Tổng thống Mỹ đã đổi cách tiếp cận về dịch COVID-19.
Máy bay chở khẩu trang Trung Quốc chuẩn bị tới các bệnh viện và viện dưỡng lão ở Pháp đã phải quay đầu sang Mỹ.
Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục lây lan và đặt nhiều quốc gia trên thế giới vào vòng nguy hiểm bởi thiếu thốn các thiết bị vật tư y tế.
Pháp hiện là quốc gia có số người nhiễm bệnh lớn thứ 3 tại châu Âu, sau Italy và Tây Ban Nha.
Người Pháp đã bị người Mỹ "hớt tay trên" số khẩu trang y tế?
Theo đó, ông Muselier cho hay, chính quyền địa phương này đã trả tiền đặt mua vài triệu khẩu trang từ các nhà sản xuất Trung Quốc, hàng đã sẵn sàng để chuyển đi, nhưng vào giây phút cuối cùng lại có chuyện xảy ra.
Bài đăng hôm 2/4 của Sputnik dẫn lời ông Muselier nói trên sóng truyền hình RT France: "Tại một bến bốc xếp hàng ở Trung Quốc, một đơn đặt hàng của Pháp đã bị mua lại bằng dollar Mỹ tiền mặt. Chiếc máy bay lẽ ra phải bay đến Pháp đã bay thẳng đến Mỹ".
Báo Liberation dẫn các nguồn tin riêng tiết lộ, người Mỹ đang "mua vét" khẩu trang trên thế giới với bất cứ giá nào.
"Họ trả gấp đôi và bằng tiền mặt, thậm chí không cần xem hàng. Chúng tôi không thể cho phép mình làm điều ấy” - một trong những nguồn tin nói với Liberation.
Nguồn tin này nói thêm rằng, người Pháp thường thanh toán đơn đặt hàng khi nhận được hàng trong khi người Mỹ có thể đã có cách thanh toán khác.
Nguồn tin từ hội đồng vùng Nouvelle-Aquitaine mô tả sự việc xảy ra ở Trung Quốc giống như "một sự hỗn loạn về logistic". Người này phàn nàn rằng đã vài lần phải chuyển số hàng đã đặt tới những thành phố khác nhau ở Trung Quốc, bởi vì các sân bay vận tải hàng hóa đã chật cứng.
Ngoài ra, người này cho biết, Mỹ mua hàng tỷ chiếc khẩu trang, đó là lý do vì sao các đơn đặt hàng tương đối nhỏ từ châu Âu luôn xếp ở cuối hàng.
Để xảy ra tình trạng này, theo Liberation, chính quyền các vùng không hài lòng với chính sách của chính phủ về việc cung cấp trang thiết bị bảo hộ cho các địa phương, vì vậy nhiều nơi buộc phải tự cung cấp. Tổng cộng, các địa phương của Pháp đã đặt hàng khoảng 60 triệu khẩu trang.
Cũng theo nguồn tin ở vùng trên, các địa phương thường xuyên trao đổi cho nhau mối liên lạc với các nhà cung cấp các thiết bị y tế để có đầu mối đặt hàng, tuy nhiên vẫn có nguy cơ gặp phải những kẻ lừa đảo, cũng như các công ty đáng ngờ có tài khoản ngoại biên (offshore).
Giới chức y tế Pháp cho biết trong 24 giờ qua, số người tử vong vì dịch Covid-19 tại các bệnh viện của nước này đã lập kỷ lục mới thêm 509 trường hợp. Như vậy, tổng số người tử vong lên đến 4.032 kể từ ngày 1/3, trong đó 83% trên 70 tuổi.
Các trường hợp nhiễm virus được xác nhận qua xét nghiệm là 56.989 bệnh nhân, tăng 4.861 người so với 1 ngày trước.
Trong số 24.639 bệnh nhân (tăng 1.882) có triệu chứng nặng phải nhập viện, 6.017 người (tăng 452) đang được chăm sóc đặc biệt. Gần 11.000 người đã được chữa khỏi và ra viện.
Tối 1/4, Thủ tướng Edouard Philippe đã có buổi điều trần trước Quốc hội về cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Được hỏi về thời hạn bãi bỏ lệnh hạn chế đi lại, hiện đã bước sang tuần thứ 3, ông Philippe cho biết các nhóm làm việc của Chính phủ dựa trên một số giả thuyết để đưa ra nhiều kịch bản.
Có thể việc dỡ bỏ lệnh này sẽ không diễn ra “cùng một lúc cho tất cả mọi nơi và tất cả mọi người”.
Trong khi đó, tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump cũng đã đứng ra thừa nhận những sai lầm của giới lãnh đạo nước này về dịch COVID-19 đã khiến họ bỏ lỡ cơ hội vàng để chống lại đại dịch trước khi lây lan nhanh khiến số người nhiễm lớn nhất thế giới.
Ban đầu, Tổng thống Donald Trump mô tả dịch COVID-19 giống như cúm mùa, cuối cùng thừa nhận nó có thể “khiến đất nước này chứng kiến những điều chưa từng có” và “tàn ác hơn cúm mùa”: cướp đi sinh mạng của 2,2 triệu người nếu không có các biện pháp ngăn chặn.
Phát biểu trong cuộc họp báo ông Trump cảnh báo 14 ngày tới sẽ là những ngày "vô cùng đau đớn" và trưng ra các biểu đồ dự đoán đỉnh dịch corona tại Mỹ sẽ rơi vào ngày 15 hoặc 16/4 tới.
Các mô hình dự đoán được các quan chức y tế cấp cao trình bày cho thấy số người chết mỗi ngày tại Mỹ trong vòng 14 ngày tới có thể dao động từ 1.000 - 3.000.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã nhiều lần khẳng định những người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang. Tuy nhiên, trước con số 25% ca nhiễm mới có thể không biểu hiện triệu chứng, Giám đốc CDC Redfield đã thừa nhận cơ quan này sẽ phải rút lại cảnh báo cũ và đưa ra khuyến cáo đeo khẩu trang nơi công cộng.
Đó lại là một đòn nữa đánh vào tâm lý của dân Mỹ, rằng hãy ở yên trong nhà nếu không muốn bị lây nhiễm từ những người trông vô cùng bình thường ở ngoài.
Báo New York Times nhận định ông Trump có lẽ là nguyên thủ quốc gia đầu tiên sử dụng mô hình dự đoán số ca nhiễm và chết vì COVID-19 để cảnh báo dân nước mình trong một cuộc họp báo chính thức.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đó đã bị chỉ trích chủ ý gây hoảng loạn khi dự đoán 60% hoặc 70% người dân sẽ nhiễm bệnh.
Hải Lâm - BÁO ĐẤT VIỆT