những ngày cuối tháng 3.

“Tôi nghĩ chúng ta đang ngồi trên một quả bom hẹn giờ. Đã có những nỗ lực trong việc cung cấp nước sạch tới các khu vực đông dân cư và các khu ổ chuột để họ có thể đảm bảo vệ sinh hơn. Ví dụ, bạn có thể đặt thêm nhiều téc nước và các trạm rửa tay tạm thời ở các khu ổ chuột. Bạn phải cung cấp cho họ các nguồn lực cơ bản để chống lại dịch bệnh”, Rajmohan Panda, chuyên gia y tế của Tổ chức Sức khỏe cộng đồng Ấn Độ, nói.

42 3 Qua Bom Hen Gio Bung Phat Covid 19 Tu Nhung Khu O Chuot Cua An Do

Hàng chục nghìn lao động di cư chạy khỏi các thành phố lớn của Ấn Độ để về quê nhà sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc khiến họ mất kế sinh nhai và cạn kiệt tiền bạc. Ảnh: Getty

Giới chức Ấn Độ nói rằng, khi số ca mắc Covid-19 bắt đầu tăng theo cấp số nhân, lây nhiễm cộng đồng là điều không thể tránh khỏi.

“Chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn khi các lệnh phong tỏa bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu tình trạng lây nhiễm ở những khu ổ chuột không được giám sát chặt chẽ, thì khi kết thúc 21 ngày phong tỏa, dịch bệnh sẽ vẫn lây lan rộng ra ngoài”,  T. Jacob John, Cựu Giám đốc Hội đồng Ấn Độ cảnh báo.

Các chuyên gia cũng kêu gọi Ấn Độ mở rộng quy mô xét nghiệm, bởi tới nay, nước này vẫn chỉ tập trung vào những người có lịch sử đi lại tới các vùng dịch hoặc những người có triệu chứng bệnh ở những khu thu nhập thấp có mật độ dân cư cao.

Cuộc sống của tầng lớp trung lưu Ấn Độ có sự liên quan chặt chẽ với những người sống ở các khu ổ chuột hay các khu thu nhập thấp. Hàng chục nghìn người đang làm những công việc như dọn vệ sinh, giúp việc, nấu an, lái xe… cho những gia đình trung lưu, và nếu mang mần bệnh, họ chính là một trong các tác nhân dẫn tới lây nhiễm cộng đồng đồng.

“Nếu lây nhiễm cộng đồng bắt đầu xảy ra, thì sẽ là một cuộc chiến vô vùng khó khăn đối với hệ thống y tế. Rất nhiều người sống ở các khu thu nhập thấp bị suy dinh dưỡng và khả năng miễn dịch của họ cũng kém hơn. Đây sẽ là một vấn đề lớn”, theo chuyên gia y tế Panda.

Một mối đe dọa khác có thể phá hỏng các nỗ lực của Ấn Độ chính là việc hàng chục nghìn lao động di cư chạy khỏi các thành phố lớn của Ấn Độ để về quê nhà sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc khiến họ mất kế sinh nhai và cạn kiệt tiền bạc.

Không đồ ăn, không nơi ở, không tiền tiết kiệm, hàng nghìn người chọn cách đi bộ suốt hành trình dài để về quê.

Nhiều người lo ngại rằng việc họ “tháo chạy” khỏi các thành phố lớn có thể vô tình khiến dịch bệnh bùng phát ở các khu vực nông thôn, và các cơ sở y tế vốn đã hạn chế ở các khu vực xa xôi sẽ không có khả năng đối phó./.

Nguồn: VOV.VN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC