Đoàn xe quân sự Ukraine gần biên giới Nga (Ảnh: Getty).
Trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương ngày 16/8, Trung tá Mattias Puusepp, phó tham mưu trưởng sư đoàn Lực lượng Phòng vệ Estonia, nói Nga bị động và "không thể đối phó hiệu quả" với cuộc đột kích của Ukraine.
"Theo các tin tức trên mạng xã hội Nga, quân đội nước này sẽ sớm phản công. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga có đủ lực lượng và khu vực để triển khai những hành động lớn như vậy", ông Puusepp nhận định.
Nga đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở các tỉnh Kursk và Belgorod trong bối cảnh Ukraine tiếp tục tiến quân ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, Moscow chỉ gọi các hành động phòng vệ của mình ở Kursk là "hoạt động chống khủng bố" trong một nỗ lực nhằm đánh giá thấp quy mô cuộc đột kích của Kiev.
Theo ông Puusepp, lực lượng Nga chưa được chuẩn bị cho cuộc tấn công của Ukraine và cũng phải đối mặt với "vấn đề chỉ huy" ở tỉnh Kursk.
Sau hơn một tuần đột kích, quân Ukraine đã tiến sâu hơn 30km vào lãnh thổ Kursk, kiểm soát hơn 1.150km2, 82 khu định cư tại đây. Kiev đang tìm cách phá hủy các cây cầu chiến lược ở Kursk nhằm làm gián đoạn tuyến đường tiếp viện của Nga.
Nga cáo buộc Ukraine dùng vũ khí do phương Tây viện trợ để phá hủy các cây cầu ở Kursk.
"Lần đầu tiên khu vực Kursk bị tấn công bởi các bệ phóng tên lửa do phương Tây sản xuất, có thể là HIMARS của Mỹ. Cây cầu bắc qua sông Seym ở quận Glushkovo đã bị phá hủy hoàn toàn và những tình nguyện viên đang hỗ trợ dân thường sơ tán đã thiệt mạng", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bình luận trên Telegram ngày 17/8.
Mỹ chưa phản hồi về cáo buộc, song trước đó giới chức nước này cho biết, Washington coi cuộc đột kích của Kiev là động thái phòng vệ và không vi phạm chính sách của Mỹ.
Theo Kyiv Independent
Nguồn: Báo điện tử Dân trí